Đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp khởi nghiệp bứt tốc


Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu nhưng lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp mạnh mẽ để DN khởi nghiệp bứt tốc trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước làn sóng khởi nghiệp, sáng tạo diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp như: Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025. Đây được coi là nền tảng chính sách quan trọng hỗ trợ đối với hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.

Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, để định hướng, đề ra mục tiêu và giải pháp cơ bản về hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp.

Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn được hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub. vn, Twenty.vn, Startup. vn và Launch.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015. Việt Nam hiện có khoảng trên 3.000 DN khởi nghiệp.

Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng DN khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.

Mặc dù, tinh thần khởi nghiệp được xếp vào nhóm cao trên thế giới, nhưng Việt Nam lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công.

Nguyên nhân của thực trạng trên một phần là do, hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng được hoàn thiện, nhưng còn thiếu nhiều nội dung cần hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng khó triển khai các quy định và chính sách trên thực tế.

Hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện đang thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới. Đây là rào cản lớn khiến các DN khởi nghiệp Việt Nam khó tiếp cận vốn và hoạt động. DN rất cần định chế và hàng lang pháp lý để DN khởi nghiệp thành công.

Cùng với đó, DN khởi nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế, điển hình như: Hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển. Các dự án khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí cho máy móc, thiết bị và phát triển ý tưởng, sản phẩm; Hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển.

Nhằm phát huy tinh thần khởi nghiệp, nâng cao tỷ lệ thành công trong các DN khởi nghiệp, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện, nghiên cứu, ban hành mới, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo cho các DN khởi nghiệp có thể trụ vững.

Các DN cần trang bị tốt hơn kiến thức về tài chính và huy động vốn để có thể tiếp cận và kêu gọi vốn đầu tư thành công; đồng thời, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết khi khởi nghiệp; Chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời năm bắt, tiếp nhận, tận dụng các cơ hội, ưu đãi từ chính sách và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp.