Động lực để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

PV.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649.000 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn: Internet
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn: Internet
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung trong 6 tháng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Nếu tính cả 1.192,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2018 là 1.841,2 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng, còn có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên tới gần 81.000 doanh nghiệp.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng là 508,5 nghìn người, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong nửa đầu năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 17.984 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 34.819 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Ngoài ra, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 6.629 doanh nghiệp trong đó hầu hết các các doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, sắp tới, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập xong giải thể còn nhiều hơn nữa, nhưng quan trọng là doanh nghiệp thất bại sẽ tiếp tục vực dậy để kinh doanh.
Trong khi đó, chỉ còn khoảng 18 tháng nữa là hạn chót của mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp mà Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp 2020. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trung bình mỗi năm cần khoảng 150.000 doanh nghiệp mới thành lập.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa bỏ rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư để giảm nhẹ các áp lực thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tính đến hết quý I/2018, các bộ, ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa được 738 điều kiện kinh doanh. Đây là một sự cố gắng không nhỏ của các bộ, ngành, cơ quan quản lý để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ điều kiện kinh doanh, tạo môi trường hoạt động bình đẳng, thông thoáng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, về cơ bản các quá trình cải cách vẫn đang nằm trên phương án hoặc dự thảo của các bộ. Vậy, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có động thái xóa bỏ các rào cản, và có những chính sách thực sự nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2018 cho thấy, có 45% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 37,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; Có 17,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Đồng thời, dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 52,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 36% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định; Và chỉ có 11,5% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Có thể nói, đây cũng điểm sáng để mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ có cơ hội trở thành hiện thực.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

 

"Doanh nghiệp có thành lập thì có mất đi, điều này thể hiện nền kinh tế đang vận hành tốt, hơn nữa tỷ lệ doanh nghiệp phá sản ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước như Anh, Newzealand."