Đột phá mới về phạm vi, cơ chế hoạt động cho DATC

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP về chức năng, cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). So với quy định cũ, Nghị định này có nhiều điểm mới mang tính đột phá, tạo thuận lợi cho DATC phát huy vai trò, thế mạnh của mình trên thị trường mua bán nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ quy định cũ

Ngày 05/6/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 109/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, quy định rõ phạm vi hoạt động và cơ chế hoạt động của DATC.

Theo Quyết định này, phạm vi hoạt động của DATC là: Mua các khoản nợ và tài sản tồn đọng của DN, tiếp nhận để xử lý các khoản nợ và tài sản, xử lý các khoản nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận.

Đối tượng tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản được xác định là tiếp nhận để xử lý các khoản nợ và tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị DN khi thực hiện chuyển đổi sở hữu DNNN.

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của DATC được Thủ tướng Chính phủ quy định gồm: Tổ chức đòi nợ, bán nợ, đầu tư dưới hình thức: góp vốn, hợp tác kinh doanh; Bảo quản, sửa chữa, nâng cấp tài sản để bán, cho thuê, đầu tư, tổ chức sxkd, liên hoanh khai thác tài sản.

Tại Quyết định này, chưa có cơ chế đặc thù hoạt động của DATC về tái cơ cấu thông qua hoạt động mua bán nợ.

Đến đột phá về phạm vi, cơ chế hoạt động

Nghị định số 129/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27/10/2020 được đánh giá là có nhiều điểm mới khi mở rộng phạm vi hoạt động và cơ chế hoạt động cho DATC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay trên thị trường mua bán nợ.

Phạm vi hoạt động của DATC được mở rộng ở nhiều khía cạnh. Cụ thể, mua bán, xử lý nợ và tài sản: bao gồm cả các dự án cần hỗ trợ xử lý nợ để tiếp tục đầu tư, khai thác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua, xử lý nợ: DNNN và các DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Cùng với đó, mở rộng về đối tượng tiếp nhận cho DATC qua việc: Tiếp nhận nợ và tài sản theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ để xử lý theo quy định tại Nghị định này; Tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm nợ phải thu và các tài sản để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước.

Việc bổ sung thêm đối tượng tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ về chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ

Bên cạnh đó, Nghị định mới đã bổ sung thêm các cơ chế để tăng cường hoạt động xử lý, thu hồi nợ của DATC. Cụ thể, cho phép DATC thực hiện thu hồi nợ trực tiếp từ bên nợ và các bên liên quan bằng tiền, tài sản, các công cụ nợ; Quản lý, đầu tư, khai thác, xử lý tài sản đảm bảo; Bán nợ; Chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ bên nợ sang bên thứ ba; Ủy thác thu hồi nợ hoặc thu hồi nợ thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ đòi nợ; Chuyển nợ thành vốn góp tại DN; Cơ cấu lại nợ; Giảm trừ một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ; Thu nợ có chiết khấu.

Đặc biệt, tại Nghị định mới, Chính phủ đã có cơ chế đặc thù hoạt động của DATC về tái cơ cấu thông qua hoạt động mua bán nợ. Theo đó, DATC được thực hiện cơ chế hỗ trợ quá trình chuyển đối sở hữu DNNN, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sở hữu, các DN thuộc thành phần kinh tế khác góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh; Cho phép DATC được phép hỗ trợ về tài chính đối với các DN tái cơ cấu.

DATC được cung cấp tài chính từ nguồn vốn kinh doanh của DATC: Ngoài biện pháp chuyển nợ thành vốn góp để xử lý nợ, Nghị định mới cho phép DATC hỗ trợ bằng hình thức cho vay vốn đối với các DN DATC sở hữu trên 50% vốn đang gặp khó khăn về tài chính; Được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Cơ chế xử lý thu hồi vốn hình thành từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp: Trường hợp chuyển nhượng không thành công hoặc chuyển nhượng không hết số cổ phần chào bán thì DATC được điều chỉnh giá chào bán để tiếp tục chuyển nhượng trong các lần bán tiếp theo. Mức giảm giá tối đa không quá 10% so với giá chào bán lần trước liền kề trong thời hạn Chứng minh thẩm định giá còn hiệu lực.

Cơ chế xử lý thu hồi vốn hình thành từ chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu: Đối với DN tái cơ cấu có vốn kèm nợ phải thu nên cần có cơ chế chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu khác với việc chuyển nhượng vốn đầu tư của các DN kinh doanh thông thường.

Có thể khẳng định, với phạm vi, cơ chế hoạt động mới sẽ tạo thuận lợi cho DATC phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong mau bán, xử lý nợ và tái cơ cấu DN. Việc bổ sung thêm đối tượng tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ về chuyển đổi sở hữu DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ; Đồng thời, tiếp nhận các tài sản khác theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước sẽ làm giảm bớt lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước và tạo thêm các phương án xử lý linh hoạt, đa dạng và có hiệu quả đối với các đối tượng này.

Việc bổ sung quyền cung cấp tài chính hoặc bảo lãnh cho các DN được DATC tham gia tái cơ cấu sẽ giúp các doanh nghiệp là đối tượng được DATC hỗ trợ (có vốn góp chi phối của DATC) đang gặp khó khăn về tài chính, thua lỗ có thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.