Đưa Việt Nam vào top 10 nước hàng đầu về chế biến nông sản: Cần “cú đấm thép” nào?
Công nghệ chế biến nông sản nước ta hiện mới đạt mức trung bình của thế giới. Tại Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” sáng 21.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đưa Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới về chế biến nông sản vào năm 2030. Cách nào đạt được mục tiêu này?
Hãy để doanh nghiệp nhìn nhận thị trường
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Hiện nước ta đã hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm với hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Công nghệ chế biến nông sản đã đạt mức trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra... Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5 - 7%/năm. Cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí, gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp; trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 2,4 mã lực/ha.
Gợi mở các vấn đề thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), mang đến cơ hội mở rộng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng thị trường của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu yêu cầu rất cao. Ở trong nước, thị trường gần 100 triệu dân cũng rất quan trọng, nếu không quan tâm sẽ là thiếu trách nhiệm với người dân. “Vậy chính sách nào là “cú đấm thép” của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương, xã hội cần đánh giá đúng về vị trí của ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp rất nhiều tiềm năng, có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế. “Chính phủ cần xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, dựa vào thị trường phân phối tập trung. Sau khi doanh nghiệp lớn hoàn thành chuỗi giá trị, tìm ra mô hình phù hợp, sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình cho người nông dân. Khi đó, người nông dân nhỏ lẻ sẽ được tham gia vào một chuỗi giá trị vững mạnh, được bảo vệ, được cam kết về đầu ra của hàng hóa”. Ông cũng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh và khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Theo ông, nông sản hữu cơ như chuối, thanh long, xoài… có thời gian bảo quản dài hơn nhiều lần hàng thông thường nên có thể xuất đi nhiều thị trường, bằng nhiều hình thức vận chuyển.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, cho rằng điểm mấu chốt để nông nghiệp Việt Nam “cất cánh” chính là dựa vào tư duy của doanh nghiệp, tư duy sản xuất, tư duy thị trường, tư duy tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
“Trong nông nghiệp nói ngắn gọn có ba khâu: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Những khâu này phải dựa trên tư duy của doanh nghiệp, doanh nhân. Ai kết nối nông dân? Đó là hợp tác xã công nghệ cao. Tất cả tư duy này nên để chủ doanh nghiệp đưa ra. Chính phủ phải tạo cơ chế để thúc đẩy điều này. Doanh nghiệp sản xuất cái gì bao giờ cũng gắn với thị trường. Trước đây Chính phủ có nói tôi phải làm bò sữa đâu, khi tôi làm nhiều người rất kỳ thị và hoài nghi. Vì thế, hãy để doanh nghiệp nhìn nhận về thị trường”, bà Thái Hương đề nghị.
“Quả bóng” trong chân địa phương
Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. “Đây là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản”. Trong đó, tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn; thuận lợi về giao thông, lao động, logistics; có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực.
Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả, Cùng với đó, đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp, đón bắt thời cơ mới, điều kiện mới của nước ta, một nước nông nghiệp nhiệt đới gió mùa có lợi thế so với nhiều nước khác.
Vai trò của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và đặc biệt là các hợp tác xã, tổ hợp tác rất lớn. “Chúng ta có 15.000 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đóng góp rất quan trọng. Sau hội nghị này sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng, một Chiến lược về phát triển công nghiệp chế biến trong nông nghiệp và thứ ba là chính sách phát triển”, Thủ tướng cho biết.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các địa phương phải tìm lối ra cho chính địa phương mình, đó là “nông nghiệp tín nhiệm”, tức nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó phải triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp. “Ở Sơn La xa xôi, núi non mà có 10 nhà máy chế biến, căn bản hình thành vùng rau quả rất nổi tiếng, chưa nói đến bò sữa”, như vậy, “quả bóng” nằm ở các địa phương”. Làm tốt hay không chính là ở địa phương, Nhà nước sẽ làm hết sức mình về vĩ mô để cho ngành nông nghiệp Việt Nam thành công”.
Cơ bản đồng ý với định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm nhìn phát triển công nghiệp chế biến nông sản: Phấn đấu đến năm 2030 đứng trong top 10 thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu. Về tầm nhìn phát triển cơ giới hóa nông nghiệp: Phấn đấu đến năm 2030, cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Từ tầm nhìn này, cần thiết kế các giải pháp, nhất là đối với các khâu còn yếu như khâu giết mổ trong chăn nuôi, khâu bảo quản trong trồng trọt…