Gắn giáo dục nghề nghiệp với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Trong những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được đổi mới và phát triển đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về quy mô, số lượng, chất lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề theo hướng cầu của thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, việc đào tạo những ngành nghề gắn với thực tiễn sản xuất tại các trường nghề còn chưa theo kịp với xu hướng thay đổi trên thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay. Để khắc phục tình trạng này cần giải pháp đồng bộ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo học viên gắn với thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp.

Gắn giáo dục nghề nghiệp với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến năm 2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ và đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại. Kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%.

Kết quả tích cực này bắt nguồn từ cách làm sáng tạo của các cơ sở GDNN trong việc gắn kết hoạt động đào tạo với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp (DN). Cơ sở GDNN đào tạo theo nhu cầu thực tiễn của DN, còn DN tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở GDNN. Đây là mối quan hệ qua lại được hai bên phối hợp chặt chẽ với nhau. Nhờ đó, sau khi xây dựng được mối quan hệ bền vững này, DN đã góp ý cho cơ sở GDNN về chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn công việc của DN.

Cơ sở GDNN dần hoàn thiện chương trình đào tạo của mình để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Việc tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN với DN trong tổ chức đào tạo đã tạo hiệu ứng tích cực trong giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - DN bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.

Thêm vào đó, tại các địa phương, các cơ sở GDNN cũng quan tâm đến hoạt động gắn kết với DN. Các DN đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại DN được hình thành. Nhiều cơ sở GDNN cũng đã chú trọng công tác đào tạo gắn với thị trường lao động, đồng thời phối hợp với các DN thông qua việc ký kết hợp tác trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Theo nghiên cứu của TS. Lương Thị Tâm Uyên (2019),  tính trung bình, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ khoảng 85%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt khoảng 87%, trung cấp đạt khoảng 82%. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 6,0 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp sau khi tốt nghiệp đạt 5,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề có mức lương khá cao, có những nghề sinh viên tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 10-15 triệu đồng/tháng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc gắn kết mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và DN cũng gặp một số khó khăn, bất cập như: Một số DN chưa được tham gia và đóng góp ý kiến về xây dựng chương trình đào tạo; Kiến thức của học viên nhận được sau khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng và họ phải đào tạo lại…

Nguyên nhân của những bất cập này là do nhận thức chưa đúng về nhu cầu gắn kết và hợp tác giữa cơ sở GDNN và DN; sự thiếu thông tin, hợp tác chưa chặt chẽ, thiếu lòng tin giữa cơ sở GDNN và DN cũng là nguyên nhân khiến cho mối gắn kết giữa hai bên chưa bền vững. Mặc dù các cơ sở GDNN đã ký kết hợp tác với các DN, nhưng mối quan hệ giữa hai bên có lúc chỉ dừng lại ở việc đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại DN. Mối gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN còn lỏng lẻo. Cơ sở GDNN và DN sử dụng lao động còn chưa song hành, sự tham gia của DN vào hoạt động dạy nghề còn nhiều hạn chế...

Giải pháp tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nhân lực phục vụ cho địa phương, xã hội đòi hỏi các cơ sở GDNN cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với các DN. Để làm được điều này, cần tập trung triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích DN tham gia hoạt động GDNN, với các quy định về tổ chức, tài chính, thuế, phúc lợi xã hội nhằm khuyến khích DN thành lập bộ phận đào tạo để cử cán bộ chuyên trách tham gia gắn kết với cơ sở đào tạo. Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa cơ sở GDNN và DN. Cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa cơ sở GDNN và DN.

Thứ hai, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDNN; Khuyến khích các DN, hiệp hội DN liên kết với các cơ sở GDNN trong đào tạo, hợp tác nghiên cứu để sản xuất ra các sản phẩm hữu ích...

Thứ ba, cơ sở GDNN cần thành lập trung tâm dịch vụ, hỗ trợ học sinh, sinh viên và quan hệ DN để có tư cách pháp nhân trong việc tham mưu cho lãnh đạo thiết lập và mở rộng quan hệ giữa cơ sở GDNN với các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế và DN trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đáp ứng nhu cầu của địa phương, DN.

Thứ tư, cơ sở GDNN cần chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ DN tham gia vào hoạt động đào tạo về kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy trên giảng đường sát với thực tiễn sản xuất của DN.

Thứ năm, nâng cao năng lực đào tạo thông qua bồi dưỡng trình độ của đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu; Cập nhật, đổi mới chương trình nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Lương Thị Tâm Uyên (2019), Gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm;
2. Giang Minh Nguyệt (2019), Giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp;
3. Phạm Quốc Hoàn (2019), Đưa thực tiễn sản xuất vào quá trình đào tạo, https://gdnn.edu.vn/giao-duc-nghe-nghiep/dua-thuc-tien-san-xuat-vaoqua-trinh-dao-tao-197.html.