Gánh nặng giá

Theo TBKTSG

Những lời chúc làm ăn phát đạt, thành công mà các doanh nhân thường nhận được trong những ngày đầu năm mới xem ra khó trở thành hiện thực trong năm 2011 này. Chỉ ít ngày sau Tết Nguyên đán, tỷ giá tăng mạnh, rồi đến lượt giá điện, nước, than được Chính phủ bật đèn xanh cho tăng.

Từ các ngành công nghiệp nhẹ

Chưa kịp vui mừng cho lô hàng gỗ xuất khẩu đầu tiên trong năm mới, ông Lê Trí Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Lợi, đã bị “dội một gáo nước lạnh” khi đối tác nhập khẩu từ chối tăng giá đơn hàng 5% như đã thỏa thuận trước đó. Lý do mà nhà nhập khẩu đưa ra là tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ vừa được điều chỉnh theo hướng có lợi cho những nhà xuất khẩu Việt Nam.

Như trường hợp của ông Thắng, nhiều doanh nghiệp “ra quân” đầu năm mới với tâm trạng khá bi quan khi tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng. Doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu đang phải tính toán từng đơn hàng để giảm thiệt hại do chênh lệch tỷ giá.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng không “mặn mà” với việc tỷ giá tăng, vì phần lớn họ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào cho hàng chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường nội địa cũng đối mặt với tình trạng “té nước theo mưa” khi giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công tiếp tục tăng mạnh trong những ngày đầu năm mới.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, thủy sản, dệt may… đã hứng chịu “cơn bão” giá nguyên liệu đầu vào tăng trong những ngày đầu năm. Theo ông Thắng, giá gỗ thông nhập khẩu vào thời điểm hiện tại đã ở mức 260 đô la Mỹ/khối, so với thời điểm cuối năm 2010 là 180 đô la Mỹ/khối. Gỗ sồi nhập khẩu vẫn tiếp tục ở mức cao trên 500 đô la Mỹ/khối, dù trước đó đã có thông tin giá loại gỗ này sẽ giảm trong quí 1-2011.

“Không những giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng, những nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến gỗ như sơn, vecni, bao bì từ các nhà cung cấp trong nước cũng tăng trung bình 20-40% so với thời điểm quí 4-2010”, ông Thắng cho biết. Công ty phải nhập hơn 40% nguyên liệu gỗ từ nước ngoài cho chế biến xuất khẩu. Lý do điều chỉnh giá mà các nhà cung cấp nguyên liệu đưa ra là họ buộc phải tăng giá bán do giá xăng dầu, giá điện chuẩn bị tăng. Bên cạnh đó, một số nguyên liệu trong ngành gỗ, các nhà cung cấp cũng phải nhập khẩu để bán lại trong nước, nên giá bán phải điều chỉnh nhằm hạn chế lỗ do tỷ giá tăng.

Giám đốc một doanh nghiệp dệt may cho hay, việc điều chỉnh tỷ giá trong bối cảnh này không mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành dệt may. Bởi doanh nghiệp nhập khẩu hầu như phải nhập hơn 80% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Vải, chỉ khâu, nút, các loại nguyên vật liệu khác chiếm hơn 70% giá thành của sản phẩm dệt may. Ông liệt kê: chi phí tăng thêm do chênh lệnh về tỷ giá từ các loại nguyên liệu này đã hơn 10%, cộng với giá nhân công đầu năm nay doanh nghiệp buộc phải tăng thêm 15% để giữ chân công nhân, lãi vay ngân hàng ở mức 18%, giá điện, nước, xăng dầu dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

“Chênh lệch tỷ giá từ doanh thu xuất khẩu không bù được chi phí tăng thêm mà doanh nghiệp phải gánh chịu”, vị giám đốc công ty may nói trên than vãn. Điều làm ông lo lắng nhất là đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh của công ty ông. Những đơn hàng nhập khẩu nguyên phụ liệu đã được tính toán, hợp đồng ký kết đã được neo ở mức giá cố định đang bị đẩy lên do chênh lệch tỷ giá.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ngành xuất khẩu thủy sản, một số doanh nghiệp vẫn đóng cửa nhà máy do thiếu nguyên liệu chế biến, giá nguyên liệu tăng đột biến sau Tết. Nguồn cá tra nguyên liệu có khả năng bị giảm sút, một mặt do chi phí đầu vào tăng gây tâm lý lo ngại cho người nuôi, mặt khác nguồn vốn vay để đầu tư phát triển nuôi cá tra của các hộ đang gặp một số khó khăn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thủy sản khai thác tháng 1-2011 ước tính đạt 195.000 tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 149.000 tấn, giảm 3,9%; tôm đạt 8.800 tấn, giảm 1,1%. Sản lượng thủy sản khai thác đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2010 chủ yếu do ảnh hưởng của gió mùa làm biển động mạnh và thời gian cận Tết Nguyên đán nên nhiều tàu, thuyền tạm ngừng bám biển khai thác.

Theo nhiều doanh nghiệp trong ngành, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đánh bắt sẽ tiếp tục căng thẳng do tác động tâm lý từ việc giá xăng dầu tăng, ngư dân sẽ tính toán kỹ hơn khi ra khơi đánh bắt.

Một số doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường nội địa cũng đang “đau đầu” với những diễn biến đầu năm của thị trường. Theo ông Phạm Minh Đông, Giám đốc Công ty Cửa Á Châu, kinh doanh trong bối cảnh này doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn tăng giá bán sản phẩm, hoặc phải chịu lỗ trong quí 1-2011 để giữ chân khách hàng. Sức mua của người tiêu dùng sau Tết đã giảm mạnh, việc tăng giá bán sản phẩm ra thị trường là điều bất khả thi. Những giải pháp tiết kiệm của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào cũng không còn tác dụng, khi “cơn bão” về giá đã chớm xuất hiện.

Đến những ngành công nghiệp nặng

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, khẳng định 2011 sẽ là năm rất khó khăn cho khu vực sản xuất. Ông nói: “Những doanh nghiệp mà tôi biết đều đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất, vì hầu hết doanh nghiệp đã mất dần khả năng cạnh tranh do chi phí sản xuất tăng. Riêng Thép Việt cũng chỉ cố gắng duy trì mức sản lượng bằng năm ngoái, nhưng nếu những tháng sắp tới tình hình kinh tế vĩ mô không ổn định và cải thiện, có lẽ cũng phải giảm sản lượng”.

Đối với khu vực sản xuất, trước tình hình lãi suất tín dụng, tỷ giá ngoại tệ biến động quá nhanh và sắp tới là tăng giá điện, nước và than, việc tăng giá bán sản phẩm là điều không thể tránh khỏi. “Chắc chắn các doanh nghiệp ngành thép sẽ phải tăng giá, ít nhất là để không bị lỗ”, ông Thái khẳng định.

Trên thực tế, giá thép đã bắt đầu tăng khá mạnh, bình quân tăng khoảng 300.000-500.000 đồng/tấn. Giá xi măng cũng bắt đầu vọt lên. Ông Mai Anh Tài, Phó tổng giám đốc Công ty Xi măng Thăng Long, cho biết giá xi măng hiện đã tăng thêm 60.000-80.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá vẫn chưa chấm dứt. Giám đốc kinh doanh của một công ty xi măng lớn cho biết, chỉ với việc thay đổi tỷ giá ngoại tệ hiện nay và điều chỉnh giá điện hồi năm ngoái đã làm chi phí sản xuất xi măng tăng thêm hơn 200.000 đồng/tấn. Vừa qua công ty ông đã tăng giá xi măng thêm 80.000 đồng/tấn và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng thêm 80.000 đồng nữa. Nhưng với giá điện, than dự kiến sẽ tăng mạnh, chắc chắn ngành xi măng sẽ còn nhiều đợt tăng giá nữa.

Thép là một trong những ngành tiêu thụ điện nhiều nhất, do vậy đây cũng là ngành chịu tác động nặng nề của đợt tăng giá điện sắp tới. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết ảnh hưởng nặng nhất là lĩnh vực sản xuất phôi thép. Để sản xuất được một tấn phôi, bình quân phải tiêu tốn 550 kWh điện.

“Nếu theo phương án tăng giá điện 18%, là mức tăng thấp nhất theo đề xuất của Bộ Công Thương, thì với sản lượng 3-3,5 triệu tấn, mỗi năm ngành sản xuất phôi phải trả thêm 730-850 tỉ đồng tiền điện”, ông Cường nói. Chi phí tăng thêm kể trên, nếu tính cho cả một ngành, có thể không nhiều, nhưng nó nguy hiểm ở chỗ có thể làm ngành sản xuất phôi suy vong, trong khi Việt Nam lại đang muốn phát triển lĩnh vực sản xuất này để nâng cao giá trị của sản phẩm. Ông Cường cho rằng: “Hiện giá thép cây của Việt Nam đang đắt hơn của Trung Quốc, nhưng do tâm lý e ngại hàng Trung Quốc của người tiêu dùng Việt Nam, nên thép trong nước vẫn chi phối được thị trường nội địa. Nhưng nếu phôi nội địa đắt hơn hàng nhập khẩu, thì ngành sản xuất phôi sẽ sớm mất thị trường”.

Nếu tăng giá điện làm khổ doanh nghiệp sản xuất thép, thì việc tăng giá than lại làm lãnh đạo các công ty xi măng mất ngủ, vì đây là chi phí năng lượng đầu vào chính của ngành này. Dù vậy, việc điều chỉnh giá điện hay than cũng chưa khiến các doanh nghiệp lo lắng bằng thay đổi tỷ giá ngoại tệ.

Hầu hết các doanh nghiệp xi măng và sản xuất thép đều là những doanh nghiệp mới hoặc mới đầu tư mở rộng sản xuất. Các công ty đều phải ít nhiều vay ngoại tệ để mua sắm máy móc thiết bị. Vì vậy, tỷ giá thay đổi đang làm cho việc trả nợ và lãi vay trở nên khó khăn hơn. Giám đốc một công ty xi măng xác nhận: “Đây đang là vấn đề đau đầu nhất hiện nay”. Ông cho biết thêm, tăng giá bán sản phẩm là việc chẳng đặng đừng, nhưng cũng phải dè chừng đối thủ cạnh tranh, nên hầu như chẳng ai dám điều chỉnh tương ứng với mức tăng các chi phí đầu vào. Vì vậy, giải pháp còn lại là cắt giảm các chi phí khác. Điều đáng nói là các loại chi phí sẽ cắt giảm, mà ông giám đốc liệt kê, hầu hết lại là những dịch vụ cần thiết trong kinh doanh, trước hết là các khoản chi cho tiếp thị, quảng cáo và một số chi tiêu thường xuyên, định kỳ khác.

Chắc chắn nhiều doanh nghiệp khác cũng sẽ cắt giảm chi phí như trường hợp kể trên. Từ đó có thể dự đoán, những biến động về tỷ giá, lãi suất và các dịch vụ đầu vào quan trọng không chỉ gây khó khăn cho lĩnh vực sản xuất, mà còn ảnh hưởng xấu đến cả ngành dịch vụ. Trong những tháng sắp tới, mặt bằng giá cả thị trường sẽ bị đẩy lên là điều không thể tránh khỏi. Nếu cộng với xu hướng cắt giảm chi tiêu của doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, có thể sức mua của thị trường sẽ bị giảm sút. Đó là triển vọng không mấy sáng sủa cho cả nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những chính sách quản lý điều hành vĩ mô của Nhà nước nên thực hiện đồng bộ để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lập kế hoạch kinh doanh năm 2011. Theo ông Lê Trí Thắng, doanh nghiệp có thể chịu đựng mức lãi suất cao, giá điện, giá xăng tăng…, nhưng tất cả những biện pháp điều chỉnh này nên diễn ra trong quí 1 năm nay.

“Chúng tôi chịu đựng được những khó khăn này, nhưng những biện pháp điều hành vĩ mô của Nhà nước nên thực hiện đồng bộ một lần và duy trì ổn định ít nhất trong sáu tháng để doanh nghiệp tính toán và xoay trở với công việc kinh doanh vốn đã gặp nhiều khó khăn trong năm qua”, ông Thắng kiến nghị. Ổn định kinh tế vĩ mô thông qua những chính sách đồng bộ và nhất quán của Nhà nước là điều mà nhiều doanh nghiệp mong mỏi nhất trong lúc này.