Giá trị M&A tăng 55% trong nửa đầu 2018

Theo Lê Hải/ndh.vn

Thị trường M&A dự báo sẽ đạt mốc giá trị 6,5-6,9 tỷ USD trong cả năm 2018, trong đó lĩnh vực bất động sản và tài chính chiếm tỷ trọng lớn.

Thị trường M&A dự báo sẽ đạt mốc giá trị 6,5-6,9 tỷ USD trong cả năm 2018. Nguồn: Internet
Thị trường M&A dự báo sẽ đạt mốc giá trị 6,5-6,9 tỷ USD trong cả năm 2018. Nguồn: Internet

Sáng 24/7, tại buổi họp báo về Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 (MAF), báo cáo của nhóm nghiên cứu ghi nhận giá trị của các thương vụ mua bán, sáp nhập trong 6 tháng đầu năm tăng 55%, đạt 3,55 tỷ USD. Dự báo cả năm, con số trên có thể đạt 6,5-6,9 tỷ USD, tương đương 64% năm 2017.

Theo thống kê giai đoạn 2009-2018, có 4.353 thương vụ M&A diễn ra tại Việt Nam, với tổng giá trị 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 10 lần so với năm 2009. Riêng năm 2017, tổng giá trị M&A đạt 10,2 tỷ USD, tăng 175% so với năm 2016 và mức cao nhất lichh sử.

Thương vụ kỷ lục nhất của 10 năm là ThaiBev, qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD. Thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A của năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ năm 2016 trước đó.

Tuy nhiên, theo báo cáo MAF, nhiều nhà quan sát nhận định, sự thành công của thương vụ Sabeco không thể đem lại sự lạc quan cho cả thị trường. Nếu loại trừ đột biến này, quy mô thị trường M&A Việt Nam vẫn ở mức trung bình khá với những khó khăn và hạn chế còn tồn tại trong một vài năm qua.

Các lĩnh vực có thương vụ mua bán, sáp nhập sôi động nhất tập trung vào khai thác thị trường 95 triệu dân Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành bất động sản chiếm ưu thế với tỷ trọng 66,75%, tài chính ngân hàng chiếm 19,06%) và sản xuất công nghiệp chiếm 9%.

Giá trị M&A tăng 55% trong nửa đầu 2018 - Ảnh 1

Năm 2017, ngành có tỷ trọng giá trị M&A lớn nhất là sản xuất hàng tiêu dùng, chiếm 57%, tiếp theo đó là ngành bất động sản chiếm 27%, tài chính – ngân hàng chiếm 4%, ngành vật liệu hóa chất chiếm 3%.

Khối ngoại đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Trong những năm qua, các nhà đầu tư Thái Lan vẫn thực hiện chiến lược mua lại những công ty lớn dẫn đầu thị trường. Điển hình như lĩnh vực bán lẻ, phân phối (BigC, Metro, Nguyễn Kim), Nguyên vật liệu (Prime Group, VCM, Xi măng Holcim), nhựa (Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong)…và năm 2017 là công ty đầu ngành sản xuất và phân phối bia (Sabeco). Với thương vụ này, năm 2017, Thái Lan dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt nam.

Giá trị M&A tăng 55% trong nửa đầu 2018 - Ảnh 2

6 tháng đầu năm 2018, Singapore đang tạm dẫn đầu với những khoản đầu tư lớn của GIC, các nhà đầu tư Nhật bản và Hàn quốc cũng rất tích cực trong hoạt động M&A với một số thương vụ đáng chú ý cũng đã được công bố.