Giá vàng trong nước tuần qua: Ghi nhận mốc cao nhất trong khoảng hơn 6 năm

Theo Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng Tám, giá vàng trong nước giảm nhưng đã ghi nhận một tuần thăng hoa khi kim loại quý vượt mốc 43 triệu đồng/lượng, mốc cao nhất trong khoảng hơn 6 năm.

Giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận mốc cao nhất trong khoảng hơn 6 năm.
Giá vàng trong nước tuần qua ghi nhận mốc cao nhất trong khoảng hơn 6 năm.

Phiên đầu tuần, giá vàng trong nước bất ngờ vượt qua mốc 43 triệu đồng/lượng khi giá vàng châu Á vọt lên mức cao nhất hơn 6 năm qua, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một leo thang  thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô sang các tài sản an toàn.

Tuy nhiên, kim loại quý không giữ được mốc 43 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới trượt khỏi mức cao nhất của 6 năm do nhu cầu trú ẩn an toàn yếu đi, sau khi Mỹ và Trung Quốc phát tín hiệu “xuống thang” chiến tranh thương mại.

Những phiên tiếp theo, giá vàng trong nước liên tiếp giảm trong bối cảnh giá vàng thế giới đi xuống do hoạt động bán ra kiếm lời. 

Giá vàng thế giới tiếp tục duy trì đà giảm trong phiên cuối tuần, khi chứng khoán và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ phục hồi nhẹ. Giá vàng trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng đó. 

Sáng nay (1/9), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 42,25 - 42,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). 

Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, vàng SJC cũng được niêm yết giá mua và bán tương ứng ở mức 42,1 - 42,55 triệu đồng/lượng. 

Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC được giao dịch tại mức 42,15 - 42,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). 

Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 400.000 đồng mỗi lượng. Tính chung cả tháng Tám, kim loại quý trong nước đã đắt thêm khoảng 3 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 7%. 

Giá vàng thế giới giảm trong tuần qua, nhưng lại ghi nhận tháng tăng thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh giới đầu tư tìm đến vàng và các loại tài sản an toàn khác trong tháng Tám, khi những căng thẳng thương mại đã làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Suki Cooper, Chuyên gia phân tích về kim loại quý của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng ở thời điểm này, thị trường vàng đang tập trung vào tác động đối với tăng trưởng toàn cầu và khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước. 

Bộ trưởng thương mại Trung Quốc ngày 29/8 cho biết hai bên đang thảo luận về vòng đàm phán tiếp theo vào tháng Chín tới. Dấu hiệu tích cực này đã giúp các thị trường chứng khoán khởi sắc và hạn chế đà tăng của giá vàng. 

Sự leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã góp phần giúp giá vàng tăng hơn 100 USD trong tháng Tám. 

Bên cạnh đó, sự đảo ngược đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ trong thời gian gần đây cũng khiến giới đầu tư hoang mang vì đây được xem là dấu hiệu cho một đợt suy thoái đang đến gần.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự đoán sẽ hạ lãi suất trong tháng tới để kích thích tăng trưởng kinh tế.