Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch lữ hành trong bối cảnh dịch Covid – 19

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2020

Du lịch lữ hành là một trong các ngành nghề kinh tế quan trọng của Việt Nam. Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng trưởng bình quân 20%/năm trong khoảng 10 năm gần đây đã đem lại nguồn thu rất lớn cho các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến du lịch lữ hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch lữ hành của Việt Nam hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề. Quản trị kinh doanh du lịch lữ hành trong giai đoạn hiện nay ra sao; giải pháp tài chính – tiền tệ nào khả thi, hiệu quả để tạo điều kiện cho ngành này khắc phục khó khăn... là vấn đề cấp bách cần được quan tâm hiện nay.

Du lịch lữ hành và những tác động từ đại dịch Covid-19

Du lịch lữ hành tạo một khối lượng lớn việc làm cho những người lao động trực tiếp trong ngành và cả những người lao động gián tiếp (sản xuất hàng hóa, các dịch vụ phục vụ, sản xuất lương thực – thực phẩm cho du khách, người lao động trong các khu du lịch…).

Về mặt tài chính - tiền tệ, du lịch lữ hành cùng những lĩnh vực có liên quan trực tiếp, gián tiếp sử dụng một khối lượng lớn vốn tín dụng để đầu tư cho mua sắm phương tiện vận chuyển, xây dựng và vận hành các cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm vui chơi, giải trí.

Khách du lịch và các đơn vị lữ hành, các đơn vị có liên quan sử dụng các loại dịch vụ thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, thẻ tín dụng quốc tế và mua bán ngoại tệ… Ngân sách nhà nước các cấp thu được các khoản phí, lệ phí (từ phí Visa, đến phí xuất nhập cảnh, phí thăm quan các di tích, công trình văn hóa), đặc biệt là các loại thuế, từ thuế doanh nghiệp (DN) đến thuế thu nhập cá nhân trong ngành hàng không, sân bay, khách sạn, công ty du lịch, công ty lữ hành...

Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 xảy ra, các hoạt động du lịch quốc tế và trong nước đã bị ngưng trệ từ đầu tháng 2/2020. Từ đầu tháng 6/2020 đến giữa tháng 7/2020, dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, du lịch trong nước dần khôi phục.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2020, đại dịch Covid -19 tái phát tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến hoạt động du lịch trên toàn quốc. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số địa phương, hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa đã bị ngưng trệ. Do tâm lý lo ngại, lượng khách hủy tour du lịch lên đến 95-100% trong tháng 7 và tháng 8/2020, là hai tháng cao điểm du lịch nội địa.

DN lữ hành là lực lượng nòng cốt của ngành Du lịch nhưng cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch. Các DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả chung của ngành Du lịch. Do vậy, việc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành Du lịch, ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính tiền tệ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã, đang gây ra tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các DN du lịch, lữ hành, lưu trú, dịch vụ ăn uống…; kèm theo đó là nguy cơ gây ra nợ xấu, nợ quá hạn vốn tín dụng ngân hàng, sụt giảm doanh số thanh toán qua ngân hàng, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, người lao động bị mất việc làm kéo dài. Nhiều DN du lịch, lữ hành không có nguồn tiền để trả lương…

Ba kịch bản diễn biến dịch Covid-19 và những ứng phó cần thiết

Đồng hành cùng các DN lữ hành, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các NHTM giảm các loại phí thanh toán cho các DN, trong đó có các DN ngành du lịch, lữ hành, khách hàng nói chung, trong đó có khách du lịch. Các NHTM đã thực hiện giảm tất cả các loại phí thanh toán, chuyển tiền trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19.

NHNN cũng thực hiện 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn, một số lãi suất điều hành khác, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay cho các DN, tổ chức, đơn vị, liên quan trực tiếp và gián tiếp đến du lịch, lữ hành mà không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Các NHTM cơ cấu lại nợ cho các DN nói chung, trong đó có các công ty du lịch, lữ hành trong toàn quốc, để không gia tăng nợ xấu, nợ quá hạn, phát sinh các khoản nợ xấu mới của nhóm các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi du lịch, dịch vụ, lữ hành, bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các NHTM tiếp tục cho vay các khoản nợ mới của các dự án du lịch dịch vụ lữ hành đang triển khai dở dang với lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất thấp để tiếp tục triển khai dự án. Bên cạnh đó, để có nguồn tiền trả lương cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong các DN du lịch, lữ hành, các DN có liên quan trực tiếp, gói tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang được triển khai theo quy định...

Các DN lữ hành đã và đang cố gắng duy trì, thay đổi phương thức hoạt động, trên tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ với khách du lịch. Đồng thời, một số phương án ứng phó, khôi phục ngành Du lịch trong thời gian tới, trong đó chú trọng phương án kết nối, phối hợp liên ngành hỗ trợ, chia sẻ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn đang được triển khai.

Ngành du lịch lữ hành đang tính đến các kịch bản diễn biến dịch Covid-19, cụ thể:

Với kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, ngành sẽ tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa thông qua miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí tham quan...); tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE; triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn".

Với kịch bản Việt Nam và một số nước khác công bố hết dịch (dự kiến các nước khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm), ngành Du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phát động chương trình: “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” qua đó, góp phần khẳng định Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi dịch Covid-19, tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, hoạt động kinh doanh du lịch được phục hồi; công bố các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Mặt khác, ngành du lịch cũng cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE.

Với kịch bản khi thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới. Toàn ngành triển khai rộng rãi gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa, quốc tế.

Với cả 3 kịch bản nêu trên, ngành du lịch lữ hành đều cần sự hỗ trợ của Chính phủ, người dân và sự nỗ lực của chính các đơn vị trong ngành.

Một số kiến nghị, đề xuất

Với DN nhỏ và vừa, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch do dịch Covid-19, cần được đưa vào diện được hỗ trợ. Các cơ sở đào tạo du lịch, cũng cần được hỗ trợ tài chính để đầu tư cho các cơ sở có áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến đào tạo cấp theo Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam...

Với thực tế đó, để hỗ trợ ngành du lịch lữ hành vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, cần chú trọng triển khai các giải pháp sau: 

Chính phủ xem xét chỉ đạo, Bộ Tài chính cân nhắc, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho phép các DN du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6/2021. Người lao động trong các DN du lịch, lữ hành cần được giải quyết sớm chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong những tháng phải nghỉ việc, nên tổng hợp, kê khai và thanh toán qua đầu mối các công ty du lịch, lữ hành, tránh đưa về các chi nhánh, các phòng giao dịch và các đại lý ở các địa phương, sẽ gây khó khăn khi chế độ đó đến tay người được hưởng.

Chính phủ thành lập tổ công tác liên ngành cùng các lãnh đạo địa phương triển khai các biện pháp thúc đẩy du lịch phát triển. Trong thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách kích cầu du lịch, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của toàn ngành du lịch cũng như các bộ, ngành liên quan. Các bộ, ngành, địa phương cần  xây dựng chính sách kịp thời và đồng bộ hỗ trợ DN du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp DN du lịch phục hồi, góp phần đưa ngành du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường.

Cần áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ trong một năm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép DN du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất 2019, năm 2020 đến hết tháng 6/2021, nhằm tạo điều kiện cho DN phục hồi kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau khi kết thúc dịch Covid-19. Nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

DN du lịch lữ hành đã mất nguồn thu trong mùa cao điểm, cần thêm nhiều thời gian mới phục hồi hoạt động, ngoài việc xem xét giảm thuế thu nhập DN, Chính phủ xem xét hỗ trợ lãi suất cho các DN này.

Các địa phương cần giảm 50% chi phí tham quan di tích danh lam thắng cảnh để thu hút khách. Vì 85% du lịch được di chuyển bằng đường hàng không, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chọn lọc mở lại các đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, nghiên cứu chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với các DN du lịch có lịch trình cụ thể tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế tiềm năng cũng như tích cực tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa, quốc tế với các địa phương và DN sau khi hết dịch.

Ngoài ra, hiện nay, công nợ giữa các DN hàng không với các đơn lữ hành một số hàng không của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, các bên đều đưa ra các lý do khó khăn khách quan bởi đại dịch Covid-19 nên chưa thanh toán cho bên kia. Về mặt pháp luật cũng như thực tiễn, NHNN và hệ thống chi nhánh NHTM ở các địa phương không thể vào cuộc làm trung gian, để lữ hành có thể nhận được những khoản tiền đã chuyển cho các hãng hàng không… Vấn đề này cần chính các đơn vị lữ hành và các hãng hàng không cần trực tiếp làm việc lẫn nhau, thuyết phục trên tình thần thiện chí làm việc lâu dài. Các NHTM chỉ có thể làm trung gian gặp gỡ, trao đổi, hợp tác, tư vấn chia sẻ khó khăn giữa các bên có liên quan vì lợi ích lâu dài khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, cũng như đó là minh chứng, cơ cở để tái cơ cấu lại nợ vay cho đơn vị đang có nợ ngân hàng.

Ngành Du lịch nói chung, các DN lữ hành nói riêng cần chủ động tiếp cận ngay các gói hỗ trợ của Chính phủ đang triển khai. Ngành Du lịch cần tập trung vào thị trường du lịch trong nước, để giữ khách nội địa, giữ nhân sự cho ngành du lịch. Chính phủ cần khuyến khích các ngành, các cấp, các công ty… hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường du lịch Việt Nam. Trong du lịch nội địa, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Cần thực hiện các tam giác du lịch để kích cầu cho các địa phương, ví dụ ở miền Bắc là tam giác Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh. Ở miền Trung là Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng - Đắk Lắk - Phú Yên - Quy Nhơn. Ở miền Nam là TP. Hồ Chí Minh với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (2020), http://baochinhphu.vn/Du-lich/ Kip-thoi-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-du-lich/403522.vgp;

2. Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước (2020), https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/k_&showFooter=false&showHe

ader=false&dDocName=SBV407495&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_859593123917628#%40%3F_93123917628%26centerWidth%th%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dbz8rbllp4_9;

3. Cổng thông tin của Tổng cục du lịch, http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/tags/tang-truong;

4. Du lịch Việt Nam (2020), www.dulichvietnam.com.vn.