Giải pháp nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty TNHH Novaglory


Trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành Hóa dược nói riêng muốn tồn tại, phát triển cần có chiến lược, giải pháp cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công ty TNNH Novaglory hoạt động trong lĩnh vực hoá dược, đã đạt được những kết quả tích cực nhưng trong bối cảnh phát triển mới để nâng cao vị thế cạnh tranh, củng cố lợi thế, giảm tối đa những bất lợi, rủi ro trong kinh doanh công ty cần tiếp tục triển khai những giải pháp đột phá và đồng bộ...

Thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong bối cảnh mở cửa thị trường ra khu vực và thế giới, ngành Dược Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi và thách thức. Tính đến năm 2017, Việt Nam có khoảng trên 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc, bao gồm 98 DN sản xuất tân dược, 80 DN sản xuất thuốc từ dược liệu, trong đó có những công ty mạnh, có sức cạnh tranh cao như: Công ty cổ phần Dược phẩm Hậu Giang, Công ty cổ phần Traphaco… Điều này cho thấy, nhu cầu về dược và nguyên dược liệu hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các DN chủ yếu lại phải nhập khẩu từ các thị trường như: Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ… (những thị trường nguyên liệu truyền thống, được đầu tư tốt nên có giá thành rẻ, chất lượng tốt, dẫn đến tính cạnh tranh cao trên thị trường). Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chuỗi cung cấp nguyên liệu dược.

Công ty TNHH Novaglory được điều hành bởi nhiều chuyên viên năng động, có kỹ thuật cao, chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm. Công ty đã không ngừng phát triển, thiết lập được thị trường nhất định, tạo được dấu ấn riêng đối với khách hàng qua phong cách phục vụ: "Độc đáo, năng động, sáng tạo, hiệu quả". Trong những năm qua, Công ty Novaglory đã vận dụng những chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, cung ứng nhiều sản phẩm ra thị trường, được thị trường đón nhận, phù hợp với nhu cầu của người dân trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy, kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty luôn có sự tăng trưởng mạnh qua nhiều năm (Bảng 1).

Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Công ty đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng, trong đó có 45% tài sản ngắn hạn và 55% tài sản dài hạn. Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của Công ty hiện có gồm: Nhà máy đang xây dựng đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt áp dụng để quản lý sản xuất (GMP) do Bộ Y tế cấp tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh rộng khoảng 2.000m2, xưởng sản xuất tạm có đầy đủ thiết bị phục vụ sản xuất, ngoài ra còn có một số thiết bị hệ thống phụ trợ khác như: Đội vận tải cơ giới với bốn đầu xe tải, một xe ô tô con phục vụ di chuyển của cán bộ nhân viên; Trạm biến thế và máy phát điện riêng; Hệ thống phòng cháy chữa cháy, thiết bị bảo vệ tự động tại các khu vực và nơi sản xuất. Mục tiêu của Công ty là hoàn thiện nhà máy và đưa vào sản xuất cùng với hệ thống kiểm soát tự động giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu trong nước và thế giới.

Giải pháp nâng cao hoạt động  sản xuất kinh doanh của công ty TNHH Novaglory  - Ảnh 1

Vượt lên những khó khăn về vốn, Công ty đã chứng minh được năng lực kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên đến 8,7%; Mức tăng trưởng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 5,4% trong năm 2017. Đây chính là tiền đề để Công ty đạt được thỏa thuận với đối tác về vấn đề huy động vốn phát triển sản xuất và kinh doanh. Trong vòng 3 năm tới, Công ty phấn đấu đạt được mức lợi nhuận 10%/năm.

Các sản phẩm của Công ty đạt được các yêu cầu từ các hãng dược trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, công suất của Công ty còn hạn chế, trình độ quản lý trong hoạt động sản xuất chưa cao nên sản phẩm sản xuất chưa được đồng bộ về chất lượng. Với hạn chế này, Công ty đã tích cực huy động các nguồn vốn sẵn có và trên thị trường để xây dựng nhà máy đạt Tiêu chuẩn GMP, nâng cấp hệ thống đảm bảo chất lượng, hệ thống hồ sơ tài liệu, thẩm định quy trình sản xuất, thẩm định hệ thống máy móc. Việc tiến hành đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm dược từ hướng nhỏ lẻ lên quy mô sản xuất công nghiệp bằng việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại đang được Công ty tích cực triển khai. Hiện nay, Công ty đã lập bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) với 5 nhân viên chuyên ngành hóa dược giúp cải tiến quy trình nghiên cứu sản phẩm với chiến lược nâng cao hiệu suất lao động. 

Số lượng khách hàng của Công ty cũng không ngừng phát triển. Hiện nay, Công ty có khoảng 50 khách hàng lớn gồm các công ty sản xuất dược trong nước và các khách hàng nước ngoài tại Việt Nam. Gần 20% sản lượng còn lại được tiêu thụ qua khách hàng là đại lý trung gian bán lẻ trên toàn quốc cho Công ty, chủ yếu tập trung ở các thị trường lớn lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa và các tỉnh miền Tây…

Hình thức bán hàng trực tiếp cũng được công ty đẩy mạnh do có thể giảm được giá thành sản phẩm khi không phải qua trung gian bán hàng, thông qua chào giá. Hình thức này góp phần lớn trong kết quả kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, đối với kênh bán hàng này, Công ty phải có lực lượng bán hàng trực tiếp mạnh và có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ, báo cáo, đấu thầu. Điều này cần có nhân viên kinh nghiệm, thông hiểu về luật pháp và có trình độ về kinh doanh và marketing. 

Công ty cũng đã chú trọng đến việc phát triển sản phẩm mới nhưng do hoạt động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới còn hạn chế; công tác nghiên cứu cũng không được đầu tư đúng mức nhất là các trang thiết bị trong điều chế, công nghệ nano, nghiên cứu phân tử… Bên cạnh những vấn đề cơ sở vật chất phục vụ quá trình nghiên cứu, trình độ của các nhân viên Công ty hiện nay cũng còn nhiều hạn chế và là một trở ngại lớn đối với vấn đề phát triển các loại hóa dược chất lượng cao và đặc biệt.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, trước mắt Công ty cần định hướng mục tiêu trở thành Công ty dược có tổng doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng mỗi năm, cung cấp những sản phẩm chất lượng ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn GMP. Vốn điều lệ tăng lên 20 tỷ đồng sẽ đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư, duy trì mức độ tăng trưởng và phát triển. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Công ty cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, đảm bảo đưa nhà máy mới xây dựng đi vào hoạt động đúng thời hạn (tháng 6/2019), đảm bảo các tiêu chuẩn của chứng nhận tiêu chuẩn GMP được tuân thủ và thực hiện. Với việc tăng quy mô vốn lên 20 tỷ đồng, Công ty có thể hoàn thành nhà máy đúng tiến độ, đạt các yêu cầu về cơ sở vật chất cho quá trình tăng công suất sản xuất lên 50 tấn/năm trong khi nhu cầu hiện tại là 23 tấn/năm.

Các vấn đề về nhân sự, nhà xưởng, thiết bị, vệ sinh sản xuất, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cũng cần phải được quan tâm tuân thủ hướng dẫn của tiêu chuẩn GMP. Bên cạnh đó, Công ty cần chú trọng đầu tư khai thác tri thức Y học cổ truyền của người Việt Nam, sử dụng dược liệu chất lượng cao trồng tại Việt Nam để tạo ra những sản phẩm hiện đại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là cần tập trung vào việc nghiên cứu sản phẩm có hàm lượng khoa học cao thông qua liên kết mở rộng sản xuất kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước; lựa chọn phương án đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn của nhà máy sản xuất thuốc và nhóm sản phẩm trọng điểm theo tiêu chuẩn PICs/ICH/EU; xây dựng chiến lược sản phẩm theo nguyên tắc có giá trị cao.

Thứ hai, trong thời gian tới, Công ty có xu hướng mở rộng danh mục sản phẩm, trồng cây dược liệu, sản xuất các sản phẩm hóa dược và tự sản xuất một số loại dược phẩm thông thường cũng như các loại thực phẩm chức năng để khai thác hết công suất của nhà máy mới xây dựng. Mục tiêu của Công ty về sản phẩm là nâng tỷ lệ trong % cung cấp NPL của các khách hàng hiện có, mở rộng các mặt hàng cung cấp cho khách hàng trong sản xuất dược phẩm, tự sản xuất và đưa ra thị trường một số sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tính đến năm 2017, Việt Nam có khoảng trên 180 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm 98 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu. Tuy nhiên, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp chủ yếu lại phải nhập khẩu từ các thị trường như: Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ…

Thứ ba, trong quá trình sản xuất cần đảm bảo các thao tác của công nhân, thực hiện các yêu cầu về nguyên vật liệu, về tiêu chuẩn sản phẩm, công thức pha chế, về điều kiện vật chất của sản xuất, đánh giá việc cung ứng của nhà cung cấp nguyên vật liệu… để đảm bảo các khâu vào và thực hiện sản xuất sản phẩm luôn được kiểm soát về chất lượng, phát hiện các sai sót ngay từ ban đầu, khâu đầu vào để hạn chế những sản phẩm bị lỗi, kém chất lượng.

Thứ tư, xây dựng hệ thống kế toán quản trị cho DN. Hệ thống này cho phép DN kiểm soát các chi phí, dự tính các rủi ro, thực hiện kế hoạch lưu chuyển tiền tệ một cách hợp lý, lên phương án về nguồn vốn để giảm chi phí.

 Để đảm bảo việc nâng cao chất lượng và năng suất sản xuất sản phẩm, Công ty cần thực hiện các giải pháp kèm theo, đó là đa dạng hóa và nội địa hóa nguồn cung; đồng thời, tìm nhà cung cấp nguyên liệu tốt và giá rẻ hơn, nhập trực tiếp từ nhà cung cấp; Thực hiện cộng tác với những vùng trồng nguyên liệu trong nước, hợp tác bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý; Tổ chức đấu thầu với các hợp đồng số lượng lớn để giảm được chi phí nguyên liệu.

Thứ năm, phát triển nhân lực đủ số lượng và chất lượng, tuyển chọn những người có trình độ chuyên môn cao để đạt năng suất lao động cao, hiệu suất công tác tốt, có sức khoẻ, làm việc lâu dài với công ty, với các nhiệm vụ được giao. Những người được tuyển dụng còn phải là những người trung thực, có tính kỷ luật cao gắn bó với công việc. Theo đó, Công ty cần tiến hành đào tạo đối với những nhân viên tiềm năng trong việc nâng cao kỹ năng, kiến thức phục vụ công việc. Ngoài ra, Công ty cũng cần xây dựng môi trường làm việc tốt để thu hút và giữ chân được người tài nhằm đảm bảo được nguồn nhân lực ổn định trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động marketing. Các chính sách marketing rất đa dạng, tuy nhiên, trước mắt Công ty cần tích cực thực hiện tăng cường quảng cáo, yểm trợ bán hàng cho hệ thống phân phối như tăng cường quảng cáo, giới thiệu về Công ty và các sản phẩm mà công ty kinh doanh bằng các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, đặc biệt chú trọng đến quảng cáo trên internet, bởi internet là một công cụ hiệu quả, giá rẻ và có thời gian hoạt động liên tục 24/24h. Công ty cần lập tối thiểu một trang điện tử riêng. Trên trang điện tử phải thể hiện nội dung về sản phẩm, chính sách bán hàng, các phương án liên hệ, chăm sóc khách hàng, hình ảnh là một phần quan trọng của trang điện tử. 

Thông qua hệ thống website, Công ty cần cung cấp cho khách hàng cái nhìn toàn diện về Công ty như về lĩnh vực hàng hóa dịch vụ, cách thức giao dịch, tư vấn, giao hàng… đưa ra nhiều lựa chọn. Trang điện tử phải được bố trí một cách hợp lý và sinh động, thu hút được người xem, các thao tác đơn giản, liên hệ nhanh chóng, thông tin cập nhật thường xuyên để chứng tỏ DN quan tâm đến những thông tin trên trang web và chúng là thông tin hữu ích...