Giải pháp tài chính nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu

Lê Tú Anh

Việc đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng của nước ta trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp. Nhằm tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, khai thác thế mạnh xuất khẩu của các mặt hàng trong nước, nâng cao vai trò của Việt Nam trên thương trường quốc tế, nền kinh tế nước ta hiện cũng đang hướng mạnh đến mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu. Bài viết đề xuất một số giải pháp tài chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Khẳng định vị thế của xuất khẩu trong phát triển kinh tế

Đảng và Nhà nước luôn xác định đẩy mạnh xuất khẩu có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế và thực hiện công nghiệp hoá đất nước của Việt Nam. Thực tiễn phát triển kinh tế cho thấy, việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp thu ngoại tệ lớn của đất nước dùng để nhập khẩu các trang thiết bị hiện đại phục vụ công nghiệp hóa.

Xuất khẩu cũng giúp chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành khác có cơ hội phát triển, tạo điều kiện mở rộng khả năng cung cấp đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần cho sản xuất phát triển và ổn định…

Xuất khẩu không chỉ đóng vai trò chất xúc tác hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ nền kinh tế như: vốn, kỹ thuật, lao động, nguồn tiêu thụ thị trường...

Đối với hoạt động của doanh nghiệp (DN), việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu giúp DN giải quyết được vấn đề về công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn ngoại tệ để phục vụ cho các hoạt động nhập khẩu của DN, tạo điều kiện cho DN đổi mới trang thiết bị, mở rộng quy mô kinh doanh, và giải quyết các vấn đề về lợi nhuận.

Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu còn giúp DN mở rộng thị trường, tìm hiểu và nắm bắt được phong tục, tập quán kinh doanh của các bạn hàng ở nước ngoài, là động lực để DN tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường ra thế giới.

Trên thực tế, trong chiến lược phát triển bền vững của mình, tất cả các quốc gia trên thế giới đều tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế để phát huy tốt nhất vai trò của xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thu ngoại tệ cho dự trữ quốc gia và nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân…

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2006 - 2010, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 56 tỷ USD/năm, bằng 2,5 lần giai đoạn 2001 - 2005 và tăng 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng ngày càng tăng, từ 4 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD năm 2006 tăng lên 8 mặt hàng năm 2010.

Giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt khoảng 18%/năm và trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua. Đến nay, Việt Nam có trên 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD…

Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp tục đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm cả các đối tác song phương và đa phương, qua đó, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Cùng với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và đầu tư của DN, hoạt động xuất khẩu của cả nước tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực.

Báo cáo Xuất Nhập khẩu Việt Nam do Bộ Công Thương vừa phát hành cho biết, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu giúp cải thiện cán cân thương mại, góp phần xuất siêu khoảng 2,52 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đây là một kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới công bố ngày 14/03/2017, kim ngạch xuất khẩu toàn cầu năm 2016 đạt khoảng 14.806 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của một số nước trong khu vực giảm so với năm trước như Trung Quốc đạt 2.098 tỷ USD, giảm 7,7%; Ấn Độ đạt 264 tỷ USD, giảm 1,3%; Indonesia đạt 144 tỷ USD, giảm 3,9%; Malaysia đạt 189 tỷ USD, giảm 4,9%; Singapore đạt 330 tỷ USD, giảm 4,9%...

Các DN đã tận dụng tốt lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan của các nước đối tác FTA đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng cao trong năm 2016.

Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 22 tỷ USD, tăng 28,4%; sang Hàn Quốc đạt 11,4 tỷ USD, tăng 28%; sang Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 3,9%; sang Ấn Độ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8,7%...

Đóng góp vào kết quả chung của hoạt động xuất khẩu ngoài sự nỗ lực của cộng đồng DN còn phải kể đến vai trò “hậu phương” của ngành Ngân hàng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN như: Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, kéo dài thời hạn cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn… tạo điều kiện để các DN xuất khẩu tiếp cận được vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được thúc đẩy, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN xuất khẩu trong nước, giảm tải áp lực tài chính khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa được thực hiện.

Tuy nhiên, các DN xuất khẩu cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức liên quan đến tài chính:

Một là, DN xuất khẩu có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu. Thống kê cho thấy, trong cộng đồng DN hiện nay, hơn 97% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Thực trạng này cũng kéo theo các DN có năng lực tài chính yếu, khả năng phá sản cao.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2017, có đến 9.942 DN tạm dừng hoạt động có thời hạn, 10.700 DN đang làm thủ tục giải thể, 3.267 DN đã giải thể xong. Trong đó, phần lớn các DN rút khỏi thị trường có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu.

Hai là, việc tiếp cận dòng vốn ưu đãi từ ngân hàng vẫn đang là vấn đề “đau đầu” của DN xuất khẩu hiện nay. Thống kê cho thấy, hiện nhiều DN Việt Nam đang sử dụng đến 90% vốn ngân hàng cho hoạt động của mình.

Điều này không chỉ cho thấy vấn đề bất hợp lý về cơ cấu nguồn vốn của DN mà còn cho thấy DN quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Thực tế này khiến nhiều DN phải vất vả tìm kiếm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, vừa phải đối mặt với sức ép trả lãi ngân hàng, đồng thời cũng đối mặt với nguy cơ không vay được vốn do không có tài sản thế chấp…

Ba là, tỷ giá luôn là nỗi lo thường trực đối với các DN xuất khẩu trong khi các DN này rất cần sự ổn định về tỷ giá. Trong thời gian tới, tỷ giá trong nước sẽ chịu nhiều áp lực từ lạm phát tăng, nhập siêu quay trở lại; kiều hối có dấu hiệu sụt giảm. Hiện nay, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, tỷ giá trên thị trường Việt Nam khá ổn định.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, mặc dù chưa bị tác động ngay từ việc Fed nâng lãi suất đồng USD, song không có nghĩa tỷ giá trong nước có thể đứng yên mãi. Về trung, dài hạn, USD tăng giá thì tỷ giá VND/USD cũng phải tăng theo để bảo đảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Trách nhiệm đang đè nặng lên vai NHNN khi vừa phải duy trì tỷ giá giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lại không làm giảm sút năng lực cạnh tranh của xuất khẩu… trong khi các biến số tác động đến tỷ giá từ bên ngoài không thể kiểm soát được hết.

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Để hỗ trợ DN xuất khẩu đủ tiềm lực tài chính cho hoạt động xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các bên liên quan, vai trò của Bộ Tài chính, NHNN và hệ thống ngân hàng, cụ thể:

Về phía Ngân hàng Nhà nước

Điều hành chính sách lãi suất theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm đạt mục tiêu giảm dần mặt bằng lãi suất, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Đảm bảo ổn định tỷ giá và bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, NHNN cần có thông điệp chính sách ổn định, các công cụ chính sách tiền tệ sử dụng linh hoạt hơn, ổn định tỷ giá, bảo đảm năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu.

Ngoài ra, với một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam, cần chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để bảo đảm không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao, nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu là vấn đề cần kiểm soát.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách hiệu quả như chỉ đạo các TCTD thực hiện miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kéo dài thời hạn cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn của DN xuất khẩu…

Tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chương trình cho vay liên kết… Tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp cho các DN nhỏ và vừa phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có xuất khẩu.

Về phía Bộ Tài chính

Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp giúp DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại, giúp DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, từng bước nâng cao vị thế của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam. 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thuế và hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho DN xuất khẩu.

Thống kê cho thấy, trong thời gian qua, các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã giúp DN tiết kiệm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về phía các tổ chức tín dụng

Các TCTD cần tập trung vào tái cơ cấu, xử lý nợ xấu có hiệu quả, tạo nguồn lực tài chính mở rộng cho vay đối với các DN xuất khẩu. Đồng thời, cùng với sự phát triển của DN xuất khẩu, các ngân hàng cũng sẽ có cơ hội mở rộng thêm các dịch vụ như ngoại hối, mua bán ngoại tệ…

Triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các DN xuất khẩu, với mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1% đến 4% so với so với mức lãi suất cho vay thông thường.

Miễn/giảm phí và giá các sản phẩm bán chéo cho DN như: Phí thanh toán, phí bảo hiểm, ngân hàng điện tử… qua đó, góp phần tạo ra những cú hích lớn hỗ trợ cho tăng trưởng năng lực tài chính và sản xuất kinh doanh của DN xuất khẩu.

Các ngân hàng chú trọng nghiên cứu và phát triển sản phẩm tài chính hỗ trợ xuất khẩu. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã triển khai các sản phẩm tài chính hỗ trợ xuất khẩu với lãi suất ưu đãi và đã góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động xuất khẩu của DN.

Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh theo hướng hỗ trợ cho vay VND với mức lãi suất tương đương cho vay ngoại tệ, giúp DN giảm bớt áp lực về mặt tài chính trong ngắn hạn cũng như giảm thiểu rủi ro về biến động tỷ giá thông qua hợp đồng kỳ hạn... Tập trung nghiên cứu các sản phẩm tài chính cho từng phần khúc thị trường.

Chẳng hạn như nghiên cứu và triển khai các gói sản phẩm dành cho DN xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh vào thị trường ASEAN: Gói sản phẩm dành cho DN dệt may, da giày, nông sản… và đưa ra các chương trình ưu đãi hơn cho các DN xuất khẩu tại thị trường ASEAN.