Giảm lãng phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhờ áp dụng phương pháp cải tiến Lean

Linh Trang

Các doanh nghiệp đánh giá, việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean) đã góp phần giảm lãng phí, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng suất trong doanh nghiệp. Ý nghĩa thiết thực hơn, sau khi áp dụng mô hình Lean, nhiều doanh nghiệp đã giảm đáng kể giá trị tồn kho, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại hiệu quả tài chính tích cực.

Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã triển khai thành công mô hình Lean và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã triển khai thành công mô hình Lean và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Lean là phương pháp cải tiến có hệ thống, liên tục và cho phép cải thiện năng suất và chất lượng cho quá trình tạo sản phẩm nhờ giảm thiểu tình trạng sai lỗi và các lãng phí. Đồng thời, mô hình này giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, trong đó có cả việc tăng năng suất lao động, hiệu suất quá trình tạo sản phẩm thông qua việc giảm các lãng phí: chờ đợi (giữa người-người; giữa người-máy móc), giảm di chuyển, giảm các thao tác thừa trong quá trình làm việc/vận hành, tồn kho trên chuyền, quy trình không phù hợp và lãng phí về hàng sai hỏng…

Thông qua việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn, doanh nghiệp (DN) hoàn toàn xác định được những điểm quan trọng trong từng quá trình sản xuất, để từ đó xác định được giải pháp thích hợp, kể cả việc đánh giá rủi ro nhằm giảm nguồn lực không cần thiết cho các hoạt động không phải là then chốt và không tạo giá trị mang lại cho khách hàng.

Những năm qua, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến như Lean, mô hình cải tiến năng suất tổng thể (TPM), Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) đã được áp dụng thành công tại các DN điểm được được lựa chọn từ những dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình 712 (Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020).

Cụ thể, trong dự án, số lượng DN được hỗ trợ là 180 DN, trong đó 150 DN được hỗ trợ áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn LEAN (20% DN nhỏ, 20% DN lớn và 60% DN có quy mô vừa).

Đánh giá hiệu quả mang lại sau khi áp dụng mô hình Lean, các DN cho rằng, việc áp dụng Lean đã góp phần giảm lãng phí, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của DN và nâng cao nhận thức về cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao năng suất trong DN.

Minh chứng tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã triển khai thành công mô hình Lean và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Theo đó, mô hình Lean được triển khai tại Công ty Cao su Dầu Tiếng trong khoảng thời gian 3 tháng với 6 dự án cải tiến áp dụng tại Công ty. Trong đó, dự án ngắn nhất chỉ thực hiện trong khoảng 1 tuần nhưng đều đạt được những kết quả cụ thể đo đếm, đánh giá được khi triển khai nhân rộng áp dụng quản lý tinh gọn Lean.

Chẳng hạn như: Kết quả triển khai Đề tài “Cải tiến quy trình quản lý kho mủ thành phẩm tại Nhà máy Bến Súc” của Công ty Cao su Dầu Tiếng đã giúp giảm 28,6% thời gian tìm kiếm hàng trong kho từ 105 phút xuống còn 75 phút; tiết kiệm tiền dầu 11 triệu đồng/năm; chi phí cải tiến 0 đồng.

Hay như kết quả triển khai Đề tài “Cải tiến quy trình thu hoạch mủ tại vườn cây tại Phòng kỹ thuật nông nghiệp” đã giúp giảm thời gian thu hoạch mủ tại vườn cây của công nhân từ 384 phút xuống còn 320 phút…

Một dẫn chứng điển hình khác là việc áp dụng mô hình Lean là Tổng công ty May Bắc Giang. Theo đó, nhờ áp dụng mô hình Lean, DN này đã không còn tình trạng sản xuất thừa, sản xuất thiếu, không để ùn tắc, sản xuất ra đến đâu đóng hàng đến đó. Để đảm bảo được quy trình sản xuất tiết kiệm, hiệu quả, Tổng công ty May Bắc Giang đã cử nhiều cán bộ quản lý, nhân viên đi học tập phương pháp Lean, nhờ đó, đến thời điểm này họ đã vận hành mô hình Lean tương đối tốt. Đặc biệt, mô hình này đã làm thay đổi tư duy của người lao động, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tinh gọn và tối đa hóa năng suất.

Từ những minh chứng trên cho thấy, việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng là những giải pháp giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của DN trên thị trường.

Đưa ra giải pháp cải thiện năng suất, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Đồng thời, thúc đẩy năng lực của người lao động, bản thân DN cần chú trọng đến việc xây dựng môi trường làm việc để người lao động chủ động nâng cao năng suất, từng bước cải thiện năng suất lao động của DN qua từng năm.

Thông qua việc áp dụng mô hình quản lý tinh gọn, doanh nghiệp (DN) hoàn toàn xác định được những điểm quan trọng trong từng quá trình sản xuất, để từ đó xác định được giải pháp thích hợp, kể cả việc đánh giá rủi ro nhằm giảm nguồn lực không cần thiết cho các hoạt động không phải là then chốt và không tạo giá trị mang lại cho khách hàng.