Giành thị trường nội địa bằng hàng giá rẻ

Theo NLĐ

Tiêu dùng nội địa không suy giảm, nhất là những mặt hàng thiết yếu nên nhiều doanh nghiệp đang có chiến lược chiếm lĩnh thị trường trong nước qua việc cơ cấu lại ngành hàng, sản phẩm.

Kệ hàng trưng bày sản phẩm gốm sứ Minh Long I trong siêu thị Co.opMart Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) gây bất ngờ cho nhiều người tiêu dùng bởi họ nghĩ rằng sản phẩm trên chỉ có mặt ở những trung tâm thương mại lớn, phù hợp với đối tượng khách hàng trung lưu trở lên. Song theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, đó là một trong những tiêu chí để doanh nghiệp (DN) tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng trong nước. 


 

Bình dân hóa sản phẩm


Để thực hiện kế hoạch doanh thu nội địa đạt 60%, sắp tới Minh Long I sẽ tung ra thị trường nhiều bộ chén dĩa bàn ăn chỉ có giá từ 332.000 đồng – 700.000 đồng/bộ. Trước đây, một bộ chén dĩa bàn ăn có giá trung bình trên 1 triệu đồng – 3 triệu đồng nhưng nay công ty sẽ cấu trúc lại, trong đó giảm bớt những mặt hàng tương đối cầu kỳ chỉ dành cho bàn tiệc mà thay vào đó là mặt hàng dành cho bữa ăn ngày thường với số lượng ít hơn, giá bán rẻ hơn mà chất lượng vẫn bảo đảm là sứ cao cấp, đúng theo tiêu chuẩn từ trước đến nay. Sản phẩm của Minh Long I được đẩy mạnh vào các hệ thống siêu thị, đại lý, hội chợ...


Từ kết quả thăm dò, mỗi người VN chỉ chi khoảng 10 USD để mua sắm nội thất (so với châu Âu là 250 USD/người), Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Trường Thành bắt đầu tập trung vào chiến dịch “bán hàng lẻ với giá sỉ”. Bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nông thôn như đi - văng (phản), tràng kỷ bằng gỗ chất lượng cao có giá rẻ, DN chú trọng sản xuất hàng nội thất nhắm đến khách hàng nữ và chủ động giới thiệu thiết kế cho các dự án căn hộ chung cư, khách sạn, khu nghỉ mát...


Bà Lai Kim, Tổng Giám đốc Công ty May Nhật Tân và Phó Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân, cho biết: “Để đạt mục tiêu đến năm 2010, thương hiệu New Top sẽ là “thế giới thời trang cho trẻ em” và giày Bita’s “đến với mọi khoảng cách”, chúng tôi phải thực hiện các yêu cầu như: sản phẩm đẹp, bảo đảm chất lượng; cung cấp hàng đúng thời vụ; giá hợp lý; hệ thống phân phối rộng khắp...”.       

 


Từ cạnh tranh sang liên kết


Tại hội thảo “DN xuất khẩu đẩy mạnh bán hàng trên thị trường nội địa – Đâu là giải pháp?” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) tổ chức mới đây tại TPHCM, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng quay về sân nhà bằng chiến lược giá rẻ là bước đi đúng đắn của các DN xuất khẩu. Điển hình là dù suy thoái kinh tế nhưng doanh thu của hệ thống Wal Mart tại Mỹ vẫn tăng trưởng 4%, chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn cần thiết, nhưng thay vì sử dụng hàng cao cấp, người tiêu dùng sẽ tìm đến những cửa hàng bán lẻ để mua hàng hóa thiết yếu, giá rẻ. Ngoài ra, cần phải có sự liên kết giữa các DN. Chẳng hạn, mỗi DN trong cùng một ngành hàng chỉ nên chuyên sâu một mặt hàng theo từng phân khúc thị trường, từng đối tượng khách hàng. Hoặc cả hai DN có thể sử dụng chung một hệ thống phân phối... Làm được việc này, các DN không phải cạnh tranh gay gắt trên cùng một mặt hàng. Mỗi DN chia sẻ chi phí đầu tư hoặc không cần phải đầu tư thêm những công đoạn không chuyên.


Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Trường Thành, gợi ý: Thay vì “đánh” nhau không sứt đầu thì cũng mẻ trán, đơn vị muốn liên kết với một số DN gỗ cùng nhau thành lập cửa hàng kinh doanh đa dạng chủng loại hàng nội thất, trong đó Trường Thành chuyên về sản xuất hàng nội thất cho người lớn; các DN khác chuyên sản xuất hàng nội thất cho trẻ em, cho văn phòng...


Bên cạnh những nỗ lực của các DN, theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp bảo vệ thị trường nội địa trước sự đổ bộ của hàng hóa từ các quốc gia lân cận cũng cần được quan tâm.