Giao dịch M&A tăng kéo theo nhiều rủi ro

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Rủi ro trong quá trình mua bán và sáp nhập (M&A) liên quan pháp lý ngày một nhiều hơn và là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp gây đổ bể thương vụ hoặc thậm chí kéo dài các kiện tụng ồn ào và tốn kém nhiều cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sau đó.

Tranh chấp giữa bên bán và bên mua trong M&A. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn
Tranh chấp giữa bên bán và bên mua trong M&A. Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn

Tại Hội thảo "Giao dịch M&A: nhận diện rủi ro pháp lý phòng ngừa và giải quyết tranh chấp" vừa qua, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, số vụ tranh chấp thương mại tăng cao đột biến từ năm 2005 đến nay, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.

Nếu như năm 2013 có khoảng 100 vụ tranh chấp thì đến năm 2018 có gần 160 vụ tranh chấp giữa bên bán và bên mua.

M&A ngày càng mạnh

Số liệu thống kê của VAIC cho biết, trong giai đoạn 2009- 2018, tại Việt Nam đã có 4.353 thương vụ M&A, với tổng giá trị đạt 48,8 tỷ USD. Riêng năm 2017, tổng giá trị M&A đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến thời điểm đó và tăng trưởng 175% so với năm 2016.

Tại hội thảo, hầu hết các công ty luật cũng cho biết, doanh thu của họ từ năm 2009 – 2018 tăng mạnh, trong đó chủ yếu nguồn thu đến từ giải quyết tranh chấp thương vụ M&A.

Theo các trọng tài quốc tế, luật sư, các thương vụ M&A đang mang lại cơ hội lớn cho các DN trong nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng sẽ giúp mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho các DN.

Tuy nhiên, cùng với đó, vấn đề rủi ro trong những thương vụ sẽ diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý. Chính điều này sẽ khiến số vụ tranh chấp thương mại tăng cao đột biến.

Điển hình như vụ lùm xùm giữa CTCP Ba Huân với Quỹ đầu tư VinaCapital sau vài tháng hợp tác đã xảy ra chuyện "cơm không lành canh không ngọt".

Hay trường hợp chuỗi cửa hàng The KAfe sau một năm được tăng vốn từ 16 tỷ đồng lên 244,8 tỷ đồng và chuyển từ 100% vốn tư nhân sang 100% vốn đầu tư nước ngoài, thì CEO Đào Chi Anh, người sáng lập The KAfe âm thầm ra đi.

Tương tự, "cuộc hôn nhân" giữa CTCP Bibica với Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) từ năm 2007 đến nay cũng đầy "sóng gió".

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những cuộc "chiến tranh" hậu M&A như trên là do DN khi bán cổ phần, sáp nhập không đọc kỹ điều khoản ràng buộc trong bản hợp đồng.

Từ kinh nghiệm tham gia xử lý các tranh chấp trong những thương vụ M&A vừa qua, ông Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công, Đại học Fulbright, cho rằng các rủi ro trong M&A và các tranh chấp chủ yếu tập trung vào giao dịch mua cổ phần các công ty không phải đại chúng.

Theo đó, rủi ro thường xoay quanh: quyền sở hữu đối với cổ phần và chất lượng công ty mục tiêu, vi phạm cam đoan và đảm bảo, giá mua và điều chỉnh giá, vi phạm hợp đồng…

Xem xét kỹ hợp đồng

Theo các chuyên gia, tiềm năng thị trường M&A của Việt Nam còn rất lớn bởi thời gian tới, tiến trình thoái vốn của các DN nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, hứa hẹn có những giao dịch rất lớn. Trong đó, rất nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang quan tâm đến DN Việt Nam.

Để không "lỡ nhịp" trong dòng chảy nhộn nhịp của giao thương hội nhập hiện nay, giới chuyên gia khuyến cáo DN cần phải nắm rõ những điều khoản "ẩn nấp" trong hợp đồng và soạn thảo hợp đồng càng rõ ràng càng tốt.

Luật sư Nguyễn Duy Linh, Trọng tài thành viên VIAC, thành viên công ty Luật VlLAF, phân tích: Về bản chất thương vụ M&A chỉ là những hợp đồng thỏa thuận, ký kết giữa hai bên do luật sư soạn thảo, vì thế hợp đồng càng rõ càng tốt cho DN.

"Nếu bên bán càng thiếu thông tin thì rủi ro càng lớn. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro cho mình, bên bán phải thực sự, minh bạch tất cả các số liệu", ông Linh khuyến cáo.

Trong khi đó, ông Nghĩa cho rằng: "Các nhà đầu tư thực hiện M&A với DN nhà nước cần nhớ rằng họ mua để kiểm soát công ty và làm ăn lâu dài tại Việt Nam, nên không chỉ cần tìm hiểu các vấn đề luật định mà còn cần tạo ra các liên kết không chính thức để tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng như thích nghi các yếu tố Việt Nam".

Lấy ví dụ một số vụ M&A liên quan đến đất công gần đây, ông Nghĩa lưu ý: "Giao dịch M&A với DN nhà nước cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến quyền phát triển dự án hay quyền sử dụng đất để tránh tranh chấp pháp lý sau này. Trong Luật Đất đai, quyền sử dụng đất khác hoàn toàn quyền xây dựng và phát triển dự án trên lô đất đó. Nên khi bán vốn nhà nước, DN đó bán quyền nào cũng cần xem xét giấy tờ sở hữu".

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng khuyến cáo, khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, những cam kết quốc tế về mở cửa kinh tế của Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn và theo hướng bảo vệ nhà đầu tư tư nhân (kể cả trong và ngoài nước) trong giao dịch M&A với DN nhà nước.

"Nếu nhà đầu tư tuân thủ đúng luật mà chính quyền địa phương không ứng xử hợp lý đến mức gây thiệt hại cho DN thì nguy cơ bị khởi kiện là rất cao", ông Nghĩa nói.