Giữa đại dịch COVID-19, đầu tư vào startup Đông Nam Á vẫn tăng gần gấp đôi

Theo Phương Linh/nhadautu.vn/Nikkei

Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã tăng vọt trong quý II/2020 bất chấp COVID-19 hoành hành, dẫn đầu là các công ty thương mại điện tử và fintech.

Tiki đã huy động được 130 triệu USD trong thương vụ do quỹ Northstar Group dẫn dắt. Nguồn: internet
Tiki đã huy động được 130 triệu USD trong thương vụ do quỹ Northstar Group dẫn dắt. Nguồn: internet

Theo dữ liệu từ nền tảng DealStreetAsia, trong quý II/2020, giá trị các giao dịch huy động vốn trong khu vực Đông Nam Á tăng 91%, đạt 2,7 tỷ USD, trong khi đó số lượng giao dịch tăng 59% lên 184 so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều nước vẫn đang phong tỏa, điều này hạn chế cơ hội hợp tác và sự bất ổn cũng trở thành tâm lý chung của một số nhà đầu tư. Dù vậy, các nhà đầu tư khác vẫn quyết định rót vốn. Vài năm gần đây, Grab và Gojek - hai ứng dụng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á, dẫn đầu làn sóng đầu tư vào startup. Trong quý đầu năm nay, họ huy động được hơn 2 tỷ USD, chiếm khoảng 70% tổng giá trị toàn khu vực.

Dữ liệu của quý II lại vẽ ra một bức tranh khác: dẫn đầu là lĩnh vực thương mại điện tử, đã huy động được 691 triệu USD, tiếp đó là logistics với 360 triệu USD và fintech ở mức 496 triệu USD. Tokopedia, “kỳ lân” thương mại điện tử Indonesia, thu hút được nhiều vốn nhất với 500 triệu USD từ Temasek Holdings, theo DealStreetAsia.

Tiki, công ty thương mại điện tử Việt Nam, đã huy động được 130 triệu USD trong thương vụ do quỹ Northstar Group dẫn dắt. Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó Chủ tịch phát triển doanh nghiệp, Tiki ghi nhận tăng trưởng đáng kể về nhu cầu mua sắm của khách hàng trong thời gian đại dịch, đặc biệt là khẩu trang, nước rửa tay và nhu yếu phẩm. Nhờ sử dụng mạng lưới các trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn quốc cũng như miễn phí lắp đặt hàng hóa cồng kềnh được gọi là TikiNơ, Tiki tạo được sự khác biệt so với các đối thủ trong nước và khu vực.

Top 10 startup thu hút vốn lớn nhất quý II/2020
Top 10 startup thu hút vốn lớn nhất quý II/2020

Khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh tại Đông Nam Á, startup vận chuyển và logistics cũng được hưởng lợi. Fintech là ngôi sao đang lên khác. Voyager Innovations, công ty đứng sau ứng dụng thanh toán di động Paymaya của Philippines, đã huy động được 120 triệu USD trong tháng 4 từ cổ đông hiện tại, trong đó có quỹ KKR của Mỹ và Tencent của Trung Quốc.

Việc gây quỹ diễn ra khi nhu cầu về các dịch vụ tài chính kỹ thuật số bùng nổ ở Philippines trong bối cảnh lệnh phong tỏa. Nhờ đó, Paymaya có đủ tài chính để đấu với đối thủ Mynt do Alibaba tài trợ. 6 tháng đầu năm, lượng giao dịch trên Paymaya tăng 150% so với một năm trước đó.

Tại Myanmar, Digital Money Myanmar, được biết đến với thương hiệu Wave Money - thông báo vào tháng 5 về việc tập đoàn tài chính Ant Financial của Trung Quốc sẽ đầu tư 73,5 triệu USD. Wave Money là nhà cung cấp dịch vụ tài chính di động hàng đầu Myanmar, cho phép mọi người chuyển tiền điện tử thay vì mang tiền mặt. Năm 2019, Wave Money giao dịch tổng cộng 4,3 tỷ USD trong nước, gần gấp 3 lần năm 2018.

Trong khi đó, startup fintech Synqa của Thái Lan cũng huy động được 80 triệu USD từ nhà đầu tư trong nước và Nhật Bản. Sáng lập kiêm CEO Jun Hasegawa cho biết dù đang là thời điểm khó khăn, vẫn có nhiều cơ hội trong thúc đẩy thanh toán số và chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Trong thời gian giãn cách xã hội, Synqa nổi bật với tư cách nhà cung cấp các cổng thanh toán cho thương mại điện tử một cách nhanh chóng và bảo mật.

Nếu như các startup trên tận dụng được cơ hội giữa đại dịch, một số khác, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải và du lịch, lại bị ảnh hưởng nặng nề và buộc phải cắt giảm chi phí để hoạt động. Song vẫn có người đi ngược lại xu hướng, chẳng hạn Gojek. Siêu ứng dụng của Indonesia huy động được 300 triệu USD, còn dịch vụ du lịch trực tuyến Traveloka cũng gọi được 100 triệu USD trong cùng kỳ. Cả hai cũng bị buộc phải sa thải một số nhân sự để cắt giảm chi phí.

Sự hiện diện của Gojek trong mọi mặt đời sống người dân Indonesia - từ thanh toán, gọi xe tới giao đồ ăn - là yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Đây là startup Indonesia đầu tiên được Facebook rót vốn. Còn với trường hợp của Traveloka, nhà đầu tư vẫn hi vọng công ty sẽ khôi phục tăng trưởng một khi ngành du lịch hồi sinh.