Gỡ khó cho nông sản xuất khẩu
Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 23,03 tỷ USD). Song, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam năm nay đang đối mặt với “bức tranh màu xám”, tốc độ tăng trưởng không được như kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cũng đã từng phải nhận xét, nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp không cao như năm 2018.
Lý do mà người đứng đầu ngành nông nghiệp nêu ra là, năm nay, nông nghiệp Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, không còn được “thuận buồm xuôi gió” như nhiều năm vừa qua. Các nước nhập khẩu đang có xu hướng bảo hộ nông sản trong nước. Mặc dù Việt Nam vừa ký kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA)…, nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài lại tác động rõ rệt tới hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, những thay đổi về chính sách nhập khẩu của Trung Quốc, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dự báo đà tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến lượng cầu nông sản, thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Với kết quả sau 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước chỉ đạt 23,03 tỷ USD, nhiều người hiện đang lo ngại, cả năm 2019 sẽ khó chạm mốc 43 tỷ USD như đầu năm đã đề ra. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu trông chờ vào 3 nhóm: các mặt hàng nông sản chính, thủy sản và lâm sản.
Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, các mặt hàng nông sản chính gồm: lúa gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều… lại rơi vào tình trạng lượng xuất thì tăng (2,1% đến 32,5%) mà giá bán lại rớt mạnh (16% đến 25%), chủ yếu là do giá xuất khẩu bình quân giảm, gặp khó ở thị trường Trung Quốc. Lý do này đã kéo tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản chính giảm tới 8,2% so với cùng kỳ. Nhiều năm liền vượt lên kỳ vọng, trở thành “hiện tượng”, nhưng trong 7 tháng qua, xuất khẩu rau quả cũng giảm, có dấu hiệu chững lại.
Trước những khó khăn tiếp diễn, trong những tháng còn lại của năm 2019, thành tích xuất khẩu của ngành nông nghiệp đang phải trông cả vào lâm sản và thủy sản là 2 nhóm còn giữ được “phong độ”. Báo cáo của Bộ NN-PTNT trong 7 tháng qua cho biết, xuất khẩu thủy sản đem về 4,68 tỷ USD, còn lâm sản đem về gần 6,01 tỷ USD (giá trị xuất siêu lên tới 4,5 tỷ USD).
Lâu nay, nông nghiệp cũng như xuất khẩu nông sản luôn là hậu phương của nền kinh tế. Vậy làm cách nào để giữ vững mặt trận này? Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong những tháng còn lại của năm 2019 cũng như các năm tiếp theo, cần phải tập trung khai thác lợi thế của những ngành còn nhiều dư địa là thủy sản và lâm sản. Trong đó, về thủy sản, sẽ dồn đầu tư cho tôm, cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và khẩn trương lấy lại “thẻ xanh” của Liên minh châu Âu.
Nói vậy, nhưng chúng ta không thể bỏ rơi thị trường của 8 mặt hàng nông sản chính, trong đó có lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, rau quả… bởi liên quan tới hàng triệu hộ nông dân, đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, rào cản lớn nhất của nhóm mặt hàng này là chất lượng.
Thị trường chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc không còn dễ dãi, họ đã siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch. Do đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan… phải làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc để tháo gỡ những vướng mắc về hàng rào kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, đáp ứng quy trình, truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu nông sản qua chính ngạch.
Nhiều người cũng đồng tình với góc nhìn của TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khi cho rằng, những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra chính là yếu tố để thúc đẩy nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.
Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường, các doanh nghiệp mới có thể vươn ra thế giới một cách bền vững. Bên cạnh tích cực đàm phán với Trung Quốc, khai thác thị trường truyền thống, chúng ta cần kiên định mục tiêu mở rộng những thị trường mới, tận dụng các FTA thế hệ mới, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường.
Để hạn chế rủi ro do hàng rào bảo hộ, phải xem lại quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chỉ cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp, sản phẩm có đủ điều kiện.