Gỡ “nút thắt” trong cho vay sản xuất, kinh doanh thủy sản

Anh Minh

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng cho vay liên kết theo chuỗi giá trị chưa cao, nhất là đối với cho vay sản xuất, kinh doanh thủy sản theo chuỗi giá trị. Tính chung trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2019, so với cho vay truyền thống ngành Thủy sản, doanh số giải ngân cho tín dụng theo chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh thủy sản hiện chiếm tỷ lệ từ 0,12% đến 0,69%. Đây là một trong những “nút thắt” cần sớm tháo gỡ, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành Thủy sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhận diện những “điểm nghẽn” trong cho vay thủy sản

Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản nói chung và thủy sản nói riêng. Điển hình như: Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả an toàn đến năm 2015…

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng cho vay liên kết theo chuỗi giá trị chưa cao, nhất là đối với cho vay sản xuất, kinh doanh thủy sản theo chuỗi giá trị. Các giải pháp tín dụng hiện hành mang hình thức hỗ trợ hơn là hướng đến sự phát triển tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị ngành Thủy sản bền vững.

Tính chung trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2019, so với cho vay truyền thống ngành Thủy sản, doanh số giải ngân cho tín dụng theo chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh thủy sản hiện chiếm tỷ lệ nhỏ, dao động từ 0,12% đến 0,69%.

Trong khi dư nợ tín dụng lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh thủy sản tính đến ngày 30/6/2019 đạt 710.693 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn đối với lĩnh vực thủy sản đạt 421.120 tỷ đồng (chiếm 60%); dư nợ trung, dài hạn đạt 289.573 tỷ đồng (chiếm 40%).

Ngoài hạn chế trên, ngành Thủy sản còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, điều này làm hạn chế và chưa khuyến khích, tạo động lực cho phát triển, nhất là với vùng trọng tâm, đặc thù phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản.  

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, khoa học công nghệ, phương thức sản xuất áp dụng cho việc phát triển ngành Thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu, làm hạn chế khả năng sản xuất, khai thác và làm gia tăng chi phí đầu vào, hiệu quả sản xuất thấp.

Thêm vào đó, các khoản vay từ các hộ nông dân nhỏ lẻ, gây khó khăn cho ngân hàng, tổ chức tín dụng trong quản lý. Vấn đề tài sản bảo đảm cũng khó được đáp ứng, do đối tượng vay vốn thường dùng tư liệu sản xuất (đất đai, máy móc thiết bị…) hoặc tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm.

Khó khăn nữa là trình độ chuyên môn của cán bộ ngân hàng còn nhiều bất cập: Trong mô hình cũ, nhân viên ngân hàng nói chung còn thụ động, chờ đợi khách hàng đến vay. Trong khi, nhu cầu tiếp cận vốn theo hình thức cho vay theo chuỗi giá trị đòi hỏi cán bộ tín dụng phải chủ động tìm kiếm và quan hệ với khách hàng, cũng như tăng cường điều tra, giám sát ở mức độ cao hơn đối với các lĩnh vực…

Thúc đẩy phát triển cho vay sản xuất, kinh doanh thủy sản

Nhằm thúc đẩy phát triển cho vay sản xuất kinh doanh thủy sản, theo giới chuyên gia, thời gian tới cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh thủy sản theo chuỗi.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt nội dung này, cần có chế tài xử lý cụ thể đối với các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị thủy sản, từ đó ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các thành viên trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: Tự nguyện, bình đẳng, công khai, minh bạch về lợi ích của các bên tham gia; hợp tác, tương hỗ lẫn nhau trong quá trình xử lý những rủi ro biến động đối với sản xuất.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Có giải pháp, kế hoạch cụ thể khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế thuỷ sản địa phương. Xây dựng và triển khai Đề án xây dựng các trung tâm nghề cá; Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thuỷ sản ven bờ gắn với việc giảm nhanh lượng tàu khai thác thuỷ sản ven bờ…

Đối với các định chế tài chính, cần xây dựng chính sách tín dụng theo chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh thủy sản phù hợp; Nới lỏng cơ chế cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tiết giảm tối đa thủ tục vay vốn; Có chính sách ưu đãi về lãi suất vay cho đối với các hộ nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến sản xuất, kinh doanh trong mô hình chuỗi, giảm thiểu các điều kiện, thủ tục vay vốn…

Ngoài các giải pháp trên, khách hàng vay vốn cần lựa chọn và phối hợp với chủ thể đại diện trong chuỗi giá trị ngành Thủy sản. Theo đó, chủ thể đại diện phải là đơn vị có uy tín trong chuỗi thông qua các tiêu chí như: Số năm hoạt động trong ngành Thủy sản, thương hiệu của đơn vị trong và ngoài nước, số lượng thị trường xuất khẩu được chấp nhận, chất lượng kỹ thuật của cán bộ công nhân viên…