Gỡ rào cản bủa vây logistics

Theo Minh Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Là xương sống của thương mại quốc tế nhưng năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam đang bị kìm hãm, bủa vây bởi rất nhiều rào cản.

Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã đề xuất triển khai Lệnh giao hàng điện tử. Nguồn: Internet
Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã đề xuất triển khai Lệnh giao hàng điện tử. Nguồn: Internet

Chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm 17-20% cơ cấu sản phẩm, là mức cao so với bình quân thế giới. Các chuyên gia mong muốn giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics cho một bộ ngành cụ thể…

Dịch vụ logistics có chi phí thấp và khả năng đáp ứng cao yêu cầu của khách hàng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại kinh tế quốc gia phát triển. Hiệu quả logistics cho thấy, đối với các nước có cùng thu nhập đầu người, quốc gia nào có hoạt động logistics tốt nhất tăng trưởng thêm 1% GDP và 2% thương mại.

Loạn thu đẩy phí logistics tăng

Bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ chi phí vận tải và chi phí vận tải đường bộ hiện chiếm tỷ lệ cao trong chi phí logistics.

Chi phí vận tải chiếm khoảng 59% chi phí logistics, trong đó vận tải đường bộ là chủ yếu, lên tới 77% (chi phí xăng dầu chiếm 30- 35%, chi phí BOT chiếm 10-15%). Thêm nữa, chi phí không chính thức (từ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, quản lý thị trường…) chiếm gần 5-10% trong chi phí vận tải.

Bà Thảo cho biết chi phí vận chuyển một container 40 feet từ TP. Hồ Chí Minh đi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bằng đường bộ là 5.800.000 đồng, trong khi từ TP. Hồ Chí Minh  đi Mỹ (California) bằng đường biển chỉ là 200 USD (4,6  đồng).triệu

Bên cạnh đó, phí bảo trì đường bộ là 17,5 triệu đồng/xe/ năm, trong khi vẫn phải trả các loại phí BOT, trong nhiều trường hợp xe hỏng, không có hàng nằm bãi… không chạy trên đường vẫn phải trả.

"Chi phí "bôi trơn" có ở hầu hết các khâu, đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành logistics. Doanh nghiệp (DN) vận tải phải chịu quá nhiều áp lực từ phía lực lượng quản lý thị trường dọc tuyến Quốc lộ 1 đặc biệt là các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa…

Chưa kể, khi thực hiện thủ tục với cơ quan quản lý chuyên ngành, nếu là DN "cô đơn", không có mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước thì hồ sơ dễ bị trả lại", bà Thảo nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc công ty TNHH Quốc tế Delta, cũng cho rằng vận tải đường bộ có chi phí cao, chỉ xếp sau hàng không. Trong khi đó, vận tải đường bộ hiện vẫn chiếm 77,5% thị phần, trong khi đường thủy mới chiếm 17%, đường biển là gần 5%, đường sắt chiếm 0,4%, hàng không chiếm 0,02%.

Theo ông Nghĩa, nguyên nhân của tình trạng này là khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, không khai thác hết tiềm năng sẵn có của các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa để chia sẻ áp lực với vận tải đường bộ, góp phần giảm đầu tư công và hạ chi phí logistics.

Ngoài những rào cản trên, Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ quan thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Các chuyên gia cho rằng chức năng quản lý logistics thuộc về Bộ Công Thương, nhưng Điều 2, Nghị định số 98/2017 quy định 36 nhiệm vụ của Bộ Công Thương lại không bao gồm logistics. Tương tự, Điều 2 Nghị định số 12/2017 quy định 21 nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải cũng không có logistics.

Gỡ rào cản bủa vây logistics - Ảnh 1

Giao trách nhiệm cụ thể

Logistics có một vị trí và vai trò quan trọng, nên ông Nghĩa cho rằng để hoạt động logistics được quản lý, tổ chức và quy hoạch hiệu quả cần phải giải quyết vấn đề này. Cụ thể là thành lập mới cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics cho một bộ ngành cụ thể.

Khi chưa có cơ quan thực hiện vai trò quản lý đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc".

Song song đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN logistics Việt Nam, trước hết, các DN logistics Việt Nam cần phải được sử dụng một hệ thống hạ tầng logistics đầu tư hoàn chỉnh để có thể hoạt động hiệu quả nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics.

Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cảng, hàng không, hãng tàu phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng kết nối với các chủ thể khác của thị trường, tạo ra động lực cho các DN khác trong công tác tin học hóa hoạt động quản lý.

Được biết, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã đề xuất triển khai Lệnh giao hàng điện tử. Nếu hệ thống này được triển khai sẽ tiết kiệm hàng triệu giờ công lao động của toàn xã hội hàng năm.

"Đã có những ví dụ thành công như Tổng cục Hải quan triển khai hải quan điện tử và hệ thống lược khai hàng hóa (eManifest), hay Cảng Hải Phòng và Tân Cảng đã triển khai cảng điện tử (ePort)… Tuy nhiên, để triển khai những ví dụ thành công này trên diện rộng cần bắt đầu từ hệ thống pháp luật", bà Thảo nói.

Đại diện CIEM cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, cần quy hoạch xây dựng các bãi xe container, xe tải đảm bảo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, góp phần giảm chi phí logistics.

Đồng thời, phải cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo thực chất và hiệu quả, triển khai xây dựng và phát triển sàn giao dịch vận tải.

"Hầu hết các bộ đều thực hiện theo các nghị định, nhưng chất lượng cắt giảm chưa hiệu quả, còn nửa vời, vì các nghị định chỉ chủ yếu sửa đổi câu chữ, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn chỉ ở trong luật chứ chưa triển khai nghị định hướng dẫn cụ thể", đại diện CIEM nói.