Gỡ rào cản đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần thêm gần 300.000 doanh nghiệp mới thành lập để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp. Điều này liệu có khả thi khi doanh nghiệp đang gặp phải quá nhiều rào cản, ngay cả thủ tục thành lập doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng?

vTừ nay đến năm 2020, Việt Nam cần thêm gần 300.000 doanh nghiệp mới thành lập để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp. Nguồn: Internet.
vTừ nay đến năm 2020, Việt Nam cần thêm gần 300.000 doanh nghiệp mới thành lập để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp. Nguồn: Internet.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư  (KH&ĐT) cho biết tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.

Nhiều chính sách hỗ trợ vẫn trên giấy

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu 1 triệu DN, từ nay đến năm 2020 phải có khoảng 285.000 DN mới thành lập, là mục tiêu rất khó.

Ông Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế

Nền kinh tế muốn tốt lên thì cần tư duy lại về phương thức tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho tất cả các loại hình DN sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho các DN ngoài Nhà nước tiếp cận đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà khu vực kinh tế Nhà nước không nắm giữ. Đồng thời, cần chống tham nhũng vặt quyết liệt, giảm chi phí cho DN.

Hơn nữa, cần phải nhìn nhận bên cạnh số DN thành lập mới, hàng năm cũng có một lượng lớn DN rút lui khỏi thị trường. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 DN thành lập mới nhưng cũng có hơn 50.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lo lắng, nhiều DN phản ánh vẫn gặp khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, khó khăn trong tiếp cận vốn. Mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức.

Hiện nay, tổng điều tra cả nước có 5,3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Số lượng hộ kinh doanh chuyển sang thành lập DN không đáng kể, vẫn còn tình trạng nhiều hộ kinh doanh không muốn phát triển thành DN vì muốn né nhiều chi phí phát sinh, nhất là thuế.

Các hộ kinh doanh vẫn còn e ngại chuyển đổi lên DN.
Các hộ kinh doanh vẫn còn e ngại chuyển đổi lên DN.
 

Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 nhưng nhiều nội dung quan trọng có tính chất hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT mới đây thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, sau một năm triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV đã bộc lộ một số tồn tại và khó khăn.

Một trong những bất cập phải kể tới là nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đa số các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai, trong khi ngân sách hỗ trợ DNNVV chưa được bố trí trong kế hoạch ngân sách trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM

Hiện, DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất mạnh, họ vào và đã chiếm hết chỗ của DN Việt Nam. Chúng ta không thể nào ngăn cản một DN mạnh hơn, trừ phi chúng ta phải tạo một cơ chế để các DN Việt Nam liên kết lại với nhau để họ tạo nên một quy mô lớn hơn, chất lượng hơn để phát triển trên thị trường.

Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện hoặc mới được ban hành. Ví dụ như: chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cho DNNVV, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV…

Một số chính sách chưa đủ hấp dẫn để triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ DN. Đặc biệt là hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ mạnh để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên DN.

Phần lớn các đề án, kế hoạch hỗ trợ DNNVV của địa phương ban hành còn chưa cụ thể, chủ yếu dừng lại ở khâu giao nhiệm vụ cho sở, ban ngành thực thiện, chỉ có một số địa phương quy định các nội dung hỗ trợ DNNVV cụ thể và bố trí được ngân sách để thực hiện. Một số bộ chuyên ngành chưa chủ động xây dựng đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực, ngành quản lý.

Đồng thời, khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ quy định theo Luật Hỗ trợ DNNVV của các DNNVV còn rất hạn chế do quy trình, thủ tục xét chọn, tuyển chọn, thẩm định kinh phí, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn khá rườm rà, nhiều thủ tục, gây tâm lý e ngại cho các DN khi tham gia các chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước; chưa có một đầu mối thống nhất cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho DNNVV…

Trong khi đó, khảo sát DN của Tổng cục Thống kê trong quý II/2019 cho thấy, một số yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN tư nhân là khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước (58,4%), nhu cầu thị trường trong nước thấp (44,3%), khó khăn về tài chính (33,7%), không tuyển được lao động theo yêu cầu (30,5%), lãi suất vay vốn cao (28,4%) và tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu (22,3%).

Khởi sự kinh doanh ở Việt Nam bao gồm 8 bước thủ tục và khoảng 17 ngày làm việc
Khởi sự kinh doanh ở Việt Nam bao gồm 8 bước thủ tục và khoảng 17 ngày làm việc
 

Mới thành lập đã bị "hành"

Quy định hiện hành về trình tự, thủ tục gia nhập thị trường có một số hạn chế, bất cập. Nếu so sánh với quốc tế và khu vực, quá trình thành lập DN và khởi sự kinh doanh ở Việt Nam tốn kém về thời gian và chi phí hơn so với nhiều nước và được đánh giá còn nhiều phức tạp. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 104/190 quốc gia và nền kinh tế về quá trình khởi sự kinh doanh.

Cụ thể, nếu đo bằng số thủ tục và thời gian, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam bao gồm 8 bước thủ tục và khoảng 17 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ và thời gian chờ. Các thủ tục này được quy định ở nhiều Luật khác nhau, bao gồm Luật DN, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật về Thuế… Tính riêng theo quy định của Luật DN, có 5 thủ tục hành chính mà DN phải hoàn thành để có thể bắt đầu kinh doanh.

TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

DN Việt Nam chính là DN của chúng ta và vì vậy cần phải có trách nhiệm đặc biệt đối với sự lớn lên của khu vực này. Một khu vực tư nhân năng động, có sức cạnh tranh cao, luôn có khát vọng đổi mới sáng tạo và là một bảo đảm vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam. Thành công phụ thuộc vào cải cách thể chế và hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ thích hợp.

Kết quả đầu ra PCI năm 2018 cũng cho thấy có 16% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả giấy tờ cần thiết khác ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN để chính thức đi vào hoạt động, chỉ tiêu này có dấu hiệu gia tăng trong 5 năm trở lại đây.

Vì vậy, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng mục tiêu có 1 triệu DN đăng ký theo luật hoạt động vào năm 2020 không quá quan trọng. Vấn đề cần quan tâm là làm sao DN Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước.

"Hiện nay, DN mới thành lập đang lọ mọ ý tưởng, cần tiền, thậm chí làm ra tiền chưa chắc bù đủ vốn đầu tư nhưng cứ lập DN là họ lại gặp ngay thủ tục hành chính lằng nhằng, rồi phải nộp thêm những khoản thuế phí. Trong khi đó, ở Singapore, một DN nước ngoài muốn thành lập DN chỉ mất 2 ngày, vốn điều kiện tối thiểu là 1 USD", ông Thiên chia sẻ.

Điều đó cho thấy việc sửa đổi Luật DN lần này không chỉ đơn thuần nhằm mục tiêu giải quyết các bất cập trong thi hành luật như sửa đổi điều khoản kém rõ ràng hoặc chưa cụ thể, mà mục tiêu lớn hơn là hỗ trợ DN có thể kinh doanh với chi phí rẻ hơn, an toàn hơn, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.