Hàng hoá Tết sẽ khó tăng giá

Theo VnMedia

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, giá hàng hóa Tết sẽ không tăng nhiều vì từ đầu năm đến nay giá cả đã tăng quá cao. Chỉ có đột biến duy nhất là giá rau xanh, dự kiến tăng khoảng 30%.

Sở Công thương Hà Nội dự báo, năm nay do Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch gần nhau nên trong tháng Tết, tổng giá trị lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tại Hà Nội khoảng 9.500 tỉ đồng.
Dự kiến nhu cầu các mặt hàng thiết yếu như sau: Lương thực khoảng 70.000 tấn/tháng; thịt gia súc, gia cầm 13.000 tấn; thịt trâu, bò: 2.000 tấn; thủy hải sản tươi, đông lạnh: 6.500 - 7.000 tấn; rau củ quả: 80.000 tấn; bánh mứt kẹo các loại: khoảng 1.200 tấn; rượu, bia, nước giải khát: khoảng 7 - 8 triệu lít.
Nhiều người tiêu dùng lo ngại, đợt ngập úng vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chuẩn bị hàng Tết mà còn gây biến động về giá cả. Tuy nhiên, theo Sở Công thương tình hình không đến mức quá lo lắng. Thiếu hụt nhất hiện nay là rau xanh nhưng một tháng nữa đã có thể khắc phục. Ngay sau khi nước rút, các xã ngoại thành đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết.
Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, giá hàng hóa Tết sẽ không tăng nhiều vì từ đầu năm đến nay giá cả đã tăng quá cao. Chỉ có đột biến duy nhất là giá rau xanh, dự kiến tăng khoảng 30%.
Đến thời điểm này, Công ty xuất nhập khẩu lương thực Hà Nội đã chuẩn bị 500 tấn gạo, Công ty Thái Dương 250 tấn, Công ty cổ phần lương thực Hà Sơn Bình 1.875 tấn (gồm gạo nếp, gạo chất lượng cao và một số loại gạo khác).
Theo ông Trần Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Hapro và các đơn vị thành viên dự trữ 295 tấn gạo các loại, 366 tấn thịt, 7.755 tấn thực phẩm chế biến, 650 tấn dầu ăn, 360 tấn bánh kẹo... trị giá hơn 570 tỉ đồng.
Do năm nay, Hà Nội mới mở rộng nên sẽ có nhiều khó khăn so với những năm trước do dân số tăng cao hơn với nhiều thành phần đa dạng. Hà Nội đã có chủ trương, đối với các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, năm nay sẽ tổ chức bán hàng chính sách trợ giá, trợ cước bao gồm: muối i-ốt, dầu hỏa...; tổ chức các điểm bán hàng Tết tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tạo điều kiện để mọi người dân mua hàng dễ dàng, thuận tiện.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội đã quyết định tạm ứng 160 tỉ đồng từ ngân sách để cho DN vay với lãi suất 0% từ nay đến hết tháng 3.2009. 10 DN được vay vốn là những đơn vị cung ứng, phân phối thuộc các nhóm mặt hàng thiết yếu: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến và dầu ăn.