Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản quốc tế và vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 5/2020

Xu hướng toàn cầu hóa thị trường đã làm tăng thêm nhu cầu về các tiêu chuẩn, quy định được quốc tế công nhận trong định giá tài sản. Như vậy, để làm tốt công tác định giá tài sản phức tạp, cần hiểu rõ các quy định pháp luật và hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản quốc tế. Nghiên cứu hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và Việt Nam về xác định giá trị tài sản, bài viết rút ra những nguyên tắc cơ bản đối với công tác thẩm định giá tài sản hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế

Xu hướng toàn cầu hóa thị trường đã làm tăng thêm nhu cầu về các tiêu chuẩn, quy định thống nhất được quốc tế công nhận về định giá tài sản, tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những quy định, tiêu chuẩn riêng về việc định giá. Khắc phục tình trạng trên, năm 1981, các thành viên của Ủy ban Kỹ thuật của Viện Thẩm định giá (TĐG) Hoàng gia Anh và Văn phòng đại diện của Hiệp hội Tổ chức Định giá Hoa Kỳ đã thảo luận và thống nhất thành lập Ủy ban các Tiêu chuẩn TĐG tài sản quốc tế (TIAVSC). Năm 1994, TIAVCS đổi tên thành Ủy ban các Tiêu chuẩn TĐG quốc tế (IVSC). IVSC là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, cam kết nâng cao chất lượng trong nghề TĐG. IVSC tìm kiếm sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn và các chương trình làm việc liên quan đến các nguyên tắc nghề nghiệp vì lợi ích của công chúng trong việc xác định và ban hành các tiêu chuẩn mới.

Tiêu chuẩn TĐG quốc tế (IVS) là các tiêu chuẩn được công nhận nhằm thúc đẩy tính minh bạch và nhất quán trong thực hành định giá. IVSC cũng thúc đẩy các phương pháp thực hành về hành vi và năng lực của các chuyên gia định giá chuyên nghiệp.

IVS là hệ thống tiêu chuẩn chung làm hài hòa cân đối những tiêu chuẩn TĐG của các quốc gia thành viên. IVSC đưa ra những hướng dẫn về các vấn đề TĐG. Đây là nền tảng căn bản để xây dựng và điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn TĐG của các thành viên nhằm đạt đến sự thống nhất cao. Thông qua việc đưa ra các định nghĩa, quy tắc hành nghề, các tiêu chuẩn và hướng dẫn, IVS đã tạo nền tảng thống nhất về quan điểm và hành động trong hoạt động TĐG, nâng cao độ tin cậy đối với kết quả TĐG của các tổ chức TĐG, góp phần vào sự phát triển vững chắc của ngành TĐG, cũng như thị trường tài sản quốc tế.

Cho đến nay, IVSC đã 10 lần xét lại tiêu chuẩn định giá được xuất bản vào các năm 1985, 1994, 1997, 2000, 2001, 2003, 2005, 2007, 2013 và gần đây nhất IVSC ban hành bộ tiêu chuẩn TĐG có hiệu lực kể từ ngày 31/01/2020. Sau 2 năm (2018 và 2019) rà soát, lấy ý kiến, IVSC đã công bố phiên bản mới nhất của Bộ Tiêu chuẩn TĐG quốc tế.

Mục tiêu của IVS là xây dựng niềm tin của công chúng vào việc định giá bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn và đảm bảo việc áp dụng trên toàn thế giới. Như vậy, sứ mệnh mà IVS cần thực hiện chính là tăng sự tin tưởng của người dùng dịch vụ định giá. IVS giúp thúc đẩy giao dịch xuyên quốc gia và đóng góp vào khả năng phát triển của thị trường tài sản quốc tế. Những người sử dụng kết quả TĐG có thể tin tưởng vào kết quả được tiến hành bởi những thẩm định viên chuyên nghiệp, có đầy đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp.

Cấu trúc của IVS phiên bản mới nhất được ban hành ngày 31/06/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/01/2020, ngoài các phần giới thiệu, phần chú giải thuật ngữ và khung tiêu chuẩn thì IVSC bao gồm 2 phần chính:

- Phần thứ nhất: Các tiêu chuẩn chung về TĐG, bao gồm 5 tiêu chuẩn cụ thể như:

IVS 101: Phạm vi

IVS 102: Sự nghiên cứu và hợp tác

IVS 103: Báo cáo định giá

IVS 104: Cơ sở về giá trị

IVS 105: Các cách tiếp cận và phương pháp định giá

- Phần thứ hai: Các tiêu chuẩn hướng dẫn TĐG cụ thể đối với từng loại tài sản, bao gồm:

IVS 200: Doanh nghiệp (DN) và lợi tức của DN

IVS 210: Tài sản vô hình

IVS 220: Nợ phi tài chính

IVS 300: Máy móc, thiết bị

IVS 400: Lợi tức sản bất động

IVS 410: Bất động sản phát triển

IVS 500: Các công cụ tài chính

IVS bản mới nhất có hiệu lực từ năm 2020 đã bổ sung tiêu chuẩn mới để hướng dẫn TĐG đối với tài sản là các nghĩa vụ nợ phi tài chính. Ngoài ra, IVS mới bổ sung một số nội dung về mô hình TĐG; các phương pháp để xác định riêng giá trị của nợ, vốn chủ sở hữu đối với các DN có cơ cấu vốn phức tạp khi tài sản cần định giá chỉ là nợ…

Để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế chi phối việc thực hành định giá phù hợp, hàng năm IVSC xem xét cập nhật các phiên bản mới của tiêu chuẩn BCTC quốc tế, cụ thể là các tiêu chuẩn kế toán quốc tế khu vực tư và khu vực công.

Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam

Thời gian qua, tại Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau về TĐG như: Định giá tài sản, đánh giá giá trị tài sản, xác định giá trị tài sản, TĐG hay thậm chí có nơi, có lúc còn được gọi tắt là định giá.

Hoạt động TĐG tài sản ở Việt Nam ra đời từ khi nền kinh tế Việt Nam chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 8/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị quyết cho phép thành lập Ủy ban Vật giá Nhà nước. Sự ra đời của nghề TĐG Việt Nam nhanh chóng được các tổ chức quốc tế công nhận. Ngày 8/6/1997, Ban Vật giá Chính phủ Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên chính thức của Hiệp Hội TĐG ASEAN. Ngày 1/6/1998, Việt Nam tham gia Ủy ban Tiêu chuẩn TĐG quốc tế với tư cách là hội viên thông tấn và đến tháng 11/2009 đã trở thành thành viên chính thức của IVSC.

Giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2001, trước khi Pháp lệnh giá được ban hành, hoạt động TĐG của Việt Nam thể hiện thông qua việc thể chế hóa về quản lý nhà nước đối với ngành TĐG. Công tác TĐG chủ yếu phát sinh từ nhu cầu mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước. 2002 - 2012 là giai đoạn đánh dấu tiến trình hội nhập và phát triển của lĩnh vực TĐG Việt Nam. Năm 2002, Chính phủ ban hành Pháp lệnh Giá số 40. Từ năm 2005, hệ thống tiêu chuẩn TĐG Việt Nam được xây dựng và liên tục được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phù hợp với lý thuyết TĐG thế giới nói chung và đặc điểm thực tế của nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Dấu mốc quan trọng trong giai đoạn này là sự ra đời của Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/08/2005 của Chính phủ về TĐG. Nghị định này đã quy định cụ thể về nguyên tắc, phương pháp TĐG, tài sản TĐG, DN TĐG… Trên cơ sở đó, ngày 18/4/2005, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 24/2005/QĐ-BTC về việc ban hành 03 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và Quyết định số 77/2006/QĐ-BTC về 06 tiêu chuẩn TĐG Việt Nam. Đây là những quy định đầu tiên, tương đối hoàn chỉnh, định hướng ngành TĐG Việt Nam hoạt động theo khuôn khổ thống nhất.

Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, nhằm khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của TĐG, ngày 20/06/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Giá số 11/2012/QH13. Trên cơ sở đó, ngày 7/1/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 06/2014/TT-BTC về việc ban hành tiêu chuẩn TĐG Việt Nam số 13 nhằm đáp ứng được nhu cầu các tổ chức, DN, cá nhân trong xã hội có nhu cầu xác định giá trị tài sản. Cụ thể:

Tiêu chuẩn TĐGVN 01: Những quy tắc đạo đức hành nghề TĐG.

Tiêu chuẩn TĐGVN 02: Giá trị thị trường làm cơ sở cho TĐG.

Tiêu chuẩn TĐGVN 03: Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho TĐG.

Tiêu chuẩn TĐGVN 04: Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động TĐG.

Tiêu chuẩn TĐGVN 05: Quy trình TĐG.

Tiêu chuẩn TĐGVN 06: Báo cáo kết quả TĐG, chứng thư TĐG và hồ sơ TĐG.

Tiêu chuẩn TĐGVN 07: Phân loại tài sản trong TĐG.

Tiêu chuẩn TĐGVN 08: Cách tiếp cận từ thị trường.

Tiêu chuẩn TĐGVN 09: Cách tiếp cận từ chi phí.

Tiêu chuẩn TĐGVN 10: Cách tiếp cận từ thu nhập

Tiêu chuẩn TĐGVN 11: TĐG bất động sản.

Tiêu chuẩn TĐGVN 12: TĐG DN.

Tiêu chuẩn TĐGVN 13: TĐG tài sản vô hình.

Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế là các tiêu chuẩn được công nhận nhằm thúc đẩy tính minh bạch và nhất quán trong thực hành định giá. Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế cũng thúc đẩy các phương pháp thực hành về hành vi và năng lực của các chuyên gia định giá chuyên nghiệp.

Bộ Tiêu chuẩn TGĐ Việt Nam được ban hành nhằm thiết lập một tiêu chuẩn quản lý nhà nước thống nhất và phù hợp với thông lệ quốc tế; Giúp các tổ chức TĐG và thẩm định viên hoạt động phù hợp; Xác định và làm rõ trình độ của các thẩm định viên giá để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, các nhà đầu tư và các bên có liên quan khác…

Quá trình hình thành và phát triển cho thấy, hệ thống tiêu chuẩn TĐG Việt Nam đã đạt những thành tựu nhất định, góp phần hỗ trợ Nhà nước Việt Nam quản lý giá cả bằng các biện pháp gián tiếp, cụ thể như: Xây dựng môi trường pháp lý về giá cả nhằm tạo lập thị trường và cạnh tranh; Kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý những vi phạm về giá cả; Phân tích, đánh giá, đề xuất các cân đối về giá cả và xây dựng hệ thống tín hiệu về giá cả; Thông tin về giá phục vụ quản lý nhà nước về kinh tế… Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 2.108 thẩm định viên về giá được cấp thẻ, trong đó có 1.343 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại các DN thẩm định giá, 765 thẩm định viên về giá chưa đăng ký. Tính hết tháng 10/2019, có khoảng 306 DN được cấp giấy chứng nhận và đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ TĐG. Các DN hiện nay hoạt động theo 2 loại hình DN công ty cổ phần và công ty TNHH, trong đó, công ty cổ phần là 160/306 (chiếm tỷ lệ 52,3%), công ty TNHH là 146/306 (chiếm tỷ lệ 47,7%).

Với sự phát triển phong phú và đa dạng của thị trường tài chính và các thị trường tài sản khác, hoạt động TĐG ngày càng phát triển và khẳng định được tầm quan trọng trong nền kinh tế. Do lĩnh vực TĐG tại Việt Nam còn đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển, các nội dung hướng dẫn về công tác định giá tài sản trong Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam và các văn bản pháp luật mới chỉ cung cấp các phương pháp, cách tính toán giá trị doanh nghiệp. Hơn nữa, TĐG tài sản là hoạt động có tính phức tạp cao và càng khó khăn khi thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa phát triển toàn diện. Để thực hiện được hiệu quả công tác định giá tài sản phức tạp, do vậy, việc hiểu rõ các quy định pháp lý ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết.

Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá

Nghiên cứu các tiêu chuẩn TĐG quốc tế và Việt Nam có thể thấy rằng, hoạt động TĐG là một quá trình xác định giá trị của một tài sản. Đây là công việc khoa học, phải dựa trên tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về mặt chuyên môn đã được quy định. Do vậy, hoạt động TĐG cần được triển khai theo những nguyên tắc nhất định sau:

- Tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn TĐG Việt Nam.

- Chịu trách nhiệm về hoạt động TĐG theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động TĐG và kết quả TĐG.

- Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.           

Tài liệu tham khảo:

Luật Giá năm 2012;

Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;

Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;

Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2013 của Bộ Tài chính về việc ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13;

Thông tư số 46/2014/TT-BTC ngày 16/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy định về việc thi, quản lý, cấp và thu hồi Thẻ thẩm định viên về giá