Hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2019

Thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Các chính sách hỗ trợ này dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Để phát huy hiệu quả vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế trong bối cảnh mới, cần đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với khu vực này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những kết quả đạt được

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Việt Nam hiện có khoảng 700.000 DNNVV, chiếm khoảng 97,5% tổng số DN đang hoạt động thực tế. Tuy nhiên, trong tổng số DNNVV của Việt Nam, số DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%, còn lại là DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tổng số vốn đăng ký của các DNNVV đạt xấp xỉ 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các DN. Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP; 30% nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và tạo ra gần 60% việc làm...

Nhận thấy rõ vai trò, tiềm năng phát triển cũng như khó khăn của khối DNNVV, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Để điều chỉnh hoạt động DNNVV tại Việt Nam, từ năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 về trợ giúp phát triển DNNVV, quy định chính sách hỗ trợ DNNVV ở từ trung ương tới địa phương; Ngày 23/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV 05 năm (giai đoạn 2006 – 2010) đề ra các giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV.

Ngày 30/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV (thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP), quy định 8 nhóm hỗ trợ phát triển DNNVV. Thực hiện Nghị định số 56/2008/NĐ-CP ngày 30/6/2009, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai những chương trình hỗ trợ DNNVV.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các phương diện, nội dung và hình thức khác nhau. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức, cá nhân phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, hạn chế tối đa hoạt động hỗ trợ đi ngược lại lợi ích của doanh nghiệp, của Nhà nước và các chủ thể khác. Nhà nước sẽ áp dụng các chế tài cần thiết đối với những hành vi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trái quy định của pháp luật.

Tiếp đó, tại Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp, chương trình hỗ trợ DNNVV trọng tâm đã được đề ra gồm: (i) Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của DN; (ii) Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sự dụng vốn; (iii) Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới; (iv) Phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị; (v) Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai; (vi) Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường; (vii) Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển; (viii) Quản lý thực hiện kế hoạch phát triển. Trong đó, các giải pháp được tập trung thực hiện gồm thành lập Quỹ hỗ trợ, tổ chức thực hiện các Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; thí điểm xây dựng vườn ươm DN; thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho DNNVV trong một số lĩnh vực; thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành.

Đến năm 2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đã khẳng định 10 nguyên tắc và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện; lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và DN khởi nghiệp, tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Ngày 06/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, trong đó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng DN”.

Chỉ thị nêu rõ, sau hơn một năm kể từ khi ban hành, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức của bộ máy công quyền với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả hoạt động hỗ trợ DNNVV, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương đã ban hành và áp dụng các biện pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, một số hoạt động khác cũng được thực hiện nhằm hỗ trợ cho các DNNVV giảm bớt gánh nặng về tài chính. Trong những năm qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã quan tâm và hướng tới phân khúc DNNV, triển khai đa dạng các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho DNNVV. Có thể kể đến Gói hỗ trợ “Cấp tín dụng ngắn hạn đối với DN vi mô”, chương trình “Kết nối khách hàng tiềm năng”, “Tiếp sức thành công” của Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam; “Sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trọn gói, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV” của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; “Chương trình ưu đãi tín dụng – “SME Success” các năm, Chương trình "5.000 tỷ cho vay ưu đãi dành cho khách hàng DNNVV” của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; “Chương trình ưu đãi lãi suất với khách hàng DNNVV, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và lĩnh vực xuất khẩu” với tổng hạn mức 15.000 tỷ đồng, “Chương trình cho vay trung và dài hạn, lãi suất ưu đãi đối với DNNVV” của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội. Bên cạnh các sản phẩm về cho vay ưu đãi, các TCTD còn triển khai nhiều sản phẩm tín dụng ưu đãi khác phù hợp với DNNVV như bảo lãnh, tài trợ thương mại, bao thanh toán.... nhằm giúp các DNNVV có cơ hội tiếp cận các sản phẩm tín dụng khác nhau.

Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 gồm 4 chương 35 điều, quy định nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ DNNVV; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động hỗ trợ… với nhiều quy định ưu đãi, hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong việc sản xuất, kinh doanh. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các thành phần của nền kinh tế chung tay hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của DNNVV.

Để tăng cường các giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, trong đó yêu cầu: Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt theo tinh thần trên.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), Luật Chuyển giao công nghệ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2018) cũng có nhiều quy định tạo thuận lợi cho DNNVV.

Tiếp đó, tháng 3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo Nghị định, các DNNVV được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Như vậy, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ vẫn tiếp tục quan tâm và đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn.

Trên tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN, vừa qua, Bộ Tư pháp đã có kế hoạch triển khai hoạt động mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (Quyết định số 565/QĐ-585 ngày 03/04/2018) nhằm hướng tới việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho DN, hỗ trợ DN tiếp cận, thực hiện các cam kết trong hội nhập quốc tế.

Để DN thực sự tiếp cận các chính sách, văn bản pháp luật, các cam kết quốc tế có hiệu quả thì cần phải thay đổi hình thức tổ chức xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo đó, Bộ Tư pháp phấn đấu 80% số lượng DNNVV tiếp cận được hỗ trợ pháp lý từ mạng lưới tư pháp luật.

 Bên cạnh đó, mạng lưới tư vấn pháp luật sẽ được duy trì với sự tham gia của các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; Xây dựng giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ, phương án tài chính nhằm hỗ trợ hiệu quả DNNVV tại các địa phương có đã thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN; Tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật đối với DN tại các địa phương đã thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho DN, góp phần thúc đẩy sản xuất, ổn định xã hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh tại Việt Nam.

Một số vướng mắc, bất cập

Các chính sách hỗ trợ DNNVV dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua cho thấy, chính sách hỗ trợ đối với DNNVV còn ở mức thấp, tỷ lệ DNNVV tham gia và thụ hưởng các chương trình hỗ trợ chính sách của Nhà nước còn ở mức khiêm tốn. Hoạt động trợ giúp đối với DNNVV chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa hỗ trợ phát triển cho các cụm liên kết ngành. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho trợ giúp phát triển DNNVV còn phân tán, trình tự thủ tục để DNNVV thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều bất cập, khó khăn…

 Cụ thể, khó khăn lớn nhất của DNNVV là chi phí đầu vào cho sản xuất còn lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng có lãi suất rất cao và khả năng tiếp cận khó khăn. Nguồn lao động bị cạnh tranh với các DN lớn trong nước và cả DN nước ngoài. Các DNNVV cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao.

Ngoài ra, do năng lực về vốn chưa đủ mạnh, các DN gặp nhiều khó khăn về việc tiếp cận công nghệ mới cũng như những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cũng chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan… còn lại kinh phí cho từng hoạt động kinh doanh là rất lớn, đòi hỏi phải thực hiện trong dài hạn.

Những lưu ý trong xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hoạt động hỗ trợ là một trong các yếu tố bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển bền vững của DNNVV. Hoạt động hỗ trợ của Nhà nước được tiến hành theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định và trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì trong quá trình hoạt động DNNVV còn cần nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân khác. Với quan điểm Nhà nước chủ yếu hỗ trợ DNNVV thông qua tạo cơ chế (thuế, đất đai…) để khuyến khích khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hỗ trợ DNNVV, Nhà nước chỉ đảm bảo một phần nguồn lực để hỗ trợ DNNVV, chú trọng tạo cơ chế thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, tham gia hỗ trợ DNNVV theo các chính sách, chương trình.

Với mục tiêu đó, trong thời gian tới, công tác xây dựng chính sách hỗ trợ DNNVV thời gian tới cần lưu ý các nguyên tắc sau:

Thứ nhất,  hỗ trợ DNNVV phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

 Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV dựa trên những nền tảng pháp lý, các quy định của pháp luật quốc gia; đồng thời, tuân thủ các cam kết quốc tế trong các hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam là thành viên. Việc hỗ trợ trên nguyên tắc này sẽ đảm bảo không tạo ra những rào cản pháp lý hay sự phân biệt đối xử giữa các DN.

Thứ hai, hỗ trợ DNNVV phải bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.

Đối với nước ta hiện nay, các DN đều hình thành trên nền tảng ý thức pháp luật thấp. Hầu hết các DN mới đăng ký thành lập hoạt động rầm rộ nhất khi Luật DN năm 2005 được sửa đổi bổ sung. Trong một thời kỳ dài, khi chuyển đổi nền kinh tế thị trường, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách văn bản pháp luật cho phù hợp với yêu cầu tạo hành lang pháp lý cho phù hợp với tiến trình hội nhập. Một trong những yêu cầu của pháp luật trong hỗ trợ DNNVV là cần phải minh bạch, công khai về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ. Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả của việc hỗ trợ cần tổ chức tổng kết, đánh giá những mặt đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, yếu kém.

Thứ ba, hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực. Việc hỗ trợ đối với DNNVV không nên mang tính chất dàn trải hay cào bằng mà cần phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn nhất định. Trong đó, cần có sự ưu tiên hỗ trợ đối với loại DNNVV trong từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể trên cơ sở thực hiện các mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó cần đặt trong điều kiện nguồn kinh phí hỗ trợ, nguồn lực cụ thể để hạn chế sự mất cân đối nền kinh tế quốc dân.

Thứ tư, hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân.

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có thể hỗ trợ DNNVV trên các phương diện, nội dung và hình thức khác nhau. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ phía các tổ chức, cá nhân cần phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, hạn chế tối đa các hoạt động hỗ trợ đi ngược lại lợi ích của DN, của Nhà nước và các chủ thể khác. Nhà nước sẽ áp dụng các chế tài cần thiết đối với những hành vi hỗ trợ DNNVV trái quy định của pháp luật. 

Thứ năm, hỗ trợ DN trên cơ sở lựa chọn của DN. DNNVV nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cần đáp ứng các điều kiện nhất định về quy mô, về lao động, về mục đích… Trong trường hợp có nhiều DNNVV vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của pháp luật thì DN được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.

Thứ sáu, hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ. DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa. Trong các chính sách khuyến khích những DNNVV gia nhập thị trường, Nhà nước cần khuyến khích các DNNVV do phụ nữ làm chủ sở hữu hoặc DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ. Theo đó, trong trường hợp nhiều DNNVV cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của pháp luật thì nên ưu tiên lựa chọn DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ hơn.

Thứ bảy, hỗ trợ DNNVV trên cơ sở DN đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật.

Việc hỗ trợ không cần áp dụng cho tất cả các DNNVV mà chỉ áp dụng hỗ trợ khi DN đó đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trước hết là các nghĩa vụ về thuế hay nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện nguyên tắc này nhằm đảm bảo đẩy lùi những tư tưởng “chây ỳ” hay trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.         

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học lập pháp (2017), Thông tin chuyên đề: “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số quốc gia – kinh nghiệm cho Việt Nam” (Tài liệu phục vụ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV).

 2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Trung tâm thông tin khoa học lập pháp (2017): “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số quốc gia – kinh nghiệm cho Việt Nam” (Tài liệu phục vụ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV);

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Báo cáo thuyết minh chi tiết về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”;

4. Bộ Tư pháp (2013), “Cẩm nang chuyên đề về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”;

5. Bùi Bảo Tuấn “Yêu cầu hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử ngày 09/3/2015;