Hỗ trợ doanh nghiệp “vượt bão”

Theo Thanh Hiền (Hà Nội mới)

Theo thống kê, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng góp gần 40% GDP và tạo 12 triệu việc làm cho toàn xã hội. Tuy nhiên, trong năm 2008, lạm phát đầu năm và nguy cơ giảm phát cuối năm đã tác động mạnh đến cộng đồng DN. Năm 2009 được dự báo còn khó khăn hơn khi sức mua giảm sút, tính cạnh tranh quyết liệt hơn... Hơn lúc nào hết, DNVVN cần được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

 

Những biến động trong năm vừa qua là dịp thêm một lần bộc lộ rõ sự yếu kém của DNVVN như vốn tự có hạn chế, các khoản đầu tư phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng (NH), trình độ và năng lực quản lý hạn chế... Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN tự nhìn lại mình, rút ra những điểm yếu để khắc phục; định hướng lại sản xuất kinh doanh, tìm thị trường, tìm khâu đột phá để phát triển.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Phương Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đất Vàng Việt Nam kiến nghị nên thành lập quỹ hỗ trợ, đồng thời đẩy mạnh các quỹ bảo lãnh tín dụng để tăng cường kênh cung cấp vốn cho DN. Việc tháo gỡ khó khăn cho DN cần song hành với việc tháo gỡ cho NH và thị trường chứng khoán (CK), vì có vốn mới phát triển được DN và ngược lại, DN phát triển sẽ giúp hoạt động NH và CK khởi sắc. DN mong Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng như ngành thuế điều chỉnh kịp thời đối với các loại thuế suất DN, hỗ trợ về lãi suất bên cạnh việc khoanh, giãn nợ, cho phép DN chậm đóng thuế. Cơ quan chức năng tích cực cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ những hành vi quan liêu gây phiền nhiễu, nhất là giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ những chi phí không chính thức.

 

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hiệp hội các DNVVN TP Hà Nội, để giải quyết khó khăn, Hiệp hội đã đề nghị các DN đang có vướng mắc về vay vốn, hoàn trả vốn gửi thông tin bằng văn bản về văn phòng Hiệp hội để Hội lập danh sách chuyển cho Tổ công tác đặc biệt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp chỉ đạo. Trên cơ sở đó, Tổ sẽ làm việc với từng DN bị từ chối cho vay của tổ chức tín dụng, sau đó báo cáo với Thống đốc NHNN và lãnh đạo TP nhằm giải quyết khó khăn cho DN. Về kích cầu tìm đầu ra cho sản phẩm, Hiệp hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội ở Hà Nội cũng như trên cả nước tìm đầu ra cho sản phẩm. Song DN cần nâng cao hiệu quả kinh doanh; tập trung phát huy lợi thế so sánh, cạnh tranh bằng sự khác biệt hóa ở nhiều mặt hàng, tạo nét độc đáo cho từng mặt hàng, hướng trọng tâm vào thị trường thích hợp...

 

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp hỗ trợ thu hút vốn đầu tư để phát triển, giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh tạo thêm nhiều việc làm và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giúp việc thành lập DN trở nên thuận lợi; xóa bỏ thủ tục bất hợp lý, giảm các loại giấy tờ không cần thiết. Mặt khác, để phát triển thị trường nội địa, các ngành chức năng cần cung cấp thông tin, kết nối năng lực sản xuất, khai thác hiệu quả các dự án đầu tư của DN...