Hỗ trợ lãi suất: Thà một lần đau!

Sông Lam

TCTC - Khủng hoảng là cơ hội tốt để tái cơ cấu DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Phải chấp nhận loại bỏ những DN yếu kém ra khỏi thị trường thông qua biện pháp giải thể, phá sản, để khi khủng hoảng qua đi, nền kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn với các cá thể sống sót - những DN khoẻ mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc chính sách hỗ trợ của Chính phủ không cần phải thực hiện đối với tất cả DN.

"Phá hoại mang tính sáng tạo"

Kinh tế trong nước và toàn cầu khiến không ít DN lao đao. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các giải pháp tài chính - tiền tệ, gồm giảm, giãn thuế, hỗ trợ lãi suất... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên tiếp tục nâng đỡ những DN đang "hấp hối" thông qua gói hỗ trợ lãi suất và đây là thời điểm thích hợp của sự "phá hoại mang tính sáng tạo", tức là để vượt qua khó khăn, nhất thiết phải có DN phá sản, từ đó sàng lọc và giữ lại những DN "khoẻ mạnh" cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.

"Những DN đang sống một cách "thực vật" thì làm sao cứu nổi. Nếu cứu, chẳng khác nào chúng ta đổ tiền xuống ao, ngân sách chúng ta không dư thừa để làm như vậy", chuyên gia tài chính - tiền tệ Bùi Kiến Thành cảnh báo về chính sách hỗ trợ lãi suất và thực hiện gói kích cầu.

Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, DN hiện nay vẫn còn tư duy "ăn bám" Chính phủ, cứ đến lúc khó lại đòi hỏi này nọ, nhưng khi làm ăn tốt thì chây ì nộp thuế, biến lãi thành lỗ, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn trong điều hành của vĩ mô của Chính phủ. Vì vậy, gói kích cầu hiện nay không nên giúp DN yếu kém do nguồn lực và bản chất yếu kém, mà chỉ hỗ trợ DN nếu tạm thời gặp khó khăn do nguyên nhân suy thoái kinh tế toàn cầu. Càng không nên hỗ trợ dàn đều, bởi như thế rất dễ nảy sinh tiêu cực.

TS Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng: "Chính sách hỗ trợ lãi suất đã cứu rất nhiều DN kém hiệu quả lẽ ra phải ra đi, phải nhường nguồn lực cho DN hiệu quả. Bên cạnh đó, những hỗ trợ của Nhà nước cũng cứu nhiều DN lớn lên nhờ đầu cơ đất đai, chứng khoán... chứ không phải thực lực. Hơn nữa, việc được cấp cứu bằng nguồn vốn rẻ vô hình chung đã làm trì hoãn việc tái cấu trúc doanh nghiệp và ngân hàng, một nhiệm vụ khó khăn, đau đớn nhưng cần thiết. Như vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất đã làm lỡ một cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN để chuẩn bị cho sự phục hồi của kinh tế thế giới".

TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng ý rằng, trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải chấp nhận loại bỏ những DN yếu kém ra khỏi thị trường thông qua giải thể, phá sản và sẽ rất sai lầm nếu cứ tiếp tục nâng đỡ để các DN này "thoi thóp" thêm một thời gian nữa…

 

Nhìn lại mình

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐHQG) cho rằng, khủng hoảng không chỉ là thời cơ để tái cấu trúc DN và nền kinh tế, mà quan trọng hơn đó còn là cơ hội các nhà làm chính sách nhìn lại chính mình để từ đó đưa ra các chính sách hợp lí, hiệu quả và công bằng hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Và tất nhiên, đó cũng là dịp để họ nhìn ra những sai sót và trách nhiệm của mình đối với sự sống còn và phát triển của DN. Nói cách khác, nếu chúng ta chúng ta chấp nhận sự "phá hoại mang tính sáng tạo", tức là mạnh dạn loại bỏ những DN yếu kém ra khỏi nền kinh tế, thì đồng thời chúng ta cũng phải tự đặt câu hỏi, rằng: DN yếu kém do cơ chế, chính sách của chúng ta không? Phải chăng môi trường kinh doanh không tốt khiến cho DN trở nên yếu kém và dẫn đến hệ luỵ phá sản khi nền kinh tế gặp sóng gió?

Đặt ra câu hỏi này là bởi vì theo quan điểm của ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thì: "Trước đây, để giảm lạm phát, chúng ta thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên 21%/năm. Với mức lãi suất này, DN không thể sống được và nếu để DN chết trong tình huống này, tức là chúng ta đã đẩy trách nhiệm về phía họ. Vì thế, nếu có sự phá hoại sáng tạo như một ý kiến gần đây thì phải làm trong một cơ chế cạnh tranh lành mạnh". Ông Tuyển cũng ủng hộ cách thức của Chính phủ là hỗ trợ DN đã chịu ảnh hưởng của đợt thắt chặt tiền tệ trước đây và hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Ngoài ra, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nếu DN "còn nước" thì "còn tát" bởi những DN nào đáp ứng đủ điều kiện vay vốn thì ngân hàng cho vay mà vay qua kênh ngân hàng với các điều kiện khắt khe như hiện nay cũng là sàng lọc rồi.

Trong thực tế, Chính phủ hiện không cho phép các DN đảo nợ, và quan điểm này chính là "barie" ngăn chặn dòng tiền hỗ trợ đổ vào các DN có năng lực cạnh tranh yếu kém. Có lẽ, giờ đây, sàng lọc DN trước khi quyết định cho vay và mạnh dạn chấp nhận loại bỏ DN yếu kém khỏi "cuộc chơi" bằng cách cho giải thể hoặc phá sản là điều cần thiết cho sự phát triển lâu dài và bền vững của nền kinh tế đất nước. Bởi "thà đau một lần" còn hơn để lại di hoạ về sau.