Hóa giải thách thức cho doanh nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Trung Hiếu - Việt Thắng/baodauthau.vn

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được đánh giá sẽ mang lại những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) vươn lên và ghi tên mình trên bản đồ thế giới.

Việc ứng dụng công nghệ robot - cơ điện tử trong quá trình sản xuất ở Việt Nam chưa nhiều. Ảnh: LTT
Việc ứng dụng công nghệ robot - cơ điện tử trong quá trình sản xuất ở Việt Nam chưa nhiều. Ảnh: LTT

Thế nhưng, đáng tiếc là mức độ sẵn sàng của các DN vẫn còn rất khiêm tốn. Việc chung tay giải quyết những thách thức cho DN đã được đặt ra tại Hội thảo Công nghệ robotics - mechatronics trong CMCN 4.0 với chủ đề: “Nhu cầu và giải pháp cho DN Việt Nam” diễn ra ngày 21/8, tại Hà Nội.       

Mức độ sẵn sàng khiêm tốn

Robotics - Mechatronics (công nghệ robot - cơ điện tử) có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và DN được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Ứng dụng được công nghệ này, các DN sẽ có cơ hội nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, đánh giá về mức độ sẵn sàng đón bắt các cơ hội sẽ đến từ CMCN 4.0 của các DN Việt Nam, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, kết quả điều tra, nghiên cứu do Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện năm 2018 cho thấy, hầu như các DN chưa sẵn sàng. Số lượng DN quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn.

“Thực tế là dù các DN có nhu cầu lớn, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này”, ông Hưng cho biết và nhấn mạnh, trên 97% các DN Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa (DNNVV), thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Đặc biệt, mối liên kết giữa DN với các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp nhìn nhận, khó khăn nhất với các DNNVV là tính không đồng bộ ảnh hưởng đến năng suất, chi phí của DN.

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup cũng chỉ ra, các DNNVV Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức. Đó là hệ thống sản xuất lạc hậu. Tiếp đó, chúng ta đang thiếu những nghiên cứu ứng dụng cụ thể… 

Nhà khoa học và doanh nghiệp cùng chung tay

Với thực trạng hiện nay, ông Cao Quốc Hưng khẳng định, các DN Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng công nghệ robot - cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Các DN đang cần những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ cùng phối hợp trả lời câu hỏi “ai?” và “làm như thế nào?” để giải quyết những thách thức này.  “Do đó, những giải pháp đề xuất để triển khai thực hiện cần có sự nhìn nhận, đánh giá tổng thể và toàn diện, nhưng bước đi phải cụ thể, phù hợp để đảm bảo chúng ta đón nhận thành công những cơ hội mà công nghệ robot -  cơ điện tử nói riêng và CMCN 4.0 nói chung có thể mang lại”, lãnh đạo Bộ Công Thương mong mỏi.

Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học thuộc danh sách 100 nhân tài người Việt ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã có những chia sẻ về ứng dụng robot - cơ điện tử trong sản xuất.

PGS.TS Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản cho biết, rất nhiều ngành nghề có thể ứng dụng công nghệ robot, không chỉ trong sản xuất công nghiệp. Robot mềm có thể ứng dụng trong nông nghiệp, y tế… Tại Việt Nam, những ứng dụng robot vào thị trường chưa nhiều.

Đặc biệt, TS. La Mạnh Hùng, Đại học Oklahoma (Mỹ) khẳng định, thông qua Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện để cùng hợp tác, chia sẻ, tham gia cống hiến thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển.

Thiết thực hơn với DN, ông Võ Quang Huệ cho rằng, các nghiên cứu khoa học cần chú trọng đến nhu cầu của thị trường để có thêm nhiều nghiên cứu ứng dụng phục vụ chính nhu cầu của cuộc sống. “Chúng ta cần nghiên cứu những ứng dụng rất cụ thể cho điều kiện cụ thể của Việt Nam hơn là những thứ viển vông”, ông Huệ nêu quan điểm và lưu ý các DN muốn tiến lên CMCN 4.0 thì vấn đề cốt lõi chính là DN phải có nhu cầu tồn tại, vươn lên, phát triển và ắt hẳn họ sẽ buộc phải đổi mới sáng tạo.