Hoàn thiện thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2019

Bài viết đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam thời gian qua. Chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI đã mang lại những hiệu quả nhất định về quy mô và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư... Để tận dụng tốt hơn dòng vốn FDI cho phát triển kinh tế, tác động lan tỏa tích cực hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho khu vực kinh tế trong nước, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.

Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Nguồn: internet
Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công, trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo 2017 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc đánh giá, Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.

Đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017. Năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao, đóng góp vào việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Dự báo, xung lực thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới vẫn tiếp tục được duy trì nhờ những nỗ lực mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, cam kết mở cửa thị trường, xóa bỏ các rào cản đầu tư, thương mại, thông qua việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA...

Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thu hút, quản lý FDI tại Việt Nam tiêu biểu như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp cùng với các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích DN FDI đầu tư vào Việt Nam. Các chính sách ưu đãi chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sau:

Thứ nhất, tạo khung pháp lý bảo đảm cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài: Các chính sách liên quan đến DN FDI đều tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư đã quy định cụ thể 13 nhóm lĩnh vực và 3 loại địa bàn được ưu đã đầu tư; quy định rõ điều kiện, thủ tục, quy trình đăng ký kinh doanh cũng như hình thức đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư…

Đồng thời, bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật. Quy định này khiến nhà đầu tư nước ngoài vững tin hơn khi tham gia đầu tư vào Việt Nam. Về quy trình, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư, do có sự nỗ lực trong cải cách hành chính nên đã giảm đáng kể thời gian và chi phí cho DN FDI…

Thứ hai, chính sách ưu đãi về thuế đối với các DN: Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể các mức ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thống nhất chung cho tất cả các loại hình DN; bãi bỏ các quy định về thuế TNDN bổ sung; bãi bỏ quy định về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Việc cắt giảm thuế quan hàng năm theo các cam kết khu vực và quốc tế đối với các nguyên vật liệu thô cũng giúp cho các DN, trong đó có DN FDI cắt giảm đáng kể một phần chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh về giá cho sản phẩm.

Thứ ba, chính sách ưu đãi sử dụng đất đai, mặt bằng: Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cùng thống nhất quan điểm xoá bỏ sự phân biệt giữa các loại hình DN trong cơ hội tiếp cận, sử dụng đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động sử dụng đất đai.

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Khu vực FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển vốn đầu tư tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2005-2015, vốn FDI chiếm 22,8% tổng vốn đầu tư xã hội. Giai đoạn 2016 – 2018 dòng vốn này tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện năm 2017 tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP, trong đó vốn của khu vực nhà nước chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước; vốn ngoài khu vực nhà nước chiếm 40,5% và tăng 16,8%; vốn đầu tư của khu vực FDI chiếm 23,8%, tăng 12,8%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.643 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Trong những năm qua, đóng góp của FDI vào GDP luôn giữ tỷ lệ cao, đặc biệt là trong giai đoạn 2010-2014, với tỷ lệ 24,4% vào GDP của Việt Nam. Số liệu tổng hợp báo cáo tài chính của DN FDI từ năm 2011 đến năm 2017 cho thấy, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao. Tính riêng trong năm 2017, doanh thu của DN FDI tăng 28% so với năm 2016. DN FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (năm 2017 chiếm tới 72,6%).

DN FDI đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN) qua các năm: Năm 2012, hơn 83 nghìn tỷ đồng; năm 2013 hơn 111 nghìn tỷ đồng; năm 2014 hơn 123 nghìn tỷ đồng; năm 2015 hơn 140 nghìn tỷ đồng; năm 2016 là 161 nghìn tỷ đồng, chiếm 19% tổng thu của NSNN; năm 2017 chiếm 14,5% tổng thu của NSNN. Giai đoạn 1988 - 2014, khu vực FDI đã tạo ra hơn 2,3 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp, bao gồm hàng chục nghìn kỹ sư, nhà quản lý, công nhân lành nghề, với thu nhập, lao động và kinh doanh ngày càng tăng. Các con số này đã tăng lên đạt 3,6 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 6 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2017.

Bên cạnh những tác động tích cực trên, việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với DN FDI đã và đang bộc lộ một số hạn chế, tồn tại sau:

Thứ nhất, khu vực kinh tế FDI đang được hưởng nhiều hơn từ chính sách ưu đãi:

- Mặc dù chính sách ưu đãi thuế áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, tuy nhiên khu vực FDI đang được hưởng nhiều hơn từ chính sách ưu đãi: Tỷ trọng về số thuế TNDN được ưu đãi miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN được miễn giảm của DN cả nước là 76%. Tỷ lệ về số thuế TNDN được ưu đãi miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của DNNN là 4,6%, DN ngoài quốc doanh là 14%.

- Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế TNDN làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo sơ hở để DN lợi dụng giảm thuế phải nộp, gây nên tình trạng bất công bằng trong động viên thuế giữa các đối tượng. Bên cạnh đó, việc dành nhiều ưu đãi về thuế và sử dụng đất đai cho các DN FDI dẫn đến việc phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn khó khăn.

Thứ hai, quản lý thuế đối với DN FDI còn hạn chế, vấn đề chuyển giá ngày càng khó kiểm soát: Một số thủ thuật chuyển giá mà các nhà đầu tư nước ngoài thường sử dụng như: Trước hết là việc nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư. Các DN đa quốc gia thường tính giá cao hơn so với giá thị trường cho những máy móc, thiết bị nhập khẩu để góp vốn đầu tư ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thu được nhiều lợi ích và đạt được nhiều mục tiêu trong phát triển sản xuất kinh doanh. Các DN liên doanh còn có các thủ thuật khác để chuyển giá như nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất của DN, dẫn đến DN kê khai lỗ và không nộp thuế TNDN ở Việt Nam; chuyển giá thông qua hình thức chuyển giao tài sản vô hình, thường là công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý, điều hành và quản trị DN; thực hiện chuyển giá thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ từ công ty mẹ ở nước ngoài...

Thứ ba, sự chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI và các DN trong nước chưa như kỳ vọng. Có DN Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lên tới 95% tổng số nguyên liệu. Điều này được lý giải bởi các DN FDI thường có các nhà cung cấp truyền thống trước khi tham gia thị trường Việt Nam.

Thứ tư, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước chưa như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao.

Thứ năm, tỷ trọng thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Tỷ trọng vốn FDI đầu tư trong ngành Nông nghiệp, chỉ chiếm gần 1,1% tổng số vốn FDI đăng ký năm 2017. Hầu hết vốn FDI tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Năm 2017, hai lĩnh vực này thu hút 75% vốn FDI đăng ký.

Một số kiến nghị nhằm phát triển các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, quy mô dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn biến phức tạp đang tạo ra những tác động nhất định tới nền kinh tế toàn cầu. Bối cảnh này đặt ra không ít thách thức mới cho Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn mới. Một số kiến nghị nhằm phát triển các DN FDI tại Việt Nam cần được tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau:

 Một là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán và đối xử công bằng với tất cả các loại DN; hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo DN FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.

Hai là, tiếp tục có chính sách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; thống nhất toàn bộ ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành.

Ba là, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác của Nhà nước. Xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi về đất đai. Việc ưu đãi phải thực chất và chỉ nên thực hiện đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và các đối tượng chính sách.

Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về DN FDI để các cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp, đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời; xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế; tăng cường năng lực giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN FDI; công khai, minh bạch thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của các DN FDI, sớm phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội.    

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2019), Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI và chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay;

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tình hình doanh nghiệp FDI sau hơn 30 năm mở cửa, https://dangkykinhdoanh.gov.vn/;

3. Tổng cục Thống kê, http://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217;

4. Lê Xuân Trường, Chính sách thuế thu hút FDI vào Việt Nam, Tạp chí Tài chính (6/2019);

5. Lương Xuân Dương, Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 1988 – 2018 và một số giải pháp, Tạp chí Tài chính (6/2019);

6.  http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/von-fdi-dong-gop-gan-20-gdp-144699.html.