Hoạt động thẩm định giá đối với tài sản vô hình tại Việt Nam và vấn đề đặt ra

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2020

Trong những năm gần đây, có một số thương hiệu Việt Nam bán cho nhà đầu tư nước ngoài với giá cao hơn nhiều so với tổng giá trị tài sản hữu hình như: ICP (60 triệu USD) hay Diana (184 triệu USD), P/S (5 triệu USD), Phở 24 (20 triệu USD)… Điều này cho thấy, giá trị vô hình đã dần được ghi nhận khi định giá doanh nghiệp. Dù giá trị tài sản vô hình cao nhưng ở Việt Nam, hầu như chưa được phản ánh trong sổ sách kế toán.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tư số 06/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 đã xác định rõ cách thức định giá tài sản vô hình ở Việt Nam tương tự với các chuẩn mực thế giới, tuy nhiên trên thực tế, hoạt động thẩm định giá tài sản vô hình tại Việt Nam còn tương đối mới và gặp nhiều khó khăn.

Khái niệm tài sản vô hình

Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 Ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính, tài sản vô hình (TSVH) là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.

Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVS 2013) định nghĩa: TSVH là tài sản phi tiền tệ, tự biểu lộ thông qua các đặc điểm kinh tế của chúng. TSVH không có hình thái vật chất nhưng mang lại quyền và lợi ích kinh tế cho người sở hữu nó. TSVH bao gồm loại có thể nhận biết được và loại không thể nhận biết được

Chuẩn mực kế toán quốc tế số 38 (IAS 38) đưa ra khái niệm: TSVH là tài sản phi tiền tệ có thể nhận biết được và không có hình thái vật chất. Trong đó, TSVH có thể nhận biết được nếu có thể tách biệt được với thực thể, hoặc là TSVH nảy sinh từ quyền hợp đồng hoặc các quyền khác theo pháp luật.

Phân loại tài sản vô hình theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam

TSVH theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam gồm: Tài sản trí tuệ; Quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ (ví dụ: quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp…); Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật (ví dụ: quyền khai thác khoáng sản, quyền kinh doanh, quyền phát thải có thể chuyển nhượng được); Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác (ví dụ: danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu); Các TSVH khác.

Vai trò của tài sản vô hình đối với sự phát triển của doanh nghiệp

TSVH góp phần tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp (DN), thu hút sự tín nhiệm của khách hàng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mở rộng thị trường của DN. Do vậy, TSVH nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

Việc đầu tư vào các nguồn lực vô hình tại các nước đang và các nước phát triển càng có xu hướng chiếm ưu thế so với các khoản đầu tư vào các nguồn lực hữu hình. Điều này cho thấy TSVH là nguồn lực quan trọng trong nền sản xuất kinh doanh hiện đại cũng như thu hút các khoản đầu tư từ nước ngoài.

Mục đích và vai trò của thẩm định giá tài sản vô hình

Mục đích thẩm định giá tài sản vô hình

- Cho phép DN xác định chính xác hơn giá trị của DN

- Phục vụ cho việc xác định đúng các chi phí gắn với khấu hao tài sản cố định vô hình qua đó tính toán giá thành tốt hơn.

- Giúp thuận tiện cho việc mua bán trao đổi các TSVH giữa các DN, giúp DN thuận tiện trong việc hình thành các dự án, phát triển các loại TSVH của mình.

TSVH được thẩm định giá trong trường hợp: mua bán, chuyển nhượng; góp vốn liên doanh; tái cấu trúc DN: (mua bán, sát nhập, chia tách, cổ phần hóa…) xử lý nợ; giải thể DN; đền bù, bảo hiểm, khiếu nại; hoạch toán kế toán, tính thuế.

Vai trò thẩm định giá tài sản vô hình

Trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng TSVH, thẩm định giá TSVH có vai trò quan trọng trong việc xác định mức giá để các bên thương lượng. Giá trị thẩm định của TSVH có thể là mức giá tối đa mà người mua nên trả hoặc mức giá hợp lý mà người bán đưa ra để thương lượng. TSVH chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của DN, vì vậy khi mua bán, sáp nhập DN, việc thẩm định giá TSVH để làm cơ sở thương lượng, giao dịch rất quan trọng.

Cách tiếp cận trong thẩm định giá tài sản vô hình

Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 nêu rõ 3 cách tiếp cận trong thẩm định giá TSVH bao gồm: Tiếp cận từ thị trường; Tiếp cận từ chi phí; Tiếp cận từ thu nhập. Mỗi cách tiếp cận bao gồm nhiều phương pháp thẩm định giá khác nhau.

- Đối với cách tiếp cận từ thị trường: Giá trị của TSVH cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Lựa chọn và phân tích chi tiết đặc điểm, tính tương đồng của TSVH so sánh với TSVH cần thẩm định giá, cụ thể: Các quyền liên quan đến sở hữu TSVH; Các điều khoản về tài chính liên quan đến việc mua bán, hoặc chuyển giao quyền sử dụng; Lĩnh vực ngành nghề mà TSVH đang được sử dụng; Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng TSVH; Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế còn lại của TSVH; Các đặc điểm khác của TSVH.

Thẩm định viên sử dụng ít nhất 03 TSVH tương tự để so sánh. Trường hợp chỉ thu thập được thông tin của 02 TSVH tương tự đã được giao dịch trên thị trường thì kết quả thẩm định giá từ cách tiếp cận thị trường chỉ được dùng để kiểm tra, đối chiếu với kết quả thẩm định giá có được từ cách tiếp cận khác.

- Đối với cách tiếp cận từ chi phí ước tính: Giá trị TSVH căn cứ vào chi phí tái tạo ra TSVH giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một TSVH tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.

Giá trị ước tính của Tài sản vô hình = Chi phí tái tạo (Chi phí thay thế) – Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất

Trong đó, lợi nhuận của nhà sản xuất được xác định thông qua biện pháp so sánh, điều tra, khảo sát.

Cách tiếp cận từ chi phí gồm hai phương pháp chính là: Phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế.

- Đối với cách tiếp cận cách tiếp cận từ thu nhập: Xác định giá trị của TSVH thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do TSVH mang lại. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm 3 phương pháp chính là: Phương pháp tiền sử dụng TSVH, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm. Căn cứ vào loại TSVH cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, các thông tin và số liệu về tài sản cần thẩm định giá có thể thu thập được, thẩm định viên cần lựa chọn cách tiếp cận thẩm định giá phù hợp.

Một số khó khăn trong hoạt động thẩm định giá tài sản vô hình tại Việt Nam

Theo Tiêu chuẩn ghi nhận tài sản của đơn vị, một đối tượng sau khi đã thỏa mãn định nghĩa tài sản chỉ được ghi nhận là tài sản của đơn vị khi thỏa mãn cả hai điều kiện được quy định ở Chuẩn mực chung (đoạn 40) như sau: Đơn vị có khả năng chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai; Giá trị của tài sản đó được xác định một cách đáng tin cậy.

Vậy để “giá trị của tài sản đó được xác định một cách đáng tin cậy thì tất cả các đối tượng kế toán phải được phản ánh bằng thước đo tiền tệ. Do đó, khả năng đo lường giá trị của tài sản nói chung và TSVH nói riêng là một trong những điều kiện quan trọng để ghi nhận là tài sản của đơn vị.

Ở Việt Nam, rất nhiều các TSVH như trên chưa được phản ánh trong các sổ sách kế toán, do chưa xác định được giá trị một cách đáng tin cậy hoặc quá trình định giá tương đối khó khăn và tốn kém nên nhiều DN thường ghi khoản mục này ở mức nguyên giá hoặc dưới giá trị thực hoặc không ghi nhận.

Về việc định giá, hiện nay Thông tư số 06/2014/TT-BTC về tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 đã xác định cách thức định giá TSVH ở Việt Nam, tuy nhiên hoạt động định giá trong nước còn khá mới mẻ và gặp không ít khó khăn:

Thứ nhất, đối với 3 cách tiếp cận. Từ thị trường, từ chi phí hoặc từ thu nhập, mỗi cách tiếp cận bao gồm nhiều phương pháp định giá khác nhau. Các giá trị tính toán thực tế vẫn mang nhiều yếu tố cảm quan thiên về định tính mà chưa phản ánh một cách chính xác vấn đề bởi đặc thù của việc định giá dựa trên những ước tính có mức độ không chắc chắn.

Chẳng hạn trong cách tiếp cận từ thị trường: Trong thực tế, do việc người mua và người bán thường giữ bí mật về các giao dịch mua bán các TSVH nên khó tìm được các giao dịch mua bán các TSVH tương tự trên thị trường và dù có thì cũng không đảm bảo sự chính xác của các thông tin sử dụng; Thêm vào đó, các TSVH như tài sản trí tuệ thường có tính độc đáo duy nhất, không có sản phẩm tương tự và mức giá trao đổi cũng không phản ánh thực quan hệ cung cầu trên thị trường; Mức độ thiếu chắc chắn trong việc xác định một cách hợp lý giá trị của TSVH là rất cao; Với cách tiếp cận từ chi phí ước tính, nó không đo lường các tác động trong tương lai của tài sản và không phù hợp khi áp dụng với một số loại TSVH được hưởng một số quyền bảo hộ riêng của pháp luật như thương hiệu hay quyền tác giả; Với cách tiếp cận cách tiếp cận từ thu nhập do dựa trên dòng thu nhập trong tương lai và các chi phí tiết kiệm được để định giá nên độ chính xác của phương pháp này chịu sự tác động lớn của việc ước tính các dòng tiền trong tương lai và cách tính tỷ lệ chiết khấu. Bất kỳ một thay đổi nhỏ nào (dù trong khuôn khổ cho phép) của từng thông số quan trọng như tỷ suất chiết khấu, tỷ suất vốn hóa... đều dẫn đến kết quả định giá chênh lệch khá lớn.

Thứ hai, thiếu đội ngũ thẩm định viên có chuyên môn và kinh nghiệm. Các thẩm định viên hầu như không có kinh nghiệm thẩm định các TSVH, từ những tài sản đơn giản nhất như nhãn hiệu chứ chưa kể đến những tài sản lớn như công nghệ, sáng chế.

Thứ ba, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá còn chưa đồng bộ và hoàn thiện. Đặc biệt còn thiếu dữ liệu kinh tế vĩ mô và vi mô, thiếu thông tin thị trường đối với các TSVH đặc thù dẫn đến thẩm định viên khó khăn trong việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy, ảnh hưởng đến việc lựa chọn tiến hành các phương pháp thẩm định giá cũng như kết quả thẩm định giá TSVH. Do vậy, việc định giá phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh và không thể được đo lường dựa trên các phương pháp trong các lý thuyết phổ thông về tài chính kế toán hiện nay.

Thứ tư, khi áp dụng phương pháp thẩm định giá TSVH trong thực tế, chỉ một số công ty sử dụng phương pháp thẩm định giá thứ 2 để đối chiếu, so sánh kết quả; còn lại các công ty chỉ sử dụng 01 phương pháp thẩm định giá nhưng chưa có phân tích, biện luận đầy đủ những căn cứ thực tế để sử dụng một phương pháp duy nhất. Vì vậy, kết quả thẩm định giá của TSVH thiếu đi sự tin cậy chắc chắn.

Một số kiến nghị

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá TSVH tại Việt Nam cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:

Một là, cần có phương pháp và chỉ dẫn cụ thể hơn nữa, phù hợp với thực tế của Việt Nam để giúp các nhà đầu tư, DN có thể xác định giá trị của TSVH một cách phù hợp.

Hai là, thông tin liên quan đến các chỉ số kinh tế vĩ mô và vi mô cần rõ ràng minh bạch để thiết lập nguồn dữ liệu đáng tin cậy đầu vào cho các kỹ thuật định giá, từ đó các kết quả định giá mới có tính chắc chắn.

Ba là, đào tạo đội ngũ chuyên gia trong việc định giá TSVH nói riêng, định giá DN nói chung bằng cách biên soạn lại theo hướng chuẩn hóa và nâng cấp tài liệu bồi dưỡng.

Bốn là, tăng cường sự hợp tác với đối tác quốc tế thông qua việc tận dụng năng lực kinh nghiệm quốc tế và cơ sở dữ liệu toàn cầu, giúp cho các DN Việt Nam có thể nâng cao năng lực định giá TSVH.             

Tài liệu tham khảo:

Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 06/2014/TT-BTC;

Giáo trình Pháp luật sở hữu trí tuệ, NXB Ðại học Kinh tế quốc dân;

https://vietnambiz.vn/tai-san-vo-hinh-invisible-assets-la-gi-vai-tro-cua-tai-san-vo-hinh-doi-voi-doanh-nghiep;

http://www.hoiketoanhcm.org.vn/vn/trao-doi/cac-phuong-phap-xac-dinh-gia-tri-tai-san-vo-hinh-va-ap-dung-tai-viet-nam.