Hướng đi hiệu quả cho thị trường thanh toán Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh

Nhìn chung, thị trường thanh toán tại Việt Nam đang được đổi mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế; góp phần vào giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán qua các năm xuống còn 12% ... Tuy nhiên, thị trường thanh toán Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức. Vậy để rút ngắn khoảng cách và hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế thế giới và khu vực, thị trường thanh toán Việt Nam cần phải làm gì?

Tình hình phát triển thị trường thanh toán tại Việt Nam

Thời gian qua, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, hoạt động thanh toán tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán cũng dần được kiện toàn, cơ sở hạ tầng đã được hệ thống ngân hàng chú trọng và đầu tư đổi mới, hiện đại hóa. Nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng hiện đại đã được nghiên cứu, triển khai, áp dụng phù hợp với xu thế thanh toán quốc tế. Cụ thể:

Về khuôn khổ pháp lý: Đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế đất nước, năm 2010, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được ban hành, trong đó có bổ sung một số quy định trong lĩnh vực thanh toán. Đồng thời, để góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của hệ thống thanh toán một số luật khác cũng đã được ban hành như: Luật giao dịch điện tử, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật các công cụ chuyển nhượng…

Trên cơ sở đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện pháp lý cho hệ thống ngân hàng phát triển dịch vụ thanh toán mới cũng như tạo sự yên tâm cho người sử dụng dịch vụ, đó là: Nghị định số 35/2007/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử hoạt động ngân hàng; Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt; Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và một số văn bản khác liên quan trong lĩnh vực tài chính và thương mại. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực thanh toán như: Quy định đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trung gian thanh toán, phí dịch vụ thanh toán, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng…

Về cơ sở hạ tầng và công nghệ thanh toán:

Hiện NHNN đã thiết lập được một hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng kết nối với 429 đơn vị thành viên; trong đó, có 66 đơn vị trực thuộc NHNN, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời, đảm bảo chính xác, an toàn và bảo mật với số lượng giao dịch ngày càng tăng. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, có dung lượng xử lý đến 2 triệu giao dịch/ngày. Năm 2014, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý gần 48 triệu giao dịch với trị giá giao dịch lên tới gần 47 triệu tỷ đồng (tương đương 12 lần GDP).

Hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã có sự phát triển vượt bậc. Hầu hết các NHTM đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), phát triển hệ thống thanh toán nội bộ với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho phép các NHTM cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại cho khách hàng.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ đã được các NHTM chú trọng nâng cấp, đầu tư. Tính đến quý 1/2015, cả nước có trên 16.100 thẻ thanh toán nội địa (ATM) và trên 192.000 máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS/EDC) được lắp đặt. NHNN cũng đã hoàn thành chương trình kết nối liên thông hệ thống ATM, liên thông mạng lưới POS trên phạm vi toàn quốc, theo đó, thẻ của một ngân hàng đã có thể sử dụng để rút tiền, thanh toán tại hầu hết các ATM/POS của ngân hàng khác, tạo tiện ích cho chủ thẻ, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư…

Cùng với việc mở rộng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trên toàn quốc, số lượng đơn vị tham gia, giá trị và số lượng giao dịch xử lý qua các hệ thống thanh toán bù trừ có xu hướng chững lại, giảm dần và từ tháng 5/2014, hệ thống này đã lần lượt ngừng hoạt động.

Về phương tiện, dịch vụ thanh toán:

Bên cạnh các dịch vụ thanh toán truyền thống như ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, các phương tiện thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại lần lượt xuất hiện và dần đi vào cuộc sống như thẻ ngân hàng, Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Home Banking, ví điện tử… Tính đến cuối tháng 3/2015, số lượng thẻ phát hành đạt mức 86 triệu thẻ; giao dịch bằng thẻ liên tục tăng qua các năm.

Các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thanh toán qua Internet, Mobile… cũng được các NHTM phát triển với nhiều tiện ích, phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng. Hiện Việt Nam đã có trên 60 NHTM triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet và gần 40 NHTM cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Một số NHTM bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán hiện đại để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cấp, phí bảo hiểm…

Như vậy, nhìn chung, thị trường thanh toán tại Việt Nam đang được đổi mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế; góp phần vào giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán qua các năm xuống còn 12%... Tuy nhiên, thị trường thanh toán Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức, tỷ lệ người dân sử dụng tiền mặt vẫn còn khá lớn; tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán và tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam còn cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Vậy để rút ngắn khoảng cách và hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế thế giới và khu vực, thị trường thanh toán Việt Nam cần phải làm gì?

Giải pháp phát triển thị thanh toán tại Việt Nam bền vững

Giới chuyên gia cho rằng, để có thể đáp ứng nhu cầu hội nhập, thời gian tới Việt Nam cần triển khai một số định hướng sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là cho các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử như tiền điện tử, thẻ ảo…

Thứ hai, cần có kế hoạch nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng: Điều chỉnh mô hình xử lý bù trừ, chuyển sang mô hình xử lý tập trung tại Trung tâm Xử lý Quốc gia; nâng cao năng lực, hiệu suất xử lý của hệ thống tại Trung tâm Xử lý Quốc gia; Tiến tới bổ sung thêm chức năng thanh quyết toán ngoại tệ, xây dựng cấu phần hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng; mở rộng kết nối hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện tử tài chính quốc tế ISO 20022…

Thứ ba, tiếp tục phát triển, kết hợp sắp xếp, hợp lý hóa mạng lưới ATM và POS; phát triển mạnh dịch vụ thanh toán thẻ thông qua thiết bị kết nối với điện thoại di động (mPOS); xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chung đối với thẻ chip nội địa, tạo tiêu chuẩn chung cho thị trường thẻ Việt Nam nhằm thống nhất việc quản lý, định hướng kỹ thuật đối với hoạt động phát hành thẻ ngân hàng tại Việt Nam; nghiên cứu và xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động phục vụ giao dịch bán lẻ phù hợp với xu hướng quốc tế.

Thứ tư, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán và các phương tiện, dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại để đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia cũng như hệ thống, phương tiện, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế. Đối với hệ thống thanh toán thẻ, chuyển tiền quốc tế, NHNN cần nghiên cứu phương án giám sát, quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế và theo cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hệ thống ngân hàng với cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán thẻ ATM/POS và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao nhằm đối phó với tình trạng gia tăng của tội phạm hiện nay

Thứ sáu, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá, phổ biến hướng dẫn về việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự chuyển biến căn bản của người dân về không dùng tiền mặt và giảm thói quen sử dụng tiền mặt trong xã hội.

Thứ bảy, phát triển, mở rộng các mô hình ứng dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…