Internet vạn vật thúc đẩy cuộc "cách mạng" trong ngành Dịch vụ logistics thế nào?

Lê Hà

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ngày càng mở rộng việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như: Pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. Tất cả các công ty logistics quốc tế lớn sẽ sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) và dự báo trong vòng 3 năm tới, IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực logistics...

Điểm nhấn trong phát triển dịch vụ logistic ở Việt Nam

Theo nghiên cứu của Phạm Hồng Nhung - Khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Công đoàn), thời gian qua, việc thực hiện Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa Quốc gia đã được luật hóa tại Luật Hải quan 2014 và Nghị định số 08/2015/ NĐ-CP của Chính phủ, đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics như: Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; Giảm số hồ sơ phải nộp cho các cơ quan quản lý; Đơn giản hóa quy trình giao tiếp với cơ quan quản lý...  

Với việc hàng loạt các chứng từ phải nộp, phải xuất trình được đơn giản hóa, thậm chí loại bỏ và kéo theo lợi ích mang lại cho dịch vụ logistics về mặt chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong hoạt động logistics.

Năm 2018, dựa trên nền tảng từ những năm trước, đặc biệt là nhờ đà tăng trưởng cao của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng, ngành Dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng khoảng 12% - 14%. Thống kê cho thấy, doanh số của các DN logistics niêm yết trên sàn chứng khoán có mức tăng trưởng đạt 12,77%.

Theo Sách trắng Logistics 2018 vừa được Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) công bố, trong năm 2018, tất cả 6 thông số/tiêu chí đánh giá Chỉ số hoạt động logistic (LPI) năm 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ logistics (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc).

Các tiêu chí đánh giá tăng rất tốt là hải quan (xếp hạng 41, tăng 23 bậc), kết cấu hạ tầng logistics (xếp hạng 47, tăng 23 bậc). Các tiêu chí thời gian giao hàng (xếp hạng 40, tăng 16 bậc) và tiêu chí về các chuyến hàng quốc tế (xếp hạng 49 tăng 1 bậc so với năm 2016).

Trong khi đó, theo công bố của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, Chỉ số LPI của Việt Nam tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp thứ 39/160 nước, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Với những xu hướng tích cực này, theo VLA, ngành dịch vụ logistics có thể đóng góp khoảng 5% GDP trong năm 2017 và sẽ đóng góp cao hơn nữa cho GDP vào 2025…

Từ những phân tích trên, bà Phạm Hồng Nhung cho rằng, các nhà kinh doanh dịch vụ logistics phải mở rộng các kênh E-Logistics theo hướng chuyên nghiệp hóa để đáp ứng nhu cầu mua hàng điện tử.

“E-Logistics sẽ cải tiến hoạt động giao hàng để giảm thiểu chi phí cho hệ thống logistics nhằm tăng khả năng cạnh tranh về giá cho sản phẩm, thu hút người mua nhiều hơn do yếu tố giá rẻ”, bà Nhung nhận định.

IoT và cuộc “cách mạng” trong ngành Dịch vụ logistic

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành Dịch vụ logistics nói chung và công nghệ logistics mới nói riêng, từ đó tác động đến hình thái kinh doanh logistics của các DN cung cấp dịch vụ logistics, hướng đến tính khoa học và sáng tạo.

CMCN 4.0 với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; theo hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối Internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới, với ước tính khoảng 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày.

Đối với lĩnh vực logistics, cuộc cách mạng này sẽ ngày càng mở rộng việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như: Pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. Tất cả các công ty logistics quốc tế lớn dự kiến sẽ sử dụng công nghệ IoT và dự báo trong vòng 3 năm tới, IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực logistics...

Mặt khác, dịch vụ logistics là ngành mang tính quốc tế cao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động. Hiện nay, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logisitics, E-Documents... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain...

Tuy nhiên, hiện nay, các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc này còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản...

Nguyên nhân là do các DN cung cấp dịch vụ logistic có quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin còn yếu và thiếu, mặc dù, 96% DN được điều tra của VLA vừa qua đều cho rằng, công nghệ là nhân tố khác biệt tạo thuận lợi cạnh tranh cho DN.

Để khắc phục những hạn chế trên và tận dụng được cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại cho hoạt động dịch vụ logistic ở Việt Nam, bà Nhung cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, qua đó tạo thuận lợi cho DN trong việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, với cốt lõi là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân và DN.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động logistics. Hiện nay, VLA đang nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao như Blockchain vào một số hoạt động logistics.

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu áp dụng đại trà e-DO (Giấy giao hàng điện tử) cho các lô hàng lẻ (LCL) và tham gia dự án e-B/L của Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế. Điển hình như Tân Cảng Sài Gòn đang áp dụng thử nghiệm e-Port, e-DO với một vài hãng tàu...