Khắc phục xung đột, chồng chéo pháp luật về kinh doanh

Theo Ngọc Quỳnh/congthuong.vn

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hệ thống pháp luật về kinh doanh vẫn đang có rất nhiều nội dung bị xung đột, chồng chéo, bất cập, tác động tiêu cực tới môi trường kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp cần khẩn trương khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Liên quan đến thực thi pháp luật kinh doanh, VCCI cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tập hợp được 404 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước về các vướng mắc, khó khăn, bất cập... chuyển tới các cấp, cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương xem xét, giải đáp, xử lý. Các cơ quan chức năng đã xử lý, giải quyết trả lời được 250 kiến nghị (chiếm 61,9%). Khảo sát của VCCI cho thấy, đối với việc trả lời kiến nghị của các bộ, ngành trung ương có 48,57% số doanh nghiệp được hỏi phản hồi thông tin là hài lòng, 14,29% doanh nghiệp cho biết rất hài lòng, 31,43% cho biết chưa hài lòng và chỉ có 5,71% không đánh giá.

Khắc phục xung đột, chồng chéo pháp luật về kinh doanh - Ảnh 1
 

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá: Tốc độ và chất lượng cải cách thể chế cộng đồng doanh nghiệp có thể cảm nhận được đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Rà xét thực thi các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Môi trường..., đến nay VCCI và các cơ quan liên quan phát hiện thấy ít nhất đang có tới 20 điểm xung đột, chồng chéo, bất cập giữa nội dung và các qui định tại các văn bản luật này.

Những nội dung nêu trên, đã được ông Vũ Tiến Lộc trực tiếp phản ánh với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi Thủ tướng tham dự và chỉ đạo Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh Lào Cai được tổ chức mới đây. Đồng thời ông Vũ Tiến Lộc còn cho biết: Trước đây, các vướng mắc, xung đột về pháp luật ở khâu thực thi thì các cơ qua chức năng còn “vận dụng” các giải pháp để khắc phục, nhưng nay đang có biểu hiện chọn giải pháp an toàn, đẩy đi đẩy lại không ai dám quyết. Do vậy, Chủ tịch VCCI kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành… theo thẩm quyền, chức năng cần khẩn trương giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất Chính phủ các giải pháp xử lý xung đột, khắc phục chồng chéo, bất cập của hệ thống pháp luật đang làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đây là một yêu cầu bức thiết đang đặt ra từ thực tiễn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chính phủ có thể báo cáo Quốc hội dùng 1 luật để sửa nhiều luật đang có những nội dung chồng chéo, bất cập. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Chính phủ dùng 1 nghị định để sửa nhiều nghị định có những qui định bất cập. Tương tự, các bộ có thể dùng 1 thông tư để sửa nhiều nội dung bất cập tại nhiều thông tư.

Ngoài ra, liên quan đến công tác thanh kiểm tra, theo phản ánh của VCCI, mặc dù Thủ tướng đã có Chỉ thị 20 yêu cầu không thanh tra chồng chéo, có sự phối hợp giữa các cơ quan và cấp thanh tra, nhưng trên thực tế các cơ quan thanh tra khác nhau, cấp thanh tra giữa trung ương và địa phương vẫn thực hiện nhiều cuộc thanh tra chồng chéo về nội dung, không có sự phối hợp, có doanh nghiệp phản ánh đã phải chuẩn bị riêng một bộ phận chuyên phục vụ thanh tra, kiểm tra. VCCI kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo cần thống nhất liên thông về kế hoạch thanh tra doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương, hạn chế những nội dung thanh tra chồng chéo, không gây phiền hà, lãng phí thời gian, chi phí của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nguồn vốn ODA dần dần sẽ không còn, đầu tư từ nguồn vốn nhà nước thì hạn chế, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội… là rất quan trọng. Đại diện VCCI đưa ra kiến nghị, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội sớm hoàn thiện khung khổ pháp luật về đối tác công - tư (PPP) để tạo môi trường pháp lý phù hợp cho việc huy động vốn khu vực tư nhân và để các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện thuận lợi tham gia triển khai dự án phát triển kinh tế - xã hội.