Khó khăn chực chờ doanh nghiệp

Theo báo Đầu tư

Điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao là những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp thời gian tới.

Với 59,65 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2/2011 giảm tới hơn 19% so với tháng trước. Sự sụt giảm này tuy chỉ mang tính thời điểm, bởi tháng 2 là tháng có Tết Âm lịch. Tuy nhiên, khi mà nhiều khó khăn đang chực chờ trước mắt, sản xuất công nghiệp khó có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, vốn đang được phục hồi và quay trở về trước thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu như trong những tháng vừa qua.

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho rằng, khả năng hoàn thành mục tiêu sản xuất công nghiệp trong những tháng tới là rất khó khăn. “Việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả người dân, ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của thị trường, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hòa nói.

Minh chứng cho khó khăn này, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết, chỉ với quyết định tăng giá điện, chi phí sản xuất xi măng đã tăng thêm 20.000 đồng/tấn. “Nếu than cũng tăng giá để bằng với giá xuất khẩu, chi phí tăng thêm với một tấn xi măng là 60.000 đồng, còn nếu tăng giá xăng dầu, chi phí tăng thêm là 30.000 đồng/tấn”, ông Quang nói và cho biết, nếu vậy, giá bán xi măng có thể phải tăng thêm 100.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, với Tổng công ty Xi măng Việt Nam, việc điện hay than tăng giá không phải là vấn đề lớn nhất, mà là chuyện thiếu điện, thiếu than. Phát biểu ở Hội nghị giao ban sản xuất - kinh doanh tháng 2/2011 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần trước, ông Quang “khảng khái” tuyên bố: “Giá nào cũng được, miễn là không bị cắt điện và có đủ than”.

Thực tế, chuyện thiếu điện không chỉ khiến doanh nghiệp lo, mà cả cơ quan quản lý cũng lo. Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội không khỏi lo lắng khi tháng 3 cận kề và đó là thời điểm ngành điện sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch tiết giảm điện.

“Cung ứng điện chắc chắn sẽ thiếu, nhưng chúng tôi đề nghị ngành điện có phương án cắt điện ưu tiên cho sản xuất, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu. Với những doanh nghiệp này, thì không nên cắt điện, bởi ai cũng biết, thời gian tới, nền kinh tế có thể bị kìm xuống, thị trường trong nước có thể bị thu hẹp, cần phải cung cấp đủ điện để họ gia tăng sản xuất hàng xuất khẩu”, ông Tứ nói.

“Tỷ giá điều chỉnh, giá điện tăng, giá xăng dầu tăng, đều với tỷ lệ tăng kỷ lục, trong khi lạm phát đang tiếp tục căng thẳng, lãi suất vẫn đứng ở mức cao... Những yếu tố này đang làm tăng chi phí trung gian của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lo ngại.

“Chi phí trung gian trong sản xuất của Việt Nam quá cao, cao hơn nhiều so với các nước xung quanh. Ấn Độ có chi phí trung gian là 52%, Philippines là 54%, còn Việt  Nam lên tới trên 60%. Tôi cho rằng, các bộ, ngành phải làm sao chỉ đạo để giảm chi phí sản xuất, chi phí trung gian xuống, để nâng cao hiệu quả”, ông Lâm nói.

Không chỉ gặp khó khăn về chi phí, ông Tứ cũng băn khoăn về chuyện vốn với doanh nghiệp. Theo quan điểm của ông Tứ, việc Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát là đúng đắn, nhưng cũng vì thế mà doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn hơn. “Vốn ngân hàng đã khó vay, mà việc huy động vốn ngoài xã hội cũng gặp những rào cản về pháp lý, thì doanh nghiệp càng khó khăn hơn”, ông Tứ nói và lại một lần nữa đề cập việc sửa đổi Nghị định 01/2010/NĐ-CP về về chào bán cổ phần riêng lẻ. Nhiều lần tham dự Hội nghị giao ban sản xuất - kinh doanh tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gần như lần nào cũng vậy, ông Tứ đều nhắc tới câu chuyện này.

Nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn cũng đang hàng ngày chực chờ doanh nghiệp. Tuy thông điệp đã được phát đi rằng, doanh nghiệp và cả người dân phải chia sẻ khó khăn cùng Chính phủ, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, song tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là điều cần tính đến. Bởi nếu không, cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả và tăng trưởng của nền kinh tế.