Khơi thông thị trường, giúp doanh nghiệp vượt khó

Đức Duy (Vietnam+)

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay Chính Phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do sức mua yếu, lượng tồn kho tiếp tục là bài toán cần được tháo gỡ quyết liệt từ nay đến cuối năm.

Thiếu đầu ra, sản xuất sụt giảm

Báo cáo của Vụ Kế hoạch tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng Tám do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/9 cho thấy, sản lượng khai thác than sạch tháng Tám của Vinacomin ước đạt gần 3 triệu tấn, tính chung 8 tháng ước đạt 28,3 triệu tấn, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, tiêu thụ than đạt thấp do các hộ mua than lớn giảm mạnh so với khối lượng hai bên đã ký hợp đồng từ cuối năm 2011 làm lượng than tồn kho tăng cao. Trong khi xuất khẩu cũng giảm mạnh, ước đạt 8,7 triệu tấn, bằng 76,2% cùng kỳ. Như vậy, tính đến hết tháng 8/2012, tồn kho của ngành Than ước khoảng 6,9 triệu tấn.

Tương tự đối với ngành Thép, thị trường tiếp tục trầm lắng buộc các doanh nghiệp phải giảm giá bán từ 200-300 nghìn đồng/tấn để cạnh tranh. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho vẫn cao, ước tính tháng Tám toàn ngành sản xuất được 196 ngàn tấn, tăng 1,8% so với tháng Bảy nhưng giảm 8,1% so với tháng 8/2011.

Nguyên nhân được ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS) chỉ ra là do tháng Bảy âm lịch, tiến độ xây dựng các công trình chậm nên giá thép hạ và lượng thép tiêu thụ không tăng so với tháng trước. 

"Khó của thép không phải là vốn mà là đầu ra, không tiêu thụ được thì lãi suất thấp cũng không dám vay," ông Nghi nêu ý kiến.

Nhưng nghiêm trọng hơn, hiện thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và ASEAN. Đặc biệt, những sản phẩm nhập khẩu này khi vào Việt Nam đã có những "tiểu xảo" như lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để cạnh trạnh không lành mạnh.

Hiện nay, nhập khẩu thép xây dựng từ thị trường ASEAN về Việt Nam phải chịu thuế suất 5%, nhưng có những lô hàng thép xây dựng khi nhập khẩu chỉ có mức thuế 0%. Điều này được VAS nhận định, có thể do hàng được trộn lẫn với các chủng loại thép khác như thép que hàn, thép 0% carbon... để tránh thuế và lách luật.

"Nếu không làm tốt công tác giá cả, quản lý... thì xu hướng thép nước ngoài sẽ tràn vào gây khó khăn cho ngành sản xuất thép trong nước," ông Nghi bày tỏ.

Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp

Giải bài toán về hàng tồn kho là một nhu cầu bức thiết giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Vấn đề này đang là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, chỉ thị 13/CT-BCT được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký ban hành ngày 17/8/2012 là một bước đột phá để giúp doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tiếp cận với vốn vay ngân hàng và phát triển sản xuất.

Cụ thể, Bộ đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xác định nhiệm vụ trong từng công việc cụ thể trong chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch...các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý.

Các cơ quan quản lý cũng cần xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ nước ngoài.

Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đang triển khai hàng loạt chương trình kích cầu, trong đó đẩy mạnh hơn nữa chương trình bình ổn giá, kết nối sản xuất-dự trữ với hệ thống phân phối nhằm giảm giá thành cũng như cân đối cung-cầu trong nước.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay, hiện nhiều giải pháp để tăng mua nông sản, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với từng vùng, miền đang được nhân rộng.

"Vụ thị trường trong nước đang triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi, sau khi làm xong tại 12 tỉnh thành sẽ có tổng kết và nhân rộng," ông Quyền nói.

Cùng với hàng loạt giải pháp đồng bộ trên, Bộ Công Thương đang đề xuất Ngân hàng nhà nước áp dụng việc bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nghiên cứu cơ chế bảo hiểm tín dụng với các thị trường tiềm năng nhưng có rủi ro cao và điều chỉnh linh hoạt thuế suất để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, mở rộng và tái cấu trúc thị trường, cả trong và ngoài nước cũng là một trong những hướng triển khai quyết liệt nhằm giảm áp lực cho việc tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Tiến Nghi chia sẻ, mặc dù lợi nhuận của việc xuất khẩu thép vào thời điểm này thấp, nhưng việc hướng sang các thị trường phi truyền thông cũng là giải pháp để các doanh nghiệp trong ngành giải quyết được lượng hàng tồn kho, thu hồi được vốn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, không để công nhân mất việc.

"Về lâu dài, Hiệp hội Thép cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa trong công tác xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp xuất khẩu thép; đồng thời xem xét cho giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% để giảm áp lực tồn kho hiện nay của ngành," ông Nghi kiến nghị.