Không ngừng phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia


Sau một thập kỷ triển khai, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã hoàn thiện, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tạo nền tảng cho việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” là phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cập nhật với tiến bộ của khoa học và công nghệ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng đủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường.

Với vai trò chủ trì thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành “Quy hoạch phát triển hệ thống TCVN đến năm 2020”, cụ thể hoá đến các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, nhóm sản phẩm, sản phẩm, đối tượng làm căn cứ cho việc xây dựng các TCVN phục vụ chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các lĩnh vực chuyên ngành nói tiêng; đáp ứng yêu cầu hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế. Quy hoạch TCVN đến 2020 làm căn cứ để các bộ, ngành xem xét, đề xuất dự kiến kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm, đồng thời giúp cho các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan biết để phối hợp, tránh xây dựng TCVN trùng lặp.  

Giai đoạn 2011-2015, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành đã tổ chức xây dựng, công bố 4.485 TCVN; khoảng 2.905 TCVN (65%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 45%. Giai đoạn 2016-2020, ước tính đến hết năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành xây dựng, công bố 3.859 TCVN; khoảng 2.073TCVN (88%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt 60%. Như vậy, tổng số TCVN được xây dựng trong cả Chương trình là 8.341 TCVN, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, soát xét các TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã và đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xác định lộ trình để ưu tiên tập trung xây dựng một số TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như: Đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo…

Cùng với TCVN, Chương trình đã hoàn thiện và phát triển hệ thống QCVN. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức xây dựng các QCVN phục vụ yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Đến nay, 14 bộ đã xây dựng được 780 QCVN, 58 quy chuẩn kỹ thuật địa phương đã được UBND cấp tỉnh ban hành.

Tổng số TCVN được xây dựng trong cả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” là 8.341 TCVN, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020.

Các QCVN quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý chuyên ngành đã có những thay đổi rõ nét theo hướng hậu kiểm cho những đối tượng sản phẩm, hàng hóa không yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, loại bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết.

Thông qua Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, hệ thống TCVN, QCVN không ngừng được hoàn thiện, phát triển đã góp phần nền tảng cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hệ thống TCVN được bổ sung về số lượng TCVN và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đã đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường.

Hiện nay, Hệ thống QCVN đã trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.