Không thể là những “trạm dừng chân” !

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam (Theo TBKTSG)

Ngày 19-3-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP “về việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty TNHH một thành viên và việc tổ chức, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu” (NĐ 25) thay thế Nghị định số 95/2006/NĐ-CP (NĐ 95). NĐ 25 có hiệu lực thi hành từ 5-5-2010. Từ ngày đó tới 1-7-2010 chỉ còn 55 ngày theo lịch. Trong thời gian đó, sẽ phải chuyển đổi hơn 1.500 DNNN thành công ty TNHH một thành viên, tức là mỗi ngày phải hoàn thành thủ tục chuyển đổi cho ít nhất là 27 doanh nghiệp!

Không chỉ dừng lại ở hơn 1.500 doanh nghiệp “nợ chuyển đổi”, NĐ 25 còn mở rộng diện chuyển đổi sang các lĩnh vực khác. So với NĐ 95, đối tượng chuyển đổi theo NĐ 25 bao gồm cả công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh. Như vậy, số lượng các doanh nghiệp thuộc diện phải chuyển đổi lại tăng lên đáng kể.

Về điều kiện được chuyển đổi, NĐ 25 cũng thay đổi theo hướng mở rộng hơn nữa đối tượng chuyển đổi. Theo Nghị định 95, một trong những điều kiện quan trọng để được chuyển đổi là “có mức vốn điều lệ không thấp hơn 30 tỉ đồng đối với công ty nhà nước độc lập hoặc đơn vị hạch toán phụ thuộc của tổng công ty, của công ty mẹ và 500 tỉ đồng đối với công ty mẹ”. Điều kiện nêu trên đã được xóa bỏ trong NĐ 25 và do đó, số doanh nghiệp thuộc diện phải chuyển đổi lại tăng lên nữa.

Việc chuyển đổi theo NĐ 25, với một khối lượng công việc khá đồ sộ, là rất nặng nề. Nhưng suy cho cùng, những việc phải làm để chuyển đổi chỉ là các thủ tục hành chính. Vì vậy, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có liên quan vẫn có thể “hoàn thành kế hoạch” và sau 1-7, phần lớn DNNN sẽ được khoác lên mình một “chiếc áo” mới. Câu hỏi quan trọng hơn và cần phải giải đáp là: sẽ phải làm gì sau khi các DNNN được thay áo mới và để các công ty TNHH một thành viên không trở thành những “trạm dừng chân” trong tiến trình chuyển đổi?

Mục tiêu của việc chuyển đổi hình thức sở hữu của các DNNN là huy động vốn từ các thành phần kinh tế; thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp; đổi mới công nghệ... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, những tế bào quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Song, chuyển các DNNN thành công ty TNHH một thành viên sẽ không thể đáp ứng được mục tiêu nêu trên. Bởi lẽ, “công ty TNHH” chỉ là hình thức bề ngoài. Bản chất của những doanh nghiệp này vẫn là DNNN với những cơ chế, phương thức quản lý như cũ.

Vì vậy, về nguyên tắc, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê, sau khi đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên phải tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa. NĐ 25 quy định: “Doanh nghiệp quy định tại khoản 3 điều này (doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa) sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên phải tiếp tục chuyển thành công ty cổ phần theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Điều đó có nghĩa là, đối với những doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, việc chuyển thành công ty TNHH một thành viên chỉ là một bước “quá độ”, một biện pháp đối phó với cam kết đã ký khi gia nhập WTO.

Việc cổ phần hóa các DNNN đã triển khai từ năm 1993 đến nay và chưa năm nào chúng ta hoàn thành kế hoạch theo “lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Điều đó có rất nhiều nguyên nhân từ nhận thức tư tưởng đến hành lang pháp lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Những nguyên nhân đã được chỉ ra trong nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo và báo cáo tổng kết của cơ quan quản lý, cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa.

Hơn nữa, sau khi đã hoàn thành việc “đối phó” với cam kết khi gia nhập WTO, chắc chắn sẽ xuất hiện tâm lý yên tâm và coi các công ty TNHH một thành viên là những “trạm dừng chân” trong quá trình cải cách nền kinh tế. Do đó, rất có thể, tốc độ cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên lại rơi vào tình trạng chậm chạp như những năm trước đây và không có ai hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm. Từ đó, để không hình thành những “trạm dừng chân” trong quá trình chuyển đổi, có những việc cấp bách cần làm là:

1. Trước hết, về nhận thức tư tưởng, cần làm rõ khái niệm về “tư nhân hóa”. Cổ phần hóa doanh nghiệp là một trong những phương thức để chuyển đổi hình thức sở hữu của doanh nghiệp. Khi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp thì đương nhiên, doanh nghiệp sẽ chuyển chủ sở hữu từ nhà nước sang tư nhân.Hơn nữa, không một tài liệu nghiên cứu nào chỉ ra rằng tư nhân hóa là xấu nếu được thực hiện đúng luật và minh bạch. Ngược lại, ở hầu hết các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, không thể và không nên dị ứng với cụm từ “tư nhân hóa”;

2. Cần nghiên cứu, tổng kết đánh giá những nguyên nhân cơ bản làm chậm tiến trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian trước đây. Trên cơ sở đó, đề xuất những biện pháp tháo gỡ những nút thắt đối với chương trình quốc gia đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc cổ phần hóa DNNN trước đây và các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu lại liên quan đến rất nhiều bộ, ngành.

Chẳng hạn, việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính; việc xác định giá trị đất - thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; chính sách đối với người lao động - thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chính sách về tín dụng - thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Vì vậy, rất cần một “nhạc trưởng” phối hợp hành động và giám sát kết quả trong công tác này. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ là cơ quan phù hợp nhất để đảm nhận vai trò nhạc trưởng này;

3. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới về cổ phần hóa, chuyển đổi hình thức sở hữu đối với các công ty TNHH một thành viên hình thành sau chuyển đổi. Bởi lẽ, những văn bản trước đây, về nguyên tắc, đã hết hiệu lực thi hành;

4. Để đảm bảo hình thành một hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, việc chuyển đổi hình thức sở hữu các doanh nghiệp không chỉ giới hạn đối với các công ty TNHH một thành viên mà còn bao gồm cả các doanh nghiệp thuộc các đoàn thể, các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu. Vì vậy, cần có ngay những quy định về cổ phần hóa các doanh nghiệp, các đơn vị nêu trên.

Những năm trước đây, mặc dù có mốc thời gian là 1-7-2010 nhưng việc chuyển đổi hình thức sở hữu của các DNNN vẫn không đạt yêu cầu. Vì vậy, sau khi đã trở thành công ty TNHH một thành viên và về hình thức là đã thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thì lực cản trong việc chuyển đổi sẽ nhiều hơn. Nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, việc cổ phần hóa các công ty TNHH một thành viên sẽ không thể về đích đúng hạn. Từ đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể được công nhận là nền kinh tế thị trường theo lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO. Không thể để các công ty TNHH một thành viên ra đời từ NĐ 25 là những “trạm dừng chân” trong quá trình đổi mới!