Khung pháp luật và chính sách liên quan đến chính thức hóa kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp


Khủng hoảng pháp luật liên quan đến chính thức hóa kinh doanh hiện đang được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 1999, tiếp đó là Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để hiện thực hóa các quy định của Luật Doanh nghiệp, một số địa phương đã có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện quy định của Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, đến nay, công tác này vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức cần có giải pháp khắc phục đồng bộ.

Hiện nay, khung pháp luật liên quan đến chính thức hóa kinh doanh được quy định tại Luật Doanh nghiệp (DN) số 68/2014/QH13, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) số 04/2017/QH14, các Nghị định của Chính phủ như Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN; Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, chính thức hóa kinh doanh ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do một số rào cản sau: (i) Pháp lý và hành chính; (ii) Chi phí và tài chính; (iii) Tham nhũng trong hành chính công; (iv) Thái độ văn hóa - xã hội; (v) Thiếu những dịch vụ kinh doanh quan trọng.

Chính thức hóa kinh doanh ở Việt Nam gồm 2 cấp độ: (i) Thực hiện đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh; (ii) chuyển các hộ kinh doanh sang thành lập, đăng ký hoạt động dưới các hình thức DN theo Luật DN.

Sự cần thiết phải chính thức hóa kinh doanh

Hộ kinh doanh có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2017, Việt Nam có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 8,6 triệu lao động. Quy mô vốn và doanh thu bình quân của hộ kinh doanh tăng khá nhanh.

Tuy nhiên, hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước còn thấp. Mặc dù, hộ kinh doanh chiếm số lượng lớn, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mức độ đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng.

Thực tiễn cho thấy, hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ và hình thức DN tư nhân; hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ và công ty hợp danh về bản chất không có sự khác biệt đáng kể. Tuy nhiên, khi đăng ký hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc DN thì các quy định áp dụng đối với các loại hình này lại rất khác nhau, đặc biệt là yêu cầu về tổ chức bộ máy, các thủ tục về thuế, các quy định về lao động, về bảo hiểm xã hội…

Điều này dẫn đến những bất bình đẳng không đáng có giữa hộ kinh doanh và các DN. Nhiều hộ kinh doanh, thậm chí với quy mô rất lớn vẫn tiếp tục hoạt động dưới hình thức này, trong khi pháp luật (Luật DN 2005 và Luật DN 2014) quy định, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN hoạt động theo quy định của Luật DN.

Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, quy định và chính sách áp dụng đối với các tổ chức kinh tế chỉ dựa trên sự phân biệt qua hình thức tổ chức kinh doanh, ví dụ giữa hộ và các DN là không phù hợp và có thể dẫn đến những bất bình đẳng, gây ra những méo mó đối với môi trường kinh doanh. Nhiều nước chỉ phân biệt trên đặc trưng về sở hữu và quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư và các hình thức kinh doanh được tổ chức dưới 3 dạng cơ bản gồm: (i) Cá nhân kinh doanh; (ii) Hợp danh; (iii) Công ty cổ phần. Trên cơ sở 3 dạng cơ bản này, việc tổ chức đơn vị kinh doanh có thể chia thành các loại hình cụ thể hơn như: (i) Cá nhân kinh doanh; (ii) Hợp danh; hợp danh hữu hạn; (iii) Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trách nhiệm hữu hạn hai thành viên; (iv) Công ty cổ phần.

Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trước tháng 6/2017

Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN đã được quy định tại Luật DN năm 1999 với quy định Chính phủ hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn đang hoạt động theo Nghị định số 66/HĐBT ngày 02/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng chuyển thành DN, đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Luật DN (Khoản 2, Điều 123 Luật DN năm 1999).

Luật DN số 60/2005/QH11 quy định chi tiết hơn về việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN: Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN hoạt động theo quy định của Luật này (Khoản 4, Điều 170). Như vậy, ngoài việc khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, Luật DN 2005 đã quy định điều kiện cụ thể về quy mô tối đa đối với hộ kinh doanh chỉ là dưới 10 lao động làm việc thường xuyên.

Luật DN số 68/2014/QH13 quy định bắt buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành DN nếu sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên. Tuy nhiên, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh có quy định về chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh. Vì vậy, muốn chuyển đổi thành DN, hộ kinh doanh phải thực hiện chấm dứt hoạt động với tư các hộ kinh doanh và thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh sang các loại hình DN theo quy định của Luật tương tự như việc chuyển đổi giữa các hình thức DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, trong đó bổ sung một điều (Điều 25a) quy định đối với thành lập DN trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, cụ thể như sau:

(1) Việc đăng ký thành lập DN trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi DN dự định đặt trụ sở chính.

(2) Hồ sơ đăng ký thành lập DN trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh bao gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định này tương ứng với từng loại hình DN.

(3) Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký DN và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

Để khuyến khích các hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN, Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 có một số điều quy định về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, trong đó quy định điều kiện để được nhận hỗ trợ là: (i) Hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; (ii) Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 1 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

Cũng theo Luật này, các nội dung mà DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh có thể được hưởng hỗ trợ bao gồm: (i) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập DN; (ii) Miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; (iii) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu; (iv) Miễn, giảm thuế thu nhập DN có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập DN; (v) Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nhằm cụ thể hóa quy định về hỗ trợ đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh tại Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật này. Nghị định gồm 1 mục với 5 điều quy định cụ thể đối với từng nội dung hỗ trợ đã được nêu tại Luật Hỗ trợ DNNVV. Như vậy, khung pháp luật khuyến khích và hỗ trợ chính thức hóa kinh doanh ngày càng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, cụ thể hơn.

Thực trạng triển khai các quy định, chính sách chính thức hóa kinh doanh

Chính thức hóa kinh doanh được quy định tại Luật DN năm 1999, cụ thể như sau: Chính phủ hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn đang hoạt động theo Nghị định số 66/HĐBT ngày 2/3/1992 của Hội đồng Bộ trưởng chuyển thành DN, đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Luật DN, tiếp đó là Luật DN năm 2005 và Luật DN năm 2014 hiện hành với quy định: Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN hoạt động theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức nào về số lượng hộ kinh doanh chuyển sang đăng ký, thành lập dưới các loại hình DN theo quy định của Luật DN.

Thể chế hóa các quy định, chính sách, một số địa phương đã có những cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN, đặc biệt là các hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện quy định của Luật DN. Các chính sách có thể gồm chính sách hỗ trợ lệ phí đăng ký thành lập DN, lệ phí khắc dấu, thuế môn bài, kinh phí thực hiện phần mềm kế toán, biển hiệu DN…

Trường hợp của tỉnh Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình. Ngày 22/9/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 63/2014/QĐ-UBND quy định các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh khi đăng ký thành lập DN được hỗ trợ: (i) 100% chi phí đăng ký DN và 100% lệ phí công bố nội dung đăng ký DN; (ii) 100% phí khắc dấu DN; (iii) Kinh phí thực hiện phần mềm kế toán DN (2.000.000 đồng/DN), biển hiệu cho các DN (500.000 đồng/DN); (iv) 100% thuế môn bài cho các DN thành lập mới trong năm đầu hoạt động. Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an Tỉnh, Cục Thuế Tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh…

Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng hộ kinh doanh chuyển sang đăng ký thành lập DN theo quy định của Luật DN không nhiều. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2017), chỉ có 17,8% số DN điều tra được đăng ký, thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh, trong đó 12,5% chuyển thành DN tư nhân; 33,3% chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn.

Cũng theo điều tra trên, có đến 50% số DN điều tra trong ngành Xây dựng được thành lập trên cơ sở hộ kinh doanh (có nguồn gốc từ hộ kinh doanh). Kết quả này thống nhất với ngành, lĩnh vực thành lập mới DN thời gian qua. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2012 - 2016, DN thành lập mới trong ngành Xây dựng chiếm khoảng từ 13 - 15% số lượng DN thành lập mới (chỉ sau lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy…).

Kết quả điều tra cho thấy, có trên 11,3% hộ kinh doanh có quy mô từ 10 lao động trở lên (đáp ứng điều kiện quy định của Luật DN) nhưng vẫn chưa đăng ký thành lập DN theo quy định tại Luật DN. Tuy nhiên, chỉ có 5,63% hộ kinh doanh được điều tra dự kiến sẽ chuyển sang các loại hình DN theo quy định tại Luật DN.

Xét ở khía cạnh quy mô vốn, tỷ lệ hộ kinh doanh có quy mô từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng dự kiến chuyển thành DN cao hơn so với hộ kinh doanh có quy mô từ 1 - 5 tỷ đồng với tỷ lệ tương ứng là 13,21% và 8,7%. Số lượng và tỷ trọng các hộ kinh doanh không “mặn mà” với việc chuyển sang hoạt động dưới hình thức DN, do một số nguyên nhân sau:

- Mặc dù trên lý thuyết mỗi hình thức tổ chức kinh doanh có lợi thế riêng, nhưng ở điều kiện của Việt Nam, các hộ kinh doanh hiện nay đang có nhiều lợi thế hơn so với các DN ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là ở khía cạnh chi phí tuân thủ, gánh nặng thuế, chịu sự nhũng nhiễu.

- Việc triển khai quy định của Luật DN về việc hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải thành lập DN chưa hiệu lực, hiệu quả. Chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh để quy định này phát huy hiệu lực, hiệu quả.

- Các chính sách hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN chưa phát huy hiệu quả, vẫn mang tính dàn trải và chưa hấp dẫn các hộ kinh doanh.

- Các hỗ trợ đối với khu vực DN, đặc biệt là các DNNVV còn hạn chế. Điều này làm giảm đi đáng kể sự hấp dẫn của việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang hoạt động dưới hình thức DN.

Một số khó khăn, hạn chế trong triển khai các chính sách chính thức hóa kinh doanh

Mặc dù, các quy định liên quan đến chính thức hóa kinh doanh đã được ban hành khá đầy đủ, cụ thể song việc khuyến khích và hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển thành DN vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể như sau:

- Đối với quy định bắt buộc các hộ kinh doanh phải chuyển thành DN, đăng ký hoạt động theo Luật DN nếu sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên vẫn khó khả thi trên thực tiễn. Các hộ kinh doanh có nhiều cách để đối phó với quy định này để tránh phải đăng ký thành lập DN kể cả khi họ sử dụng số lượng lao động lớn hơn nhiều so với số lượng tối đa cho phép là 10 người. Trong khi đó, thiếu các chế tài cụ thể, hiệu quả để xử phạt đối với các vi phạm đối với trường hợp hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên nhưng không đăng ký thành lập DN theo quy định của Luật.

- Ở khía cạnh hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh chuyển thành DN: Có những hộ kinh doanh khi chuyển sang hoạt động theo các hình thức DN, sau một thời gian hoạt động lại chuyển về hình thức hộ kinh doanh. Mặc dù, dưới hình thức DN sẽ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn lực, mở rộng thị trường, nhưng các lợi thế về chính sách thuế, về chi phí tuân thủ, về thanh tra, kiểm tra… vẫn là những lợi thế dễ nhận thấy và thiết thực hơn với không ít hộ kinh doanh.

- Trước khi Nghị định số 108/2018/NĐ-CP được ban hành, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN phức tạp, các hộ kinh doanh không được chuyển đổi trực tiếp mà phải giải thể trước khi thành lập DN. Bên cạnh đó, vấn đề về kế thừa quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh sau khi chuyển thành DN không rõ ràng, cụ thể nên gây những khó khăn không nhỏ khi hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành DN.

- Phần lớn các hộ kinh doanh, thậm chí cả những hộ kinh doanh có quy mô lớn vẫn quen với tập quán kinh doanh gia đình nên ngại thay đổi. Do vậy, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ dường như ít có tác dụng đối với phần lớn các hộ kinh doanh nếu họ chưa thực sư mong muốn và thấy được sự cần thiết của việc chuyển đổi từ hình thức hộ kinh doanh sang hình thức DN.

Một số khuyến nghị

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên về chính thức hóa kinh doanh theo Luật DN trong thời gian tới cần triển khai một số giải pháp sau:

- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật chính thức hóa kinh doanh, trong đó cần nghiên cứu sửa quy định liên quan đến các hình thức kinh doanh cho phù hợp với điều kiện hiện nay; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về phân loại các hình thức tổ chức kinh doanh để có quy định phù hợp.

- Triển khai có hiệu quả các quy định liên quan đến khuyến khích, hỗ trợ đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình DN.

- Hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh như thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, chế độ kế toán… Xem xét, nghiên cứu để điều chỉnh theo hướng các quy định đối với các tổ chức kinh doanh cơ bản được phân biệt dựa theo tính chất của hoạt động không dựa trên hình thức tổ chức kinh doanh.

- Đảm bảo công khai, minh bạch, đặc biệt trong công tác quản lý thuế: Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, địa bàn, số lượng lao động... Xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán, chuyển sang thu thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh.

- Tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục nộp thuế, chế độ kế toán, quy định về hóa đơn bán hàng, đặc biệt là xây dựng các mẫu biểu; Hướng dẫn cụ thể, đơn giản để áp dụng cho các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc quản lý hoạt động kinh doanh.

- Tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền về những lợi thế, những cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, khả năng đóng góp cho cộng đồng và xã hội khi tổ chức hoạt động kinh doanh dưới hình thức DN.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (2016), Kết quả điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp giai đoạn 2005 - 2015, NXB Thống kê, Hà Nội;
  2. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2017), Báo cáo nghiên cứu “chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách, NXB Hồng Đức, Hà Nội;
  3. Luật DN số 13/1999/QH10, số 60/2005/QH11, số 68/2014/QH13;
  4. Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14;
  5. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2015 về đăng ký DN;
  6. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV;
  7. Nghị định số 108/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký DN.