Kiếm bội tiền từ hoạt động dịch vụ

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đang đóng góp lớn vào “bức tranh” lợi nhuận quý I của nhiều ngân hàng.

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng năm 2017 tăng 34,7% so với năm 2016. Nguồn: Internet
Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng năm 2017 tăng 34,7% so với năm 2016. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng năm 2017 tăng 34,7% so với năm 2016. Trong đó, việc tăng phí dịch vụ thanh toán và nguồn thu phí, hoa hồng từ bán bảo hiểm là yếu tố hỗ trợ chính ở một số ngân hàng.

Đột phá lợi nhuận

Năm 2017 có 9 ngân hàng đạt doanh thu từ hoạt động dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng, lần lượt là BIDV với 5.633 tỷ đồng (tăng 19% so với năm 2016), Vietcombank đạt 5.381 tỷ đồng, Techcombank đứng thứ ba với 4.520 tỷ đồng, tiếp đến là VietinBank: 4.302 tỷ đồng, Sacombank: 3.441 tỷ đồng, MBBank: 3.223 tỷ đồng, VPBank: 3.210 tỷ đồng. Còn lại hai ngân hàng top dưới là ACB đạt 1.575 tỷ đồng và SHB là 1.422 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, lãi thuần từ dịch vụ của các ngân hàng này lại có sự xáo trộn lớn. Cụ thể, Techcombank dẫn đầu với 3.812 tỷ đồng, tiếp đến là BIDV: 2.987 tỷ đồng, Sacombank: 2.625 tỷ đồng, Vietcombank: 2.541 tỷ đồng…

Lợi nhuận từ mảng này tiếp tục được duy trì sang quý I/2018, nhiều ngân hàng đã báo cáo lợi nhuận tăng mạnh có sự đóng góp từ mảng dịch vụ.

Theo đó, Vietcombank đạt 6.197 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2017; mảng dịch vụ đạt 881 tỷ đồng lãi thuần, tăng 35,5%. Còn BIDV ghi nhận mức lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 29,8%, đạt 745 tỷ đồng.

Doanh thu của VIB tăng 49% so với cùng kỳ, nhờ thu nhập lãi thuần tăng 52% và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 125%. VPBank thu lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 314 tỷ đồng.

Nếu như trong năm 2017, lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ của Techcombank tăng mạnh thì quý I năm nay giảm 10,1% xuống còn 491 tỷ đồng.

Có thể nói, những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã coi doanh thu từ hoạt động dịch vụ là một trong ba trụ cột (bán lẻ, kinh doanh vốn và dịch vụ) tập trung phát triển, vì nguồn thu này luôn ổn định và an toàn hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Nên cẩn trọng với tăng phí

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng tăng tỷ trọng thu phí từ dịch vụ trong tổng thu nhập là hướng đi đúng nhằm giảm rủi ro lệ thuộc vào tín dụng. Ngoài ra, đây cũng là nguồn chính để ngân hàng bù đắp vào chi phí đã đầu tư.

Tuy vậy, hiện nay, nhiều ngân hàng “đẻ” ra quá nhiều loại phí để tận thu, song chất lượng dịch vụ, tiện ích và bảo mật lại không tương xứng khiến người tiêu dùng bức xúc.

Hàng loạt vụ bốc hơi tiền gửi trong tài khoản gần đây xảy ra ở Agribank, Sacombank, Viecombank… chưa giảm thì mới đây, một số nhà băng tiếp tục tăng phí và áp dụng nhiều loại phí mới.

Hiện nay, trung bình mỗi chủ thẻ ngân hàng phải chịu 15 – 20 loại phí, trong đó có nhiều phí chồng chéo như phí duy trì tài khoản, phí truy vấn thông tin hay in sao kê… Đây lẽ ra là những dịch vụ đương nhiên khách hàng được hưởng.

Phí quá nhiều loại nên dù số tiền mỗi loại không nhiều nhưng khi người dùng sử dụng thường xuyên cũng tốn chi phí đáng kể và dễ gây bức xúc.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thu phí cao nhưng chất lượng dịch vụ lại không tương xứng sẽ khó giữ chân khách hàng.

“Việc ngân hàng bỏ ra chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ là cần thiết nhằm cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt, song không nên dồn dập thu phí ngay, nên áp dụng nguyên tắc từ từ. Có thể sẽ tốn kém thời gian đầu, song ngân hàng sẽ có được nhiều lợi thế khi thu hút khách hàng, dần dần đem về nguồn thu lớn trong tương lai”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng ngân hàng nên khai thác mạnh ở mảng bảo hiểm để mang lại nguồn thu dịch vụ lớn cho mình. “Cơ hội bán chéo các sản phẩm như bảo hiểm trong nội bộ khách hàng của các ngân hàng là rất rộng mở”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.

Thực tế, kênh dịch vụ này đang dần đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của các nhà băng và đã mang lại doanh thu đáng kể. Tại Đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo VIB khẳng định doanh số riêng tháng 3/2018 của mảng liên kết bán bảo hiểm (bancassurance) đạt 30% kế hoạch.