Kiểm soát tốt chi phí

ThS Bùi Văn Trường (Trường Đại học Kinh tế TPHCM)

Đây là giải pháp sống còn đối với các doanh nghiệp nước ta trong giai đoạn khó khăn hiện nay để giảm giá bán nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu.

Gói tài chính kích cầu 17.000 tỉ đồng của Chính phủ được sử dụng chủ yếu là bù lãi vay vốn ngắn hạn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Vì thế, muốn tăng tiêu thụ sản phẩm, các DN đừng nên chỉ trông chờ vào những chính sách kích cầu của Chính phủ mà phải chủ động tạo biện pháp kích cầu cho toàn xã hội, làm tăng khả năng thanh toán. Một biện pháp khả thi là DN phải điều chỉnh giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng trong nước và tạo lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu.

Theo dõi chặt các nguồn lực


Để giảm được giá bán, yêu cầu bức bách là DN phải kiểm soát tốt chi phí. Để có chi phí hợp lý cần có những biện pháp kiểm soát của nhà quản trị, không phải chỉ là cắt giảm chi phí mà phải tùy thuộc đặc điểm vận động của từng chi phí để có biện pháp kiểm soát thích hợp.

Trước tiên, các DN có thuận lợi lớn là giảm được chi phí tài chính từ chính sách kích cầu của Chính phủ, bù lãi suất vay vốn ngắn hạn 4%. Hơn nữa, lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm hơn 10% so với thời kỳ cực điểm lạm phát và cũng giảm hơn so với thời kỳ trước lạm phát nên DN có một khoản giảm chi phí rất đáng kể. Tuy nhiên, phải nhớ rằng khoản giảm chi phí do Chính phủ bù lãi vay chỉ trong 8 tháng nên DN cần phải tính toán sử dụng vốn thật tiết kiệm, phải tạo được liên kết chặt chẽ giữa nhà cung cấp - DN - khách hàng nhằm tránh ứ đọng vốn trong dự trữ, hạn chế bị chiếm dụng với chính sách tín dụng thương mại phù hợp, đồng thời phải chọn những nhà cung cấp có chính sách tín dụng thương mại tốt để giảm bớt nhu cầu vốn.

Ngoài ra, DN cần chú trọng tăng cường những biện pháp kiểm soát để có chi phí của các nguồn lực được thấp nhất. Kiểm soát giá mua các nguồn lực cần phải có cơ sở chi phí hình thành giá bán, thông qua bảng báo giá từ những nhà cung cấp với đầy đủ chi tiết từng loại chi phí sản xuất, bán hàng, quản lý (khả biến, bất biến), lợi nhuận, thuế theo yêu cầu của DN.

Trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện giải pháp này ở một DN, cung cấp bảng báo giá theo nội dung yêu cầu của tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia đấu giá cung cấp nguyên liệu cho họ. Trên cơ sở các bảng báo giá, DN chọn được mức giá trần để tiến hành đấu giá. Các nguồn lực cũng cần phải tính toán lại loại nào nên sản xuất, loại nào nên mua chứ không phải loại nào cũng sản xuất theo chu trình sản xuất khép kín, từ đó sắp xếp lại cơ cấu tổ chức sản xuất sao cho chi phí tạo ra các nguồn lực thấp nhất.

Kiểm soát sử dụng nguồn lực cần phải kiểm soát trước và trong khi tiến hành sản xuất - kinh doanh và phải chấn chỉnh ngay trong sản xuất - kinh doanh khi có bất lợi về lượng sử dụng để tránh thiệt hại lâu dài, chi phí cao. Hiện nay, các DN thực hiện kiểm soát trước sản xuất - kinh doanh nhưng sau một thời gian (tối thiểu một tháng) mới biết được bất lợi nên bị thiệt hại nhiều. DN cần phải thay đổi biện pháp kiểm soát “chậm” này bằng kiểm soát “nhanh” ngay trong sản xuất - kinh doanh. Mỗi lệnh sản xuất thực hiện phải biết ngay lượng sử dụng thuận lợi hay bất lợi để kiểm soát cho lệnh sản xuất tiếp theo. Cách làm này, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN đã thực hiện, có cả phần mềm thương phẩm.


Phải hiểu đúng từng loại chi phí


Kiểm soát chi phí theo đặc điểm vận động của chi phí có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng chưa được DN ở ta quan tâm. Với chi phí có tính khả biến, cần định mức chi phí cho từng đơn vị sản phẩm hay từng mức hoạt động, như chi phí nguyên liệu trực tiếp, tiền lương công nhân... Chi phí có tính bất biến lại là chi phí có tỉ trọng lớn thì chưa kiểm soát tốt nên lãng phí khá nhiều. Chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí hành chính... có tính bất biến, có quan điểm cho rằng không tiết kiệm được. Cách nghĩ này là sai lầm trong kiểm soát chi phí. Các DN đầu tư nhiều cơ sở, phân tán nhiều nơi, phải chăng không hao tốn chi phí quản lý hơn tập trung ở một nơi? Đầu tư tài sản cố định không tính đến công suất sử dụng cao đạt được thì sao không lãng phí chi phí? Trả lương (theo thời gian) thấp cho nhân viên quản lý nhưng vì năng lực kém nên người phải đông, tốn kém chi phí hơn là trả lương cao cho một nhóm ít người hơn nhưng có năng lực tốt hơn. Cụ thể, trả lương cho 10 nhân viên kế toán, mỗi người 2 triệu đồng/tháng, tổng chi phí 20 triệu đồng, nhưng nếu giảm còn 7 nhân viên kế toán giỏi (cũng hoàn thành tốt công việc kế toán), trả lương mỗi người 2,5 triệu đồng/tháng, tổng chi phí chỉ là 17,5 triệu đồng, như thế chi phí bất biến không tiết kiệm được sao?

Hay ngay cả chi phí khấu hao tài sản cố định cũng có thể tiết kiệm được, song thực tế thì ngược lại. Trong hai lớp đào tạo đại học văn bằng thứ hai do Tập đoàn Dệt may VN liên kết với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, trả lời thắc mắc của chúng tôi tại sao DN may gia công cho nước ngoài không sản xuất thêm hàng để bán trong nước khi máy chưa sử dụng hết công suất cho gia công, các cán bộ quản lý đều cho rằng có làm nhưng bị lỗ nên phải ngưng, DN tính đầy đủ chi phí nên chi phí cao. Đây là một cách kiểm soát “tính đúng tính đủ” chi phí dẫn đến sai lầm, vì khi máy không sản xuất thêm hàng để bán trong nước, vẫn phải tính chi phí khấu hao cho hàng gia công. Như vậy, khi sản xuất thêm hàng để bán trong nước không cần phải tính chi phí khấu hao (và các chi phí bất biến khác) thì chắc chắn giá bán phải cao hơn chi phí khả biến phát sinh thêm của hàng bán trong nước, không tăng thêm hiệu quả - tiết kiệm chi phí đó sao?