Kinh doanh mùa dịch: Khi online cũng... 'ế'

Theo Minh Khuê/thoibaokinhdoanh.vn

Đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát tại Việt Nam khiến nhiều lĩnh vực kinh tế, dịch vụ kinh doanh một lần nữa lao đao tìm cách để tồn tại. Khó khăn nhất phải kể đến dịch vụ kinh doanh ăn uống khi đang chịu cảnh ế ẩm, vắng bóng thực khách.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo quan sát tại một số tuyến phố vốn sầm uất tại Hà Nội như Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Giảng Võ..., đặc biệt là khu vực phố cổ, tình hình kinh doanh các mặt hàng ăn uống có sự thay đổi rõ rệt. Đường phố thưa thớt người qua lại, vỉa hè thông thoáng, nhiều cửa hàng đóng cửa với dòng thông báo “Tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19”.

Thực tế này xuất phát từ chỉ thị của UBND thành phố tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh đông người, từ quán bar, karaoke đến hàng quán vỉa hè ngồi gần nhau đều phải tạm thời đóng cửa. Các loại hình kinh doanh khác như nhà hàng, quán ăn… vẫn được mở cửa bình thường nhưng phải thực hiện giãn cách theo yêu cầu.

Chưa kịp hồi phục, "sóng" lại đến

Sau hơn 2 tháng được mở cửa trở lại, các hoạt động kinh doanh mới chỉ bắt đầu phục hồi thì nhiều chủ cửa hàng lại phải tiếp tục đối mặt với bài toán doanh thu, tiền thuê mặt bằng, khuyến mại kích cầu... để có thể “sống sót” qua làn sóng dịch bệnh thứ hai đang có diễn biến khá phức tạp hiện nay.

Thực tế, dù không thuộc diện tạm dừng hoạt động, vẫn được mở cửa đón khách nhưng tại hầu hết các cửa hàng ăn uống, lượng khách hàng đã giảm đi trông thấy, thậm chí có nơi cả ngày chỉ phục vụ một bàn khách 4 người.

Anh Hoàng Nam - chủ một nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ, lo ngại dịch bệnh khiến người dân hạn chế ra đường nên hoạt động ăn uống gần như mất hẳn doanh thu. Để có tiền trang trải các chi phí, cửa hàng đã mở rộng kinh doanh online, giao hàng tại nhà, nhưng doanh thu một tuần nay vẫn giảm đáng kể.

Kinh doanh mùa dịch: Khi online cũng... 'ế' - Ảnh 1

Phố Tạ Hiện - tụ điểm ăn uống của giới trẻ Hà Nội vắng vẻ vì dịch bệnh.

Thực tế, để tiêu thụ hàng hóa những ngày qua, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà phê… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn, giao hàng đến tận nhà cho khách, nhưng có vẻ như đã không còn được hiệu quả như lần trước.

Chị Đặng Ngọc Diệp - chủ quán cà phê trên phố Nguyễn Thượng Hiền cho biết, đợt dịch trước mỗi ngày chị nhận được trung bình 60 - 70 đơn hàng, cửa hàng thậm chí phải thuê thêm người làm và giao hàng để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, đợt này không được 1/3, trong khi lượng khách đến cửa hàng cũng giảm mạnh.

“Kinh doanh mùa dịch chỉ có chi phí là vẫn “phát triển” đều. Nhiều anh chị em kinh doanh cùng lĩnh vực với tôi đã phải sang nhượng cửa hàng vì vừa mới gồng gánh qua đợt giãn cách xã hội chưa kịp hồi phục thì lại tiếp tục dịch bệnh khiến họ chán nản, kiệt quệ”, chị Diệp chia sẻ.

Trên một diễn đàn với hơn 96.000 thành viên tham gia đều là chủ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, không khó để bắt gặp những hình ảnh, bài đăng liên quan đến chuyển nhượng cửa hàng, thanh lý đồ, hay những topic chia sẻ về sự chán nản với tình hình kinh doanh trong gần nửa tháng qua. Trong khi chỉ cách đây vài tháng, bên cạnh những ý kiến về dịch bệnh còn là các chia sẻ “khoe” hóa đơn online.

Tâm lý người tiêu dùng đã khác?

Theo khảo sát mới nhất của Nielsen Vietnam, đại dịch Covid-19 khiến hơn 50% người Việt không còn muốn đến những cửa hàng truyền thống để mua sắm và 25% giảm thiểu thói quen tiêu thụ bên ngoài.

Chỉ nói riêng về lĩnh vực đặt đồ ăn online, thống kê của Nielsen cho thấy có đến 62% khách hàng Việt Nam cho rằng muốn mua đồ về nhà ăn hơn, cùng với 19.000 đơn vị kinh doanh nhà hàng quán ăn tham gia vào mạng lưới vận chuyển thực phẩm.

Tuy nhiên, dù mua hàng online khá thuận lợi cho người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến khó lường nhưng chính từ hoạt động này lại nảy sinh tiêu cực vì không ít cá nhân đã lợi dụng ưu điểm đó để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chị Hoàng Oanh (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết: “Đợt giãn cách xã hội, tôi có đặt mua chè dừa dầm và cà phê cốt dừa - món ăn nổi tiếng của Hải Phòng của một bạn trên Facebook có khá nhiều phản hồi tốt, nhưng kết quả nhận được là cả 6 cốc đồ uống đều đã bị chua hỏng do để lâu ngày. Sau mới biết, phản hồi tốt cũng có thể làm giả và mua được, nên cạch luôn mua đồ ăn online”.

Tương tự, chị Thu Hà - nhân viên văn phòng chia sẻ: "Trước đây, tôi và các anh chị em đồng nghiệp hay gọi đồ ăn trưa ở ngoài, nhưng sau một vài bài học mua hàng online thời gian vừa qua, mọi người đều chuyển sang mang đồ ăn ở nhà đến công ty, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo vệ sinh".

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, khi mua thực phẩm theo hình thức online, khách hàng phải đối mặt với rủi ro cao về vệ sinh an toàn thực phẩm bởi chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng.

Hơn nữa, theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến thu nhập của người lao động giảm 5,1%, lực lượng lao động giảm trên 2 triệu người so với quý I/2020, là mức giảm kỷ lục trong 10 năm qua.

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê dân số và lao động, từ nay đến cuối năm, số lao động mất việc có khả năng còn tăng nếu các giải pháp thúc đẩy hoạt động kinh doanh không được thực hiện quyết liệt.

Từ những nhận định trên có thể thấy, tác động của đại dịch đang ngấm dần vào “túi tiền” của người dân, thắt chặt chi tiêu có thể là xu hướng chính trong thời gian tới. Do đó, kể cả mua hàng online hay truyền thống, đối với từng quyết định mua bán đều là một sự cân nhắc kỹ càng.