Kinh doanh trên nền tảng di động ở Việt Nam và một số khuyến nghị

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2019

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và xu thế phát triển của kinh tế số hiện nay, kinh doanh trên nền tảng di động đang trở thành xu thế chung trên thế giới. Mặc dù có rất nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh trên nền tảng di động tại Việt Nam, song đến nay kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Bài viết trao đổi về xu thế kinh doanh trên nền tảng di động, nhận diện những hạn chế, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy và tận dụng hiệu quả phương thức kinh doanh này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xu thế kinh doanh trên nền tảng di động

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2019 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), với xuất phát điểm thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 đã đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Dự báo, nếu tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì quy mô thị trường sẽ chạm mức 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020. Theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Kinh doanh trên nền tảng di động ở Việt Nam và một số khuyến nghị - Ảnh 1

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nói chung và thương mại điện tử nói riêng, ngày nay xu hướng đa kênh, đa nền tảng mới là tâm điểm thu hút doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, người tiêu dùng thông minh đang thay đổi cách thức tìm kiếm và mua sắm khi chuyển từ mua sắm truyền thống sang trải nghiệm phương thức mua sắm mới tiện dụng hơn. Trong đó, kinh doanh trên nền tảng di động đang trở thành xu thế chính trong bối cảnh bùng nổ của công nghệ thông tin và kinh tế số.

Kinh doanh trên nền tảng di động ở Việt Nam và một số khuyến nghị - Ảnh 2

Kinh doanh trên nền tảng di động là một xu thế tất yếu khi các công nghệ về ứng dụng di động phát triển, điện thoại thông minh ngày càng có màn hình lớn hơn, chế độ bảo mật tốt hơn… Thêm vào đó, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Pinterest… cũng đã bổ sung thêm nhiều tiện ích mới như các nút “thích”, “mua”… Các tiện ích này góp phần cổ vũ người sử dụng mua sắm nhiều hơn, thoải mái hơn khi họ đang lướt internet. Theo các chuyên gia công nghệ, xu thế kinh doanh trên nền tảng di động tại Việt Nam có điều kiện phát triển và ngày càng phổ biến bởi 2 lý do sau:

Dự báo, nếu tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì quy mô thị trường sẽ chạm mức 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020.

Một là, nền tảng kinh doanh di động chứng minh được tính hữu ích của chúng khi lượng người sử dụng ngày càng nhiều hơn. Các doanh nghiệp đang chuyển hướng này để chuyển hướng, xây dựng mới hoặc tối ưu hóa các trang web thương mại phù hợp với thiết bị di động.

Hai là, giới trẻ ngày nay có thói quen kết nối internet, sử dụng điện thoại, máy tính bảng để xem hàng, mua hàng và ít tới cửa hàng bán lẻ… nên việc đầu tư kênh bán hàng di động sẽ hiệu quả hơn. Điện thoại thông minh trở thành công cụ quan trọng trong môi trường mạng điện thoại di động truyền tải thông tin đến người tiêu dùng nhanh chóng hơn so với trên các thiết bị cố định, như máy tính cá nhân.

Thực tế cho thấy, theo thống kê, số lượt truy cập trên hệ thống hơn 33.000 trang web khách hàng của Sapo Web năm 2018 tại Việt Nam thì có tới hơn 60% số lượt truy cập vào trang web là từ thiết bị di động, tăng 5% so với năm 2017. Còn ở Lazada, số lượng người mua sắm qua ứng dụng di động đến cuối năm 2018 đã tăng 60% so với hồi đầu năm và số lượng đơn hàng từ ứng dụng di động chiếm 70% tổng đơn hàng của Lazada.

Các khảo sát cũng cho thấy, khoảng 70% lượng thời gian trực tuyến của người tiêu dùng là qua thiết bị di động và cứ hai lần mua sắm trực tuyến thì có một lần đặt qua điện thoại. Do đó, nếu nền tảng thanh toán trên di động được xây dựng bắt mắt và tiện lợi, số lượng khách hàng mua sắm qua di động có khả năng sẽ tăng nhanh hơn so với hiện nay, từ đó tạo nên sức hấp dẫn đối với phương thức kinh doanh này.

Khó khăn, thách thức của hoạt động kinh doanh trên nền tảng di động

Theo khảo sát của VECOM, việc ứng dụng tốt các nền tảng di động vẫn chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp lớn có quy mô, chiến lược và nguồn lực. Xét về tổng thể chung trong cả nước thì đa số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi này.

Kinh doanh trên nền tảng di động ở Việt Nam và một số khuyến nghị - Ảnh 3

Kết quả khảo sát chung trong cả nước cũng cho thấy, năm 2018 có khoảng 17% doanh nghiệp cho biết có website phiên bản di động, tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệnh nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây. Tương tự, với tỷ lệ doanh nghiệp có website phiên bản di động, tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14% và không có sự thay đổi nhiều so với các năm trước.

Kinh doanh trên nền tảng di động ở Việt Nam và một số khuyến nghị - Ảnh 4

Bên cạnh đó, 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát có ứng dụng bán hàng trên nền tảng di động cho biết, Android vẫn là nền tảng họ quan tâm đầu tư phát triển ứng dụng bán hàng nhiều nhất, tiếp sau đó là IOS (45%) và Windows (45%), các số liệu này cũng tương đồng với tỷ lệ của năm 2017 (Android: 71%, IOS: 43% và Windows: 40%). Đáng chú ý, thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập website thương mại điện tử phiên bản di động hoặc ứng dụng bán hàng năm 2018 vẫn chưa cao. Điều này phản ánh mức độ hấp dẫn, cũng như tính tiện dụng của các phiên bản di động chưa thực sự thu hút được khách hàng. Theo đó, có 18% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết thời gian trung bình lưu lại trên 20 phút, đa số khách hàng vẫn truy cập từ 5 - 10 phút (chiếm 39%) và dưới 5 phút (chiếm 28%).

Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát có website phiên bản di động hoặc ứng dụng di động, có 43% doanh nghiệp cho phép người mua thực hiện toàn bộ quy trình mua sắm trên thiết bị di động; 31% doanh nghiệp cho biết, có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa/dịch vụ và 45% doanh nghiệp cho biết có nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Các chỉ số này không có sự thay đổi nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp đang đánh mất doanh số bán hàng chỉ vì chưa chú trọng tới việc cải thiện sự trải nghiệm mua sắm của khách hàng, làm qua quýt khâu tối ưu hóa việc chuyển đổi trên di động.

Theo VECOM, hiện nay khuôn khổ pháp lý đối với các hình thức kinh doanh thời đại số, trong đó có kinh doanh trên nền tảng di động vẫn chưa được hoàn thiện và đầy đủ. Chẳng hạn: Ở Việt Nam hiện nay đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng; các quy định hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin... Tuy nhiên, tình trạng thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật vẫn diễn ra phổ biến, làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có kinh doanh trên nền tảng di động.

Giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng di động ở Việt Nam

Để tận dụng hiệu quả phương thức kinh doanh trên nền tảng di động ở Việt Nam, thời gian tới, cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến thương mại điện tử, đặc biệt là các quy định liên quan đến kinh doanh qua mạng xã hội, qua nền tảng di động.

- Có giải pháp để đánh thuế hiệu quả, hợp lý đúng với loại hình kinh doanh trên nền tảng di động, bởi hiện nay nguồn thuế đóng góp từ phương thức kinh doanh này chưa phản ánh đúng thực tế.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ am hiểu về các mô hình kinh doanh hiện đại, pháp luật về kinh doanh, có trình độ cao về công nghệ thông tin. Có thể thấy, trong nền kinh tế số, xuất hiện thêm rất nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ. Trong khi đó, cơ quan quản lý vẫn còn lúng túng chưa tìm ra được cách thức quản lý hiệu quả. Việc tăng cường đào tạo, tập huấn và xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ cũng phần nào giải quyết hiệu quả bài toán này.

Về phía doanh nghiệp

- Cần bám sát những xu hướng thương mại di động mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.

- Thấu hiểu hành vi của người tiêu dùng, áp dụng công nghệ di động mới để gia tăng việc tiếp thị, quảng cáo đúng đối tượng và bán hàng được hiệu quả.

- Tăng cường đầu tư nền tảng công nghệ cho kinh doanh trên nền tảng di động.            

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2013), Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về thương mại điện tử;

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2019), Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2019;

Minh Chí (2019), Thương mại di động lên ngôi, Thời báo kinh tế Sài Gòn;

Hiền Mai (2017), Kinh doanh trên nền tảng di động tại Việt Nam chưa xứng tiềm năng, VnMedia.vn.