Kinh doanh trực tuyến đẩy nhu cầu văn phòng linh hoạt tăng cao

Theo Hoàng Anh/bizlive.vn

Kinh doanh trực tuyến của khu vực Đông Nam Á có thể đạt giá trị hơn 200 tỷ USD vào năm 2025, kéo theo đó là nhu cầu về văn phòng cho lĩnh vực này tăng cao.

Kinh doanh trực tuyến của khu vực Đông Nam Á có thể đạt giá trị hơn 200 tỷ USD vào năm 2025.
Kinh doanh trực tuyến của khu vực Đông Nam Á có thể đạt giá trị hơn 200 tỷ USD vào năm 2025.
Lĩnh vực công nghệ sẽ lấp đầy 25% diện tích văn phòng tại Đông Nam Á vào năm 2030
Theo báo cáo của JLL tại “Lĩnh vực công nghệ thay đổi Đông Nam Á”, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh doanh trực tuyến tại Đông Nam Á, JLL dự báo các tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục tìm thuê văn phòng và sẽ lấp đầy 15-25% tổng sàn văn phòng hàng năm trong thập kỷ tới, so với mức 5-10% của ba năm trước.
Chỉ số kinh tế của các thị trường khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ tăng 5% mỗi năm cho đến năm 2020, cao hơn so với toàn cầu là 3,5%. Kinh doanh trực tuyến của khu vực có thể đạt giá trị hơn 200 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, thương mại điện tử là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, ngành thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng 30% trong khoảng 5 đến 10 năm tới, đạt 88 tỷ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu của Google-Temasek.
Khi các công ty kinh doanh trực tuyến mở rộng dấu chân trong khu vực suốt thập kỷ qua, ngành thương mại điện tử nói riêng đã vụt sáng trong hai năm gần đây. Các công ty công nghệ lớn nhất toàn cầu, bao gồm Alibaba, Facebook, Google và Sea hiện đang sở hữu 20.000 m2 đến 50.000 m2 văn phòng tại 3 đến 5 thành phố. Các công ty này cũng đã gia tăng số lượng nhân viên từ 30-50% mỗi năm trong vòng 5 đến 10 năm qua, theo báo cáo của JLL.
Bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Vốn Đông Nam Á của JLL nhận định năm ngoái, ngành công nghệ đã thu hút hơn 6 tỷ USD vốn đầu tư, và lĩnh vực này hứa hẹn sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường văn phòng tăng trưởng đáng kể, dự báo nhu cầu thuê văn phòng sẽ tăng 6% mỗi năm trong bối cảnh GDP tăng khoảng 5%.
Văn phòng linh hoạt tăng 40%/năm
Theo JLL, không gian linh hoạt và văn phòng chia sẻ cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu gia tăng. Phân khúc không gian linh hoạt đã tăng khoảng 40% mỗi năm trong 3 năm qua và hiện đang chiếm 2% tỷ lệ hấp thụ sàn văn phòng trong khu vực, so với mức 0,5% thời điểm 2015. Nhu cầu văn phòng của ngành công nghệ tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu diễn ra tại Jakarta, Bangkok, Manila và TP. Hồ Chí Minh.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại JLL Việt Nam cho biết, tại Việt Nam đang chứng kiến sức nóng về nhu cầu văn phòng của các công ty công nghệ và co-working. Nhu cầu từ các công ty công nghệ và co-working trong 3 năm qua và dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong 5 năm tới.
Xét về phương diện vị trí, các công ty công nghệ thiết lập trụ sở của họ tại khu trung tâm ở Singapore, Jakarta và Manila. Còn ở Kuala Lumpur, nhu cầu lại được dịch chuyển ra rìa trung tâm, nhờ vào kết nối giao thông thuận tiện. Tương tự như vậy tại Bangkok, các công ty này đặt văn phòng dọc theo tuyến tàu điện đi đến trung tâm.
Qua quan sát của JLL, hiện nay tại các thành phố, yếu tố tiên quyết mà các công ty công nghệ hướng đến là khả năng kết nối giao thông, môi trường làm việc tích hợp với mục tiêu sống, vui chơi và làm việc, nhằm khai phá sự sáng tạo của nhân viên.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại JLL Việt Nam: "Giá thuê văn phòng linh hoạt rẻ hơn 5% so với giá thuê văn phòng truyền thống".
Việt Nam đang trở thành điểm đến quan trọng cho các công ty công nghệ, theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại JLL Việt Nam nhận định. Tại TP. Hồ Chí Minh, Alibaba sau khi mua lại Lazada cũng đã trở thành một “ông lớn” có nhu cầu về văn phòng linh hoạt (co-woking) tại thành phố này.
Đối với các công ty công nghệ có 2 lý do để tìm kiếm văn phòng loại này. Thứ nhất, họ không phải bỏ chi phí hoàn thiện văn phòng, văn phòng linh hoạt đã có tất cả. Thứ hai, số lượng nhân sự tăng nhanh, chẳng hạn nhân sự tại “đế chế” Facebook thời điểm 10 năm trước chỉ có 29 người, 10 năm sau đã lên 1.000 người, việc lựa chọn văn phòng linh hoạt là phù hợp nhất. Mô hình này đang ngày càng được lựa chọn ở Đông Nam Á.
Nguồn cung văn phòng linh hoạt tại TP. Hồ Chí Minh thấp hơn các nước trong khu vực nhưng thời gian tới sẽ gia tăng. Nguyên nhân, chỉ số thuận lợi trong kinh doanh ở Việt Nam đã tăng từ thứ hạng 90 lên 68. Việt Nam với chính sách cởi mở, cùng với Luật An ninh mạng và hạ tầng cải thiện sẽ ngày càng thu hút nhà đầu tư ngoại. Việt Nam có điều kiện kinh doanh tốt hơn Indonesia, thậm chí vượt Ấn Độ.
Tỷ suất lợi nhuận của văn phòng linh hoạt khá khó do thị trường này khá mới ở Việt Nam. Wework đang lỗ 100 triệu USD/năm, nhưng trong tương lai sẽ khác, họ tạm thời chấp nhận lỗ. Tại TP.Hồ Chí Minh, có Dreamplex tiên phong trong lĩnh vực này và JLL Việt Nam sẽ làm việc với họ để có con số cụ thể tại Việt Nam.
Hiện tại Đông Nam Á, số lượng văn phòng linh hoạt chiếm 2%, Việt Nam sẽ không lớn hơn con số này. Việt Nam sẽ tăng trưởng 15-16% trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Giá thuê văn phòng linh hoạt khá tương đồng với giá thuê văn phòng truyền thống, nếu tính tất cả chi phí thì giá thuê văn phòng linh hoạt rẻ hơn 5%.