Kinh tế thế giới phục hồi là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành khoáng sản

PV.(thực hiện)

Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, nền kinh tế thế giới đã bộc lộ rõ xu hướng phục hồi bền vững vào quý II năm 2010. Dù bóng đen của khủng hoảng nợ Châu Âu còn ám ảnh và các nền kinh tế lớn còn phải đối mặt với không ít thách thức nhưng quỹ đạo tăng trưởng dường như là tất yếu sau những gì đã xảy ra... Theo ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Tài Nguyên thì đây là cơ hội cho các DN ngành khoáng sản niêm yết trên TTCK.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản, đồng thời là chủ một DN thuộc ngành nghề này, quan điểm của ông về triển vọng của ngành khi kinh tế thế giới đang ngày càng phục hồi bền vững?

            Có thể khẳng định kinh tế thế giới đang phục hồi bền vững là cơ hội lớn với cả nền kinh tế Việt Nam và công đồng DN nói chung. Tại sao tôi lại mở rộng vấn đề bởi khai thác, chế biến khoáng sản hay đầu tư, kinh doanh BĐS hoặc bất cứ ngành nào cũng không thể tách rời môi trường kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Như nhà báo đã thấy, nhờ có môi trường quốc tế thuận lợi hơn mà nửa đầu năm 2010, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những khởi sắc đáng ghi nhận. Lạm phát được kìm chế, lãi suất đang hạ dần, TTCK ổn định, không tăng nóng mà cũng không giảm sâu. Đặc biệt thị trường xuất khẩu rộng mở đã tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cả nước đạt khoảng 6,3% trong quý II/2010 vừa qua và theo dự báo sẽ còn tăng cao hơn trong quý III tới.

          Việc kinh tế thế giới hồi phục vững chắc đã thực sự “chắp cánh” cho các lĩnh vực xuất khẩu thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2010 của Việt Nam đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009. Với riêng ngành khoáng sản thì việc các thị trường thế giới phục hồi, nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho sản xuất đang tăng lên. Tuy chưa thể trở lại đỉnh cao trước khủng hoảng nhưng thị trường và giá cả các sản phẩm khoáng sản đã ổn định hơn rất nhiều. Đây thực sự là cơ hội đối với DN ngành khoáng sản, đặc biệt là các công ty niêm yết trên TTCK hầu hết đều có công nghệ tương đối hiện đại và kỹ năng quản trị khá tiên tiến.

Ông có thể lấy ví dụ một số mặt hàng xuất khẩu và một số thị trường?

            Một trong những sản phẩm khoáng sản xuất khẩu của Tài Nguyên hiện nay là chì tinh chế. Giá chì được dự báo cuối năm 2010 sẽ tăng nhờ nhu cầu cao từ phía các nhà sản xuất ôtô và pin, ắc quy đặc biệt là hai thị trường chủ lực Trung Quốc và ấn Độ. Đây nhiều khả năng sẽ là một năm đầy khả quan với mặt hàng chì khi các nền kinh tế mới nổi mang lại nhiều niềm tin cho các ngành công nghiệp. Một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho giá kim loại cơ bản trong năm nay là nhu cầu được cải thiện từ phía các nhà máy và những người tiêu dùng cuối cùng. Với chì, doanh số bán ôtô, pin và ắc quy tăng sẽ khuyến khích các nhà nhập khẩu Trung Quốc và ấn Độ tìm đến mặt hàng này nhiều hơn. Do đó, từ mức giao động 1.700 - 1.800 USD/tấn hồi giữa năm 2009, giá chì đã liên tục tăng và hiện ổn định ở mức 2.200 - 2.300 USD/tấn. Tương tự, sản phẩm kẽm xuất khẩu cũng khả quan không kém. Với thị trường titan, dù hiện tại đang có một số khó khăn những theo tôi chỉ là nhất thời. Trong tương lai, triển vọng của DN khai thác titan vẫn sẽ sáng sủa.

Ông có thể nói rõ hơn về các dự án khoáng sản của Tài Nguyên?

Hiện nay Tài Nguyên đang là chủ đầu tư một dự án khai chì, kẽm khá lớn ở Tuần Giáo, Điện Biên. Năm 2008, chúng tôi đã xây dựng một nhà máy chế biến chì kẽm khá hiện đại trên một diện tích 30,26 héc-ta (tổng diện tích khai thác 65 héc-ta) và hiện đã đi vào hoạt động ổn định. Dù mới đầu tư dự án vào dự án trên 41 tỷ đồng nhưng triển vọng của dự án này là rất lớn bởi theo đánh giá ban đầu, tổng trữ lượng của mỏ lên tới gần 1,6 triệu tấn quặng. Do vậy, chúng tôi đặt kế hoạch khai thác ổn định và lâu dài trong vòng 18 năm (từ 2008 đến 2026) kỳ vọng sẽ đem lại doanh thu và lợi nhuận đều đặn, ổn định cho Tài Nguyên. Ngoài ra, Tài Nguyên đang triển khai dự án khai thác titan 10ha tại huyện Phù Mỹ, Bình Định, thời gian khai thác dự kiến là 3 năm, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 450.000 m3 cát quặng, tương đương 9.000 tấn titan và đang tiến hành thăm dò titan với diện tích xấp xỉ 100 héc-ta khu vực cạnh đó. Từ năm 2009, dự án này đã bắt đầu cho lợi nhuận.

Xin hỏi ông một câu tế nhị, quan điểm của ông như thế nào về Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Khoáng sản vừa được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 6 vừa qua?

Với góc nhìn của một luật sư, tôi hoàn toàn ủng hộ các nội dung của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản bởi đúng là đã đến lúc chúng ta cần phải nâng hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản lên một tầm cao mới, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô nhằm đem lại lợi ích lớn hơn cho đất nước nói chung và mỗi DN nói riêng.

Vậy còn dưới góc nhìn của một doanh nhân lãnh đạo DN có ngành nghề thuộc diện quản lý?

Tôi cũng không thấy có điều gì mâu thuẫn ở đây bởi mục tiêu của Tài Nguyên là "Hiệu quả - Bền vững" cho cả cộng đồng, cho DN và các nhà đầu tư. Bởi vậy, việc Luật Khoáng sản được bổ sung, hoàn thiện sẽ tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho các cơ quan quản lý và DN, khắc phục tình trạng khai thác lậu, quặng thổ phỉ và đây sẽ là cơ hội cho các DN ngành khoáng sản hoạt động bài bản, cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, việc thông qua các nội dung bổ sung của Dự Luật này đặt ra yêu cầu không ngừng đổi mới công nghệ khai thác, chế biến, điều mà Tài Nguyên cũng đã và đang hướng tới và quyết tâm thực hiện.

Xin hỏi ông một câu cuối cùng: Nếu có các đối tác trong và ngoài nước đặt vấn đề hợp tác tham gia khai thác khoáng sản cùng với Tài Nguyên tại các dự án đang triển khai, ông sẽ nói sao?

Xin sẵn sàng. Tài Nguyên lúc nào cũng mở rộng cửa với các đối tác. Tài Nguyên sẵn sàng bắt tay với các đối tác nếu sự hợp tác dựa trên cơ sở tuân thủ luật pháp, đem lại lợi ích tốt hơn cho cả hai bên và với Tài Nguyên là tối đa hoá lợi ích cho các cổ đông!

                                                                                                    Xin cảm ơn ông!