Luật Doanh nghiệp 2020:

Kỳ vọng mới góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

PV.

Với mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp, cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh, góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được Quốc hội khoá XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020. Những thay đổi tích cực về môi trường pháp lý đầu tư kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Doanh nghiệp 2020 đã tạo ra bước ngoặt mới cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Việc thay đổi một số điều khoản hứa hẹn tạo thuận lợi và mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mới, nhất là trong bối cảnh hiện tại.

Tại Hội thảo “Những điểm mới và những lưu ý cho doanh nghiệp về Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tổ chức mới đây, TS.Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, mục đích cuối cùng của việc sửa đổi luật là tạo môi trường pháp lý thông thoáng, giúp doanh nghiệp Việt tận dụng được những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), hướng tới mục tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam ở top ASEAN 4.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Luật Doanh nghiệp 2020 đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Những điểm mới của luật này cho phép doanh nghiệp được thuận lợi hơn không chỉ trong việc thành lập mà còn trong cả quá trình gia nhập thị trường và nhất là quản trị doanh nghiệp. Thay đổi đầu tiên có thể kể đến ở Luật Doanh nghiệp 2020 đó là về quy định con dấu của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 quy định dấu doanh nghiệp là do cơ quan công an cấp, Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép doanh nghiệp tự làm con dấu, trao toàn bộ quyền cho doanh nghiệp và bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan kinh doanh.

Đồng thời, việc đăng ký kinh doanh cũng trở nên dễ dàng hơn khi có hệ thống đăng ký kinh doanh hoàn toàn qua mạng hoặc đăng ký qua dịch vụ bưu chính. Bên cạnh đó, thay đổi quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2020 là hướng tới nâng cao khả năng quản trị cho doanh nghiệp, thông qua việc sửa đổi một số điều như trách nhiệm của người quản lý, quyền cổ đông, cho phép cổ đông được kiện người quản lý để bảo vệ quyền lợi của mình...

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng nâng cao việc bảo vệ quyền của cổ đông. Theo Luật Doanh nghiệp 2020, đại hội đồng cổ đông có quyền bãi nhiệm kiểm toán viên độc lập và có quyền thay kiểm toán viên khác; Khi cổ đông sở hữu một lượng cổ phần nhất định sẽ có quyền triệu tập cuộc họp…

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao triển vọng của Luật Doanh nghiệp 2020 khi đi vào thực thi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để áp dụng các điều luật sao cho hiệu quả và an toàn, doanh nghiệp cần được hướng dẫn và lưu ý một cách kỹ lưỡng về các điều khoản, hệ quả pháp lý và các rủi ro có thể phát sinh

Ông Tuấn nhận định, một số hạn chế, chồng chéo giữa các luật, thủ tục hành chính rườm rà… vẫn là những điểm cần lưu ý trong thời gian tới cần được xem xét và tháo gỡ để môi trường kinh doanh ngày càng được cải tiến, hoàn thiện hơn.

Theo ông Tuấn, hiện nay còn tồn tại một thực tế là hộ kinh doanh chiếm 30% GDP nhưng vẫn chưa được luật hóa, không được hưởng các chương trình hỗ trợ, ưu đãi. Bên cạnh đó, khoảng cách thực tế giữa luật và thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện, đây là một điểm tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì thế cần cải thiện trong thời gian tới.