Làm gì để cải thiện sức mua hậu Covid-19 ?

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Hàng tồn kho là bài toán cân não hiện nay của các doanh nghiệp (DN) nội địa sau các tác động của dịch Covid-19. Làm gì để cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho là điều mà nhiều DN đang quan tâm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy có tới 57,7% số DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho rằng, thị trường tiêu thụ của họ bị giảm mạnh. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận DN hiện nay.

Lo thị trường tiêu thụ thu hẹp

Xét theo quy mô DN thì có tới 68,1% DN có quy mô lớn và 64,7% DN có quy mô vừa là các nhóm chịu nhiều ảnh hưởng nhất do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. DN không chỉ chịu ảnh hưởng nhiều bởi thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp mà còn do hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Để cải thiện sức mua thì cần thêm chính sách giúp tăng sức cầu
Để cải thiện sức mua thì cần thêm chính sách giúp tăng sức cầu
 

Sức mua hậu Covid-19 tuy có cải thiện nhưng còn ở mức khiêm tốn khiến cho hàng hóa tồn kho của nhiều DN còn rất lớn. Để cải thiện sức mua, giải phóng hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng nội địa trong lúc này, ở TP. Hồ Chí Minh đang có các hoạt động khuyến mãi kéo dài 2 tháng, cho phép người bán giảm 100% giá trị hàng hóa. 

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, điểm nổi bật của các chương trình cải thiện sức mua là tổ chức kết hợp 2 kênh mua sắm truyền thống và thương mại điện tử, hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi lên tới 100%.

Ngoài ra, vào tháng 9 tới đây, để hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ sau thời gian bị thu hẹp vì dịch bệnh, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, nhằm tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa TP. Hồ Chí Minh vào hệ thống phân phối các tỉnh thành và ngược lại.

Ở góc độ DN trong ngành hàng thực phẩm, ông Lương Đăng Sơn, Giám đốc CTCP cung ứng thực phẩm sạch Sài Gòn (SagoFood), cho biết dịch Covid-19 đã tác động nhiều đến sức tiêu thụ hàng hoá của các DN, nhưng người tiêu dùng cũng đã thay đổi, họ dành nhiều thời gian ở nhà nhiều hơn.

Để cải thiện sức mua của người tiêu dùng và tránh tình trạng thu hẹp thị trường, theo ông Sơn, bản thân công ty đang tập trung bán hàng trực tuyến (online) với hơn 2.000 điểm bán online để dễ dàng thu hút người mua ở kênh bán hàng tiện lợi này.

Còn theo ông Đinh Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), ở mảng sản phẩm cá tra mà công ty đang đầu tư lớn, cũng như những DN khác gặp khó đầu ra thị trường xuất khẩu vì dịch bệnh, cho nên công ty hiện đang tự vượt qua khó khăn bằng cách cố gắng tiêu thụ ở thị trường nội địa.

“Để hướng tới người tiêu dùng trong nước thì chúng tôi đang tiếp cận các hệ thống phân phối ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để kích hoạt tiêu dùng trong nước cho sản phẩm cá tra để giải quyết khó khăn cho thị trường xuất khẩu”, ông Tâm nói

Chờ chính sách giúp tăng sức cầu

Theo giới chuyên gia, việc các DN cần phải làm ngay trong lúc này để cải thiện sức mua của người tiêu dùng nội địa là phải tổ chức lại hệ thống phân phối theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Nhất là cần lập chuỗi sản xuất phân phối đi thẳng từ sản xuất tới tiêu dùng tại những thị trường trọng tâm, nhất là ở các thành phố lớn, khu vực đông dân cư.

Nhìn về thị trường tiêu dùng nội địa hậu Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng giải pháp để tăng sức mua cần phải thực hiện một cách kiên quyết và triệt để như những cam kết trong những chính sách đã có rồi. Tức là phải đi gần hơn và tác động một cách trực tiếp, làm cho trạng thái bình thường mới có được cho phần lớn dân cư và DN.

Bởi vì lượng cầu nằm không ở đâu xa mà ở trong chính người dân và DN. Đó là những người tiêu dùng, tiêu thụ hàng hoá sản phẩm của xã hội. Do đó, họ phải có được nguồn tài chính, nguồn thu để có thể tiến tới chi tiêu tốt hơn.

“Chúng ta đã có chính sách hỗ trợ tài chính cho những trường hợp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì việc thực thi chính sách đó phải thật nhanh. Còn với những chính sách cũ đã ưu việt thì cũng phải làm nhanh”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, các chính sách mới cần phải làm để vừa tăng sức cầu vừa tăng kích thích tuần hoàn của chu kỳ kinh tế trong sản xuất tiêu dùng tác động đến nhóm đối tượng là người tiêu dùng và DN sử dụng sản phẩm của DN khác.

Nhóm đối tượng này cần phải có sự tin tưởng ổn định và có khả năng về ngân sách để tiêu thụ sản phẩm, để mua và dùng sản phẩm.

Như vậy, đối với người dân thì phần thuế là một phần trọng điểm mà họ chú ý. Bởi vì, điều mà họ e ngại nhất là phần làm ra đã ít mà thuế thì lại thu nhiều.

Chẳng hạn như mức thuế Giá trị gia tăng (VAT) mà người mua có thể phải đóng từ 5% đến 10%. Vấn đề này rất cần điều chỉnh giảm xuống trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm nhằm tạo điều kiện cho người dân có ngân sách tương đối, có nguồn tài chính để tiêu dùng sản phẩm.

“Còn đối với các DN thì các loại thuế đều phải nên được xem xét và giảm thêm nữa. Đặc biệt là các loại thuế cố định và thuế đánh trên doanh thu, thuế thu nhập DN rất nên xem xét lại”, ông Dũng nói.