Làm gì khi điện, xăng dầu tăng giá?

Theo TBKTSG

Trước khi giá điện, xăng dầu được công bố tăng, doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo ba hướng: hoặc tăng giá bán sản phẩm dịch vụ, hoặc tìm giải pháp để giảm chi phí hay thậm chí phải kết hợp cả hai. Giải pháp nào cũng cần được xem xét cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn dựa vào nội tại của doanh nghiệp và tình hình mới.

Nếu giá xăng dầu tăng

Chính phủ đề ra mục tiêu đến hết Tết Nguyên đán không điều chỉnh giá điện, xăng dầu. Nay Tết đã qua, không sớm thì muộn giá các mặt hàng trên sẽ lần lượt được nâng lên. Bởi thực tế giá xăng thế giới đã vượt ngưỡng 100 đô la Mỹ/thùng (ngày 1-2-2011). Còn với giá điện, tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nói nếu không tăng giá thì sẽ tiếp tục thiếu điện. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng đã đưa ra lộ trình tăng giá điện theo cơ chế thị trường.

Với vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, cơ quan quản lý chức năng chắc chắn sẽ cân nhắc, dự báo các kịch bản có thể xảy ra và có chính sách cụ thể cho từng kịch bản (tỷ lệ tăng giá điện, xăng dầu; các chính sách hỗ trợ một số đối tượng khó khăn, đối tượng chính sách...) nhằm đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế.

Giá điện, xăng dầu tăng tất yếu sẽ đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng theo. Trong đó, ảnh hưởng rõ ràng nhất là các ngành có mức tiêu thụ điện cao như cán thép, sản xuất giấy, sản xuất nhôm, hóa chất, xi măng... Giá xăng dầu tăng còn ảnh hưởng đến chi phí phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp. Giá sản phẩm, dịch vụ tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị phần, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, cũng như xu hướng sử dụng công nghệ trong thời gian tới.

Những doanh nghiệp nào có chiến lược phát triển được xây dựng theo mô hình mở (điều chỉnh, cập nhật liên tục theo sự biến động của môi trường bên ngoài và năng lực bên trong), mô hình quản lý tinh gọn, và mô hình kiểm soát hiệu quả, thì khả năng chịu đựng về biến động giá sẽ rất cao, và đôi khi đây là cơ hội để họ vượt lên dẫn đầu trong ngành, chi phối thị trường.

Chọn lựa giải pháp

Để giữ vững vị thế của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước khi điện, xăng dầu tăng giá. Tổng thể, doanh nghiệp nên điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới dựa trên nội lực của mình. Có ba hướng mà doanh nghiệp nên cân nhắc: hoặc tăng giá bán sản phẩm dịch vụ, hoặc tìm giải pháp để giảm chi phí, hoặc kết hợp cả hai. Tất cả phải được xem xét cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Nếu chọn kịch bản tăng giá bán, thì ngay từ bây giờ doanh nghiệp cần phải thực hiện việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, nâng cao chất lượng phục vụ trong mọi hoạt động giao dịch với khách hàng (trước, trong và sau khi bán hàng). Đây là bước chuẩn bị tâm lý để khách hàng tự nguyện chấp nhận mức giá bán cao hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên lưu ý đến các nhóm khách hàng để có chính sách ưu tiên phục vụ.

Chẳng hạn có những nhóm khách hàng đóng góp vào doanh thu ít nhưng chi phí phục vụ cao. Từ chối phục vụ nhóm khách hàng không hiệu quả có thể là cách giảm chi phí và tập trung phục vụ nhóm khách hàng ưu tiên để nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu.

Kịch bản giữ nguyên giá bán có lẽ nên được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng, tài sản cố định lớn, và chưa đạt đến 70% công suất nhà máy áp dụng nhằm tăng thị phần, tăng công suất hoạt động của nhà máy. Như vậy, chi phí cố định trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm. Cố gắng tạo đầu ra tốt để hoạt động hết 100% công suất của nhà máy là cách giảm chi phí hiệu quả nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cắt giảm chi phí không cần thiết cũng là một giải pháp để bù đắp cho việc tăng giá nguyên liệu đầu vào. Theo kết quả khảo sát ở nhiều doanh nghiệp, các khoản phí không tạo ra giá trị gia tăng của doanh nghiệp chiếm từ 2-10% trong tổng chi phí. Một vài ví dụ để xem xét như: mô hình quản lý không phù hợp với chiến lược đề ra, các phòng ban không hoạt động nhịp nhàng, bộ phận này làm xong phải chờ bộ phận khác, nhân viên làm việc thiếu sáng tạo và không tâm huyết, sản phẩm bị lỗi nhiều...

Hay khi xét trong chuỗi cung ứng lại có tình trạng mua cùng một món hàng từ rất nhiều nhà cung cấp khác nhau với chất lượng như nhau nhưng giá cả lại khác nhau. Hay chuyện chưa triển khai hệ thống phân phối, chưa phủ hàng đều, lại tiến hành quảng cáo rầm rộ về sản phẩm. Khách hàng thấy quảng cáo, tìm mua thì không mua được sản phẩm...

Việc chuyển đổi mô hình từ nguồn lực đẩy (khách hàng là những người thụ động) sang mô hình kéo (khách hàng trở thành những người tạo lập mạng lưới) cũng là một gợi ý để xem xét vào lúc này. Để thực hiện giải pháp này, doanh nghiệp nên xem xét trên toàn bộ chuỗi giá trị cung cầu, từ nhà cung cấp, nhà sản xuất đến nhà phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng. Phương pháp này sẽ làm thị phần, doanh thu của doanh nghiệp “nở” to ra. Với cái nhìn xuyên suốt về giá trị và cấu trúc chi phí, doanh nghiệp và các đối tác sẽ mạnh mẽ hơn trong đầu tư. Và nhìn xa hơn, doanh nghiệp cũng cần nghĩ đến việc cải tiến dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc để tiết kiệm điện và nhiên liệu.

Trước những dự báo giá điện, xăng dầu có thể tăng, doanh nghiệp cần nhận biết rõ về “sức khỏe” của mình, biết cách đặt nghị lực, niềm tin, ý chí của mình vào đúng chỗ để biến mối đe dọa thành cơ hội khẳng định mình, để từ đó đưa ra quyết định mang tính chiến lược, chiến thuật nhằm giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn trước sự tăng giá nguyên liệu đầu vào bằng việc phát huy nội lực thông qua quá trình cạnh tranh động.