Lận đận thương hiệu điện tử Việt

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Câu chuyện về Asanzo ngày càng “nóng” khi công ty này quyết định kiện tờ báo đã phanh phui sự thật, trong lúc cơ quan quản lý đang làm rõ hành vi đúng sai. Tuy nhiên, tình trạng lận đận thương hiệu điện tử Việt là điều dễ nhận thấy từ việc này.

Các cơ quan quản lý có liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ KH&CN… đang tập trung làm rõ hành vi đúng sai về mặt pháp luật của hãng điện tử Asanzo.
Các cơ quan quản lý có liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ KH&CN… đang tập trung làm rõ hành vi đúng sai về mặt pháp luật của hãng điện tử Asanzo.

Tại cuộc họp báo chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại nửa đầu năm nay diễn ra ngày 30/7 tại Hà Nội, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, cho biết các cơ quan quản lý có liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ KH&CN… đang tập trung làm rõ hành vi đúng sai về mặt pháp luật của hãng điện tử Asanzo.

Đánh mất niềm tin?

“Nếu Asanzo có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam”, ông Thế nhấn mạnh.

Trước đó vài ngày, ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc CTCP Asanzo Việt Nam, đã quyết định khởi kiện ra tòa đối với tờ báo đầu tiên phanh phui sự thật về công ty này trong việc nhập hàng hóa, linh phụ kiện Trung Quốc nhưng gắn xuất xứ Việt Nam.

Việc khởi kiện này, theo ông Tam, là do doanh nghiệp (DN) đã bị thiệt hại nặng nề do bị cáo buộc giả xuất xứ hàng hóa.

Trả lời trên hãng tin BBC, ông Tam có nói rằng: “Là một DN, chúng tôi làm những gì mà pháp luật không cấm”.

Quan sát những diễn biến này, một luật sư ở Tp.HCM nhận định khi mà chúng ta chưa có quy định rõ ràng về quy tắc hàng hóa xuất xứ thì cần sớm thay đổi để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Bởi lẽ, Asanzo đang lợi dụng kẽ hở là họ dùng linh phụ kiện Trung Quốc rồi lắp ráp thủ công và vẫn được phép ghi xuất xứ Việt Nam.

Vấn đề đặt ra ở đây là thương hiệu này đã bị mất uy tín hoàn toàn khi người tiêu dùng biết rõ sự thật từ khi báo chí thông tin. Bản thân nhà phân phối cũng quay lưng vì sự thiếu trung thực của Asanzo, chứ không đơn thuần là việc được hay không được phép ghi xuất xứ Việt Nam trên sản phẩm.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật BASICO, việc bảo vệ uy tín, hình ảnh DN phụ thuộc rất nhiều vào thực chất hàng hóa, sản phẩm DN bán ra trên thị trường.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), đặt vấn đề: Thương hiệu Việt, sản phẩm Việt có giá trị như thế nào mà đến nỗi mặt hàng điện tử Trung Quốc được một DN điện tử nội địa nhập về rồi đội lốt? Nếu thương hiệu Việt đã được nâng lên mà không khéo kiểm soát thì sẽ đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

“Thương hiệu Việt, hàng điện tử Việt muốn đứng vững được trên thị trường thế giới thì trước hết phải đứng được trong niềm tin của người tiêu dùng Việt. Đấy là điều cực kỳ quan trọng”, ông Lịch nhấn mạnh.

Nếu nhìn từ vụ việc Asanzo (một DN điện tử nội địa) để soi lại ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay có thể thấy còn rất nhiều vấn đề cần mổ xẻ. Đặc biệt là khi hơn 95% giá trị xuất khẩu (XK) của ngành này đang nằm trong tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Lận đận thương hiệu điện tử Việt - Ảnh 1

Cần đầu tư cho R&D

Theo số liệu của Bộ Công Thương, XK nhóm hàng sản phẩm điện tử và linh kiện, máy vi tính nửa đầu năm nay ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái và nằm trong top 5 mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất. Trong đó, đóng góp chủ yếu vẫn thuộc về khối ngoại.

Điều này cho thấy DN điện tử nội địa gần như bỏ ngỏ trước giá trị béo bở của kim ngạch XK. Chưa kể, trên thị trường điện tử trong nước, sự xuất hiện của các DN nội địa cũng chưa hẳn là nhiều. Trường hợp nổi lên gần đây ở phân khúc thị phần điện tử bình dân (đặc biệt là vùng nông thôn) của một thương hiệu Việt như Asanzo là trường hợp hiếm hoi.

Giới chuyên gia cho rằng việc nâng tầm thương hiệu đối với các DN điện tử nội địa sẽ còn lận đận dài dài khi mà những DN Việt trong lĩnh vực này phần lớn là DN nhỏ và vừa, không đủ nguồn lực về tài chính để có thể đầu tư dây chuyền hiện đại cho việc tự sản xuất linh phụ kiện. Bản thân DN cũng không tự tin vào sản phẩm “made in Việt Nam” của mình.

Trong khi đó, theo Quy hoạch công nghiệp Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, mục tiêu đưa ra về tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện tử, công nghệ thông tin rất cao: giai đoạn đến 2020 đạt 17 – 18%/năm, giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 – 21%/năm.

Mục tiêu trên nếu so với tiềm lực của DN nội địa hiện nay có thể thấy là rất khó đạt được, nhất là khi lĩnh vực này đòi hỏi nhiều về việc nắm bắt công nghệ mới, cũng như đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm, thiết kế.

Đồng thời, phải có chiến lược hợp tác sản xuất với các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước đảm bảo chất lượng và giá thành; phải hợp tác với các kênh phân phối hữu hiệu.

Trên thực tế, theo giới chuyên gia, chính sự vắng bóng của hoạt động R&D nên hầu như các DN điện tử Việt Nam không thể sở hữu nhiều công nghệ lõi. Việc xây dựng thương hiệu điện tử Việt vì thế càng khó khăn hơn và DN nội địa cũng rất khó cạnh tranh để lớn mạnh thông qua chuyển đổi và hạ giá thành sản phẩm.

Điều cần làm trong lúc này là ngành công nghiệp điện tử Việt cần đầu tư cho R&D và định hướng chiến lược dài hơi trước áp lực đổi mới không ngừng. Chỉ có như vậy thì thương hiệu điện tử Việt mới không còn lận đận như trường hợp Asanzo.