Làn sóng M&A - Thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước

Theo Thanh Thúy/http://thuongtruong.vn

Mua bán và sáp nhập (M&A) trên thế giới cũng như M&A tại Việt Nam đều được nhận định rằng sẽ tạo ra giá trị tăng thêm nhờ giảm chi phí, mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới. Không nằm ngoài xu thế đó, năm 2018, thịtrường bán lẻ Việt đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A, đặc biệt là các ông lớn trong nước thâu tóm lẫn nhau.

Làn sóng M&A - Thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Làn sóng M&A - Thách thức lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra phổ biến tại các quốc gia trên thế giới và bùng nổ tại Việt Nam trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế. Giá trị cộng hưởng có được từ mỗi thương vụ M&A sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh hiệu quả và giá trị doanh nghiệp sau M&A được nâng cao; góp phần cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp.

M&A còn giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả kinh doanh dựa vào quy mô khi doanh nghiệp có thể thâm nhập được vào thị trường mới, có thêm một dây chuyền sản phẩm mới hay mở rộng phạm vi phân phối, mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, các dự án… Sau khi thực hiện M&A, hai bên có thể khai thác được những lợi thế lẫn nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, khả năng bán chéo sản phẩm, dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Trong năm 2018, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến không ít thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám, khi mà các chuỗi bán lẻ lớn lần lượt về tay các ông lớn ngành phân phối thị trường trong nước và đánh dấu thời kỳ “lên ngôi” của các nhà đầu tư trong nước.

Tập đoàn BGR - nhà đầu tư chiến lược mua lại 65% cổ phần hapro

Theo kế hoạch cổ phần hóa, Hapro sẽ trở thành doanh nghiệp 100% tư nhân và nhà nước không còn nắm giữ cổ phần. Cụ thể, Hapro sẽ bán 65% cổ phần cho đối tác chiến lược, 34,51% được bán đấu giá công khai và 0,49% được bán ưu đãi cho người lao động. UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt lựa chọn và bán cổ phần cho một nhà đầu tư chiến lược duy nhất là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco), một công ty con của Tập đoàn BRG. Như vậy. Vinamco - Tập đoàn BRG của doanh nhân Nguyễn Thị Nga sẽ là người sẽ chịu trách nhiệm số phận của Hapro từ nay về sau.

Trong năm 2017, Hapro đạt tổng doanh thu là 3.559 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là hơn 60 tỷ đồng. Năm 2018, Hapro lên kế hoạch doanh thu tăng trưởng 6,06%, lợi nhuận tăng 13,3%. Với số vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, Hapro hiện đang nắm 10 công ty con, 20 công ty liên kết hoạt động trong các mảng bán buôn, bán lẻ, sản xuất với các mặt hàng như thực phẩm, rượu, gốm sứ… Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại nội địa, Hapro đã phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapro Mart, hệ thống thực phẩm an toàn Hapro- Food… Thương hiệu này đã quá quen thuộc với người dân thủ đô. Các thương hiệunhư Thủy Tạ, chợ Bưởi, gốm Chu Đậu, vang Thăng Long của Hapro cũng đã được biết đến từ lâu.

Trước IPO, dù là đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đồ uống, may mặc thời trang, hàng hóa tiêu dùng, tuy nhiên, Hapro lại được nhà đầu tư chú ý như một doanh nghiệp sở hữu quỹ đất thuê lớn của Nhà nước với nhiều vị trị đẹp.

Quỹ đất của Hapro khá phong phú với 96 khu đất và mặt bằng được thuê tại Hà Nội. Cùng với đó là nhiều khu đất đắc địa tại các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp, Gia Lai, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, BRG là một tập đoàn phát triển đa lĩnh vực bao gồm bất động sản, thương mại dịch vụ được biết đến qua các thương hiệu đang nắm giữ như Hilton Hà Nội, Honda Tây Hồ, Honda Hải Phòng và Intimex - chuỗi siêu thị, có ngành nghề hoạt động tương đồng với Hapro. Với đặc những đặc điểm trên, Hapro có thể xem là mảnh ghép khá phù hợp với BRG.

Sau cổ phần hóa, Hapro vẫn sẽ giữ nguyên hoạt động cốt lõi, phát triển các sản phẩm, tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa. Hapro và hệ thống kinh doanh vẫn sẽ là thương hiệucó tiếng được biết đến với một loạt các mặt hàng như hoa quả tươi, hạt tiêu, nông sản, thủ công mỹ nghệ… Đến năm 2020, Công ty phấn đấu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty; tiếp tục đề ra mục tiêu là thương hiệu hàng đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại.

VinCommerce “nuốt trọn” Fivimart

Mảng bản lẻ của Vingroup đang tăng trưởng rất nhanh chóng, với doanh thu 9 tháng đầu năm 2018  đạt  12.890  tỷ  đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Đầu tháng 10/2018, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup bất ngờ xác nhận việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart, sau khi đại gia Nhật Aeon chấm dứt việc rót vốn vào hệ thống bán lẻ này.

Sau khi hoàn tất sáp nhập, hệ thống 25 siêu thị Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart. Như vậy, đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu các điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương sẽ bị xóa tên trên bản đồ. Sau khi thay đổi thương hiệu, VinCommerce sẽ tăng cường thực phẩm tươi sống an toàn, các nhãn hàng riêng như nông sản, thực phẩm sơ chế và chế biến, hàng tiêu dùng gia đình... cho chuỗi siêu thị này.

Thương vụ mua bán này được xem là bước đi để hiện thực hóa kế hoạch mở rộng mạng lưới hệ thống cửa hàng bán lẻ tới từng khu dân cư của doanh nghiệp này. Sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng hơn 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+.

Viễn thông A về tay Vingroup

Mới đây nhất, sau nhiều đồn đoán, ngày 5/11, phía Vingroup đã chính thức xác nhận việc mua lại Viễn thông A. Theo đó, Tập đoàn Vingroup sẽ nắm 100% tỷ lệ biểu quyết và 64,46% tỷ lệ lợi ích tại Viễn thông A. Qua đó hệ thống bán lẻ điện thoại này đã trở thành công ty con của Vingroup. Bà Mai Thu Thủy, người từng nắm nhiều vai trò quan trọng tại Vingroup, sẽ thay thế ông Huỳnh Việt Thương đảm nhận chức vụ giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Viễn thông A.

Việc mua lại Viễn thông A được xem là động thái mới nhất của Vingroup mở rộng kênh phân phối cho điện thoại thương hiệu Vsmart. Cùng với hệ thống VinPro sẽ giúp củng cố vị thế tập đoàn trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy. Trước đó, Vinsmart và Công ty công nghệ châu Âu BQ đã ký hợp đồng hợp tác, thúc đẩy quá trình sản xuất các dòng smart- phone theo chuẩn quốc tế.

Viễn thông A được thành lập vào tháng 11/1997, đến nay đã đang nắm trong tay 310 cửa hàng và trung tâm bảo hành với tổng diện tích mặt sàn là 61.000 m2. Trong vài năm qua, thị trường bán lẻ di động tại Việt Nam có dấu hiệu bão hoà. Cuộc đua mở shop, giành thị phần giữa các ông lớn, tiêu biểu là Thế Giới Di Động và FPT Shop dần đi đến hồi kết. Chiến thắng áp đảo thuộc về Thế Giới Di Động với hơn 40% thị phần tính đến năm 2018. Độ phủ của Viễn Thông A chỉ đứng sau Thế Giới Di Động và FPT Shop và sẽ là lựa chọn phù hợp để Vin- Group tung Vsmart ra thị trường. Vingroup hiện sở hữu một hệ thống bán lẻ là Vinpro, ra mắt vào tháng 3/2015, gồm hai mô hình kinh doanh VinPro và Vinpro+. Trong đó, Vinpro là các trung tâm công nghệ - điện máy, tọa lạc tại tất cả các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom. Vinpro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn. Tính đến hết năm 2017, hệ thống Vinpro đã có tổng cộng 35 siêu thị trên toàn quốc. Hiện chưa rõ phía Vingroup có kế hoạch sáp nhập hai hệ thống bán lẻ này lại hoặc đưa ra mô hình kinh doanh nào mới cho Viễn thông A hay không.

Hàng loạt các thương vụ M&A diễn ra sôi động, tạo nên sức hấp dẫn lớn của ngành bán lẻ Việt Nam nhưng cũng khiến thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Trong cuộc đua với làn sóng M&A, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng cho mình những chiến lược dài hơi, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tận dụng triệt để những lợi thế sẵn có để có thể đương đầu với các đối thủ mạnh không chỉ trong mà cả ngoài nước.

Và một điều quan trọng nữa, bên cạnh các mục đích, kỳ vọng và chiến lược của các bên qua các thương vụ M&A, vấn đề người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn cần được chú trọng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và mở cửa thị trường.

Năm 2018 đánh dấu 10 năm chặng đường mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo thống kê, đã có 4.353 thương vụ, với tổng giá trị M&A đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2017 đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Dự báo hết năm 2018, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,5 - 6,9 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017.

Các chuyên gia cho rằng, trong những năm tiếp theo, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.