Lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam sẽ là "điểm nóng" của dòng vốn đầu tư

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam được ví như điểm nóng của dòng vốn đầu tư khi chứng kiến sức nóng của các công ty công nghệ trên thị trường. Các nhà đầu tư quốc tế dự báo 2 – 3 năm tới sẽ có khoảng 2 – 3 tỷ USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, tức là gấp 10 lần so với hồi năm ngoái.

Dự báo 2 – 3 năm tới sẽ có khoảng 2 – 3 tỷ USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam. Nguồn: Internet
Dự báo 2 – 3 năm tới sẽ có khoảng 2 – 3 tỷ USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam. Nguồn: Internet

Sau khi có sự tiếp sức từ một quỹ đầu tư lớn, ứng dụng gọi xe công nghệ FastGo – một doanh nghiệp (DN) thuần Việt, mới đây dự định ra mắt dịch vụ tại Indonesia và Myanmar vào tháng 12/2018 và hy vọng sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này ở ASEAN, có thể là đối thủ cạnh tranh với hãng gọi xe công nghệ Grab.

"Sức nóng" thị trường

Việc tiến tới mở rộng ra thị trường nước ngoài chỉ sau 5 tháng ra mắt tại Việt Nam của một DN Việt đang cho thấy những tín hiệu tích cực trước "làn sóng" rót vốn đầu tư vào các DN công nghệ ở Việt Nam hiện nay.

Trong nhận định mới đưa ra của Tập đoàn JLL (Mỹ), các dịch vụ công nghệ từ gọi xe cho đến ứng dụng giao thức ăn và co-working đã phủ sóng rộng rãi, và các nhà đầu tư mạo hiểm cũng đã rót lượng vốn kỷ lục vào công nghệ.

Một thống kê cho thấy lượng đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực này đạt hơn 75 tỷ USD trong năm 2016 – 2018, nhiều hơn các lĩnh vực truyền thống khác như dược – sinh học, theo báo cáo của C.B. Insights. Trong đó, các giải pháp di động là lĩnh vực thu hút đầu tư nóng nhất, chiếm 61% tổng lượng đầu tư công nghệ.

Theo nhận định của ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, không có nơi nào tốt hơn để chứng kiến sức nóng của các công ty công nghệ như tại Việt Nam. Việt Nam đang bắt kịp tốc độ phát triển nhanh chóng với các thị trường khác trong khu vực, nhờ vào tầng lớp doanh nhân trẻ am hiểu về công nghệ cao.

"Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng đáng kể nhu cầu từ các công ty công nghệ trong 3 năm qua ở Việt Nam và dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong 5 năm tới", ông Stephen Wyatt nói.

Cơ sở của việc rót vốn đầu tư vào ngành công nghệ được cho là từ sự tăng trưởng sử dụng internet và smartphone tại Việt Nam. Các thống kê tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 (dự báo tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm – CAGR) cho thấy Việt Nam có mức tăng trưởng 10% về lượng người dùng internet, tăng 25% lượng thành viên tích cực trên mạng xã hội và tăng 21% lượng người dùng smartphone.

Hơn nữa, với lượng dân số trẻ 45,8 triệu người (chiếm 49% dân số), lượng đăng ký thuê bao di động hiện là 124,7 triệu thuê bao cũng là lợi thế lớn cho sự phát triển công nghệ tại Việt Nam.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Đầu tư công nghệ và đối tác của VinaCapital, cho biết: "Trong 1 – 2 năm trở lại đây, công nghệ 4.0, công nghệ số hóa đang là những chủ đề rất nóng bỏng ở thị trường Việt Nam. Cho nên, chúng tôi ngồi lại suy nghĩ là lĩnh vực công nghệ lớn cỡ nào và mình cần có nguồn quỹ như thế nào để đầu tư thành công".

Sẵn sàng rót vốn

Theo ông Khanh, Việt Nam đã sẵn sàng cho công nghệ số hóa đột phá làm thay đổi thị trường, tiến lên công nghệ 4.0. Sự hiện diện của các giải pháp công nghệ ngày càng nhiều và đó là xu hướng của thị trường.

Sự đột phá về công nghệ có thể thấy đang "thấm dần" trong các lĩnh vực chủ chốt tại Việt Nam như nông nghiệp, sản xuất, bất động sản, giáo dục, logistics, vận tải, truyền thông, dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục, bán lẻ.

Đơn cử như ở mảng truyền thông giải trí có Yeah 1, Vinagame (VNG), Zalo. Ở ngành bán lẻ là sự nở rộ của các sàn thương mại điện tử với "cuộc chơi" của những "ông lớn" ở trong và ngoài nước như Adayroi, Tiki, Lazada, Shopee…

Ngoài ra, nếu quan sát kỹ sẽ thấy những "ông lớn" như VNG hay Zalo đang tiến vào lĩnh vực công nghệ tài chính (điển hình là ZaloPay), những sàn thương mại điện tử cũng bắt đầu làm nhiều hơn là chỉ bán hàng tiêu dùng, bán cả dịch vụ, bán cả vé máy bay, bán tất cả mọi thứ.

Điều này giúp các nhà đầu tư nhìn nhận được rằng những công ty công nghệ đang xây dựng nền tảng rất lớn tại Việt Nam.

Một nhà đầu tư tài chính quốc tế chia sẻ hồi năm ngoái có 290 triệu USD được các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn vào Việt Nam cho các DN công nghệ. Có thể 2 – 3 năm tới sẽ có khoảng 2 – 3 tỷ USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Từ đây có thể thấy, nếu đúng như dự báo, chỉ trong vòng 2 – 3 năm, số tiền đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có thể tăng đến 10 lần. Điều này càng cho thấy lĩnh vực công nghệ chính là điểm nóng của đầu tư.

Về phía các nhà đầu tư, bên cạnh việc sẵn sàng rót vốn cũng đặt ra các tiêu chí để rót vốn vào các DN công nghệ Việt. Chẳng hạn như đó là những DN có ý tưởng lớn, có thể ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống của con người.

Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến những ý tưởng công nghệ mang tính sáng tạo đột phá có thể tạo ra những thị trường hoàn toàn mới, có thể nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực hoặc thị trường quốc tế.

Ngoài hình thức đầu tư mạo hiểm thông thường, các nhà đầu tư cũng sẽ tạo ra các liên doanh với các đơn vị chủ chốt để giải quyết những bài toán hóc búa của các DN công nghệ Việt.