Lợi nhuận tăng mạnh 6 tháng đầu 2018, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Yếu tố nào đã giúp nhiều ngân hàng duy trì con số lợi nhuận ấn tượng và liệu có thể duy trì trong 6 tháng cuối năm?

Lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Nguồn: internet
Lợi nhuận của ngành ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Nguồn: internet

Tiếp tục tăng trưởng

Vietcombank  - ngân hàng có số lợi nhuận tuyệt đối lớn nhất trong năm 2017, cho biết nửa đầu năm nay lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 53% (số % tăng trong bài đều so với cùng kỳ 2017) và bằng 55% kế hoạch 2018.  Một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhà nước lớn khác là Vietinbank cũng ước đạt lợi nhuận khoảng 5.200 tỷ đồng, tăng hơn 8% và đạt 48% kế hoạch năm.

Ở nhóm ngân hàng TMCP, TPBank thông báo lãi trước thuế sau khi trích dự phòng đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương 212%. VIB cũng đạt con số tăng trưởng hơn 2 lần, khi đạt 1.151 tỷ đồng. Một ngân hàng khác có tốc độ tăng trưởng đột biến gần đây và cũng vừa lên sàn là HDBank ước tính lợi nhuận trước thuế kỳ này tiếp tục vượt xa mức tăng trưởng gấp đôi.

Các ngân hàng thuộc nhóm nhỏ cũng đạt kết quả khả quan, đơn cử như Nam Á lãi trước thuế 311 tỷ đồng, đạt đến 97% kế hoạch lợi nhuận của cả năm. OCB cũng tăng trưởng gấp hơn 2,6 lần, đạt 1.302 tỷ đồng.

Động lực

Yếu tố đầu tiên giúp lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục khả quan là nhờ vào tăng trưởng tín dụng. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành là 6,35% và đáng chú ý là tín dụng đã tăng tốt ngay từ những tháng đầu năm. Trong đó, một số ngân hàng có mức tăng khá cao so với đầu năm như SCB tăng 12%, dư nợ cho vay Vietinbank tăng gần 10%. Đặc biệt là cơ cấu tín dụng của các ngân hàng tiếp tục có sự dịch chuyển sang bán lẻ với biên lợi nhuận cao hơn.

Yếu tố thứ hai là nguồn thu phí dịch vụ được cải thiện và có xu hướng tăng dần tỷ trọng trong tổng thu nhập của các ngân hàng. Đơn cử như tại SCB, mảng dịch vụ đóng góp đáng kể trong cơ cấu thu nhập với mức thu thuần 6 tháng đầu năm 2018 là 319 tỷ đồng, tăng 65%.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng đang đến mùa thu "quả ngọt" từ mảng bancasuarrance, vốn được tập trung phát triển trong những năm gần đây.  Như tại OCB, đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng trong lợi nhuận 6 tháng đầu năm đến từ tăng thu nhập ngoài lãi, thu từ dịch vụ và thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm.

Dù lợi nhuận đạt kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng việc có hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2018 hay không vẫn chưa có gì chắc chắn, nhất là khi nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng rất cao. Trong khi đó, môi trường kinh doanh trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ có những thay đổi và biến động khó lường.

Yếu tố thứ ba là các khoản thu nhập bất thường từ xử lý nợ xấu cao hơn khi mà việc thu hồi nợ xấu đạt kết quả nhanh hơn kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Về cơ bản, một khi ngân hàng thu hồi, xử lý được nợ xấu có thể phát sinh nhiều dòng thu nhập khác, từ hoàn nhập dự phòng đã trích cho đến thu lãi quá hạn, thu lãi đã thoái thu trước đây. Đó là chưa nói đến một vài ngân hàng đã thoái vốn thành công tại một số đơn vị góp vốn khi thị trường tăng mạnh trong quý I, ví dụ như Vietcombank.

Yếu tố thứ tư là chi phí huy động vốn đầu vào thời gian qua được tối ưu hóa khi lãi suất trên thị trường 1 lẫn thị trường 2 giảm và ổn định ở mức thấp. Bên cạnh đó, một số ngân hàng từ cuối năm 2017 cho đến 6 tháng đầu năm nay tăng mạnh vốn tự có, đặc biệt là đối với những ngân hàng mới niêm yết nên giúp giảm chi phí vốn và từ đó có thêm cơ hội chủ động giảm lãi suất tiền gửi từ khách hàng.

Kỳ vọng cho 6 tháng cuối năm

Dù lợi nhuận đạt kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nhưng việc có hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2018 hay không vẫn chưa có gì chắc chắn, nhất là khi nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng rất cao. Trong khi đó, môi trường kinh doanh trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ có những thay đổi và biến động khó lường.

Tăng trưởng tín dụng có thể được kiềm chế, theo như những gì mà Ngân hàng Nhà nước đã phát tín hiệu gần đây. Với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô khi các yếu tố rủi ro ngày càng hiện hữu, Ngân hàng Nhà nước có thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ, theo đó tăng trưởng tín dụng có thể được kiểm soát chặt chẽ và chấp nhận đạt thấp hơn mục tiêu 17% đề ra trong năm nay. Và dĩ nhiên các ngân hàng sẽ khó có thể được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng như năm 2017.

Mặt bằng lãi suất huy động vốn có thể chịu áp lực tăng trở lại trong thời gian tới, tất yếu sẽ thu hẹp biên độ lãi suất của các ngân hàng, nếu như lãi suất cho vay buộc phải giữ ổn định theo như mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Rõ ràng với áp lực lạm phát tăng trở lại trong 2 tháng vừa qua, tỷ giá và giá vàng có dấu hiệu nổi sóng thì lãi suất huy động tiền đồng có tăng cũng có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay.

Trong khi đó, chi phí hoạt động của các ngân hàng thường có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, khi buộc phải hạch toán đầy đủ các khoản chi phí phát sinh trước khi kết thúc năm tài chính, trong đó có nhiều khoản đã chi trong 6 tháng đầu năm nhưng chưa được hạch toán.

Cùng với việc phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn bảo mật nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn theo Basel 2, thì chi phí đầu tư, mua sắm tài sản của các ngân hàng cũng chịu áp lực tăng mạnh trong giai đoạn tới.