M&A là cơ hội đổi mới

Theo ĐTCK

Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2012, Báo Đầu tư và Công ty AMV đã triển khai Chương trình bình chọn và trao giải thưởng “Thương vụ tiêu biểu 2011 - 2012”- cuộc bình chọn khách quan với sự tham gia của nhiều chuyên gia độc lập về M&A cả trong và ngoài nước. ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Richard Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) - đơn vị nhận giải thưởng “Nhà tư vấn tiêu biểu nhất”.

Thưa ông, một xu hướng đáng quan tâm trong thời gian gần đây là số lượng CTCK tham gia hoạt động M&A ngày càng tăng. Ông lý giải ra sao về hiện tượng này?

Diễn biến TTCK vài năm qua cho thấy, các mảng hoạt động như tự doanh không còn mang lại lợi nhuận lớn cho CTCK. Trong khi đó, mảng môi giới có sự cạnh tranh hết sức quyết liệt. CTCK nào muốn xác lập thứ hạng ổn định đòi hỏi phải bỏ ra chi phí khá lớn, đồng thời phải quản trị rủi ro nghiêm ngặt. Thành quả chỉ được gặt hái sau một thời gian dài đầu tư, vun đắp. Ngay cả trong nửa đầu năm 2012, khi TTCK cải thiện thanh khoản, “miếng bánh” dịch vụ vẫn quá nhỏ với trên dưới 100 CTCK đang thực hiện chức năng môi giới.

Mặt khác, khủng hoảng kinh tế thế giới và sự phát triển nóng của các DN giai đoạn trước đây khiến nhu cầu tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, các ngành và các DN là vô cùng bức thiết. Xuất phát từ nhu cầu thị trường và thực tiễn hoạt động, nhiều CTCK đã tìm hướng ra ở những mảng hoạt động ổn định hơn như tư vấn.

Việc các CTCK tham gia sân chơi mới sẽ khiến sự cạnh tranh sắp tới tăng lên, thưa ông?

Ngay khi thành lập VCSC vào năm 2007, chúng tôi đã chủ động xác định mô hình phát triển bền vững của Công ty gắn liền với hoạt động nòng cốt là tư vấn. Các mảng hoạt động khác như đầu tư, môi giới đều xoay quanh mảng hoạt động lõi này. Chúng tôi đánh giá, trong hoạt động tư vấn, yếu tố nền tảng, quan trọng nhất là con người. Vì vậy, đội ngũ tư vấn của VCSC liên tục được bồi dưỡng và trưởng thành từ công việc thực tế. Ngoài ra, chuyên viên tư vấn của chúng tôi luôn được bổ sung phù hợp với sự mở rộng và đòi hỏi của công việc. Chẳng hạn, gần đây khi khuôn khổ tư vấn của VCSC vượt ngoài giới hạn lãnh thổ Việt Nam, thì nhân sự tư vấn của VCSC được bổ sung cả các chuyên gia tư vấn kinh nghiệm người nước ngoài có trên dưới 20 năm kinh nghiệm từ các định chế tài chính lớn như Deutsche Bank.

Với việc xác lập một bản sắc hoạt động riêng, cộng với với thế mạnh đã tư vấn nhiều thương vụ tiêu biểu, mang tính tiên phong trên TTCK, nên mối quan hệ của chúng tôi với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như các DN tư nhân lớn rất tốt.

Những thế mạnh trên khiến chúng tôi không cảm thấy sức ép cạnh tranh tăng lên, dù hiện tại nhiều CTCK bắt đầu quan tâm đến hoạt động tư vấn. Hàng rào gia nhập của hoạt động tư vấn khá thấp với các hoạt động đơn giản như tư vấn niêm yết phát hành, nhưng để theo đuổi các thương vụ khó, có giá trị gia tăng cao như tư vấn M&A thì khoảng cách giữa các CTCK hiện tại tính bằng năm phát triển.

Ông nhận xét ra sao về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A hiện tại?

Thời gian qua, VCSC đã thực hiện nhiều thương vụ mang tính tiêu biểu. Điển hình như năm 2008, VCSC là CTCK đầu tiên thực hiện một thương vụ M&A thành công khi tư vấn cho Holcim mua lại Xi măng Cotec và PVD Invest sáp nhập vào PV Drilling, thương vụ sáp nhập đầu tiên giữa một DN niêm yết với một công ty chưa niêm yết. Năm 2009, chúng tôi thực hiện tư vấn sáp nhập hai công ty niêm yết đầu tiên giữa Xi măng Hà Tiên 2 và Hà Tiên 1; Mirae Fiber sáp nhập vào Mirae…

Thực tế, vì là các thương vụ “đầu tiên” nên công việc bao giờ cũng hết sức khó khăn. Vướng mắc đến từ các rào cản pháp lý khi tại Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến M&A, nhưng còn nằm rải rác ở nhiều bộ luật khác nhau. Hiện tại, hoạt động M&A triển khai đã nhanh hơn trước đây vì đã có tiền lệ đột phá. Nhưng về lâu dài, vẫn cần một hành lang pháp lý chuyên biệt, chi tiết hóa quá trình M&A, vì mục tiêu căn bản của hoạt động này liên quan đến nhiều chủ thể cần bảo vệ như cổ đông thiểu số, người lao động, chủ nợ, khách hàng…

Trên góc độ là nhà tư vấn, ông có chia sẻ gì với cộng đồng DN quan tâm đến hoạt động M&A?

Có thể do mới mẻ và ảnh hưởng bởi định kiến xã hội, nên dư luận nói chung hiện nay và cộng đồng doanh nhân tỏ ra khá thận trọng trước xu hướng thâu tóm, sáp nhập. Tâm lý chung coi hoạt động thâu tóm là “cá lớn nuốt cá bé”. Đứng trên góc độ nhà tư vấn, chúng tôi cho rằng, trường hợp này có nhưng không nên chỉ nhìn vào một vài hiện tượng để phủ nhận các cơ hội tốt đem lại cho các bên tham gia M&A.

Đứng trên góc độ xã hội, vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế trong nước khó khăn  ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các DN. Số lượng DN giải thể, làm thủ tục phá sản, cổ phiếu giao dịch thấp xa giá trị thật… ngày càng nhiều. Hoạt động M&A là cơ hội giúp DN đổi mới, tái cấu trúc hoạt động, mở rộng thị phần, hợp tác chiến lược. Sự tham gia đồng thuận và hợp tác giữa các bên có bàn tay đỡ của “bà mối” là nhà tư vấn tốt sẽ gia tăng sức mạnh của DN, tạo ra lợi ích cho các cổ đông.