M&A trong lĩnh vực bán lẻ: Doanh nghiệp nội “cố thủ” bằng liên kết

Theo enternews.vn

Cùng với làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ, đã dấy lên lo ngại về việc các doanh nghiệp ngoại thâu tóm và triệt tiêu các doanh nghiệp nội, hay việc hàng hóa Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, sáng tạo trong một cuộc chơi được dự báo sẽ còn khốc liệt hơn.

M&A là một trong những con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
M&A là một trong những con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp tập đoàn nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam thì mua bán, sáp nhập (M&A) là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất để thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đa dạng hóa M&A

Nhận định về xu hướng M&A trong lĩnh vực bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Từ phía Hiệp hội các nhà bán lẻ, chúng tôi xác nhận rằng chỉ 2 năm gần đây, các vụ M&A mới thực sự bùng nổ sau khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi 655 triệu euro để mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam, Central Group đã công bố mua lại 49% cổ phần của công ty Đầu tư phát triển công nghệ và Giải pháp mới – đơn vị sở hữu công ty thương mại Nguyễn Kim – một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam.

Đặc biệt vào đầu tháng 5/2016, cũng chính Central Group của Thái Lan đã thôn tính thành công toàn bộ chuỗi siêu thị nổi tiếng ở Việt Nam là Big C từ tay các ông chủ người Pháp với giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD.

Trong chính thị trường nội địa cũng đã có nhiều cuộc thâu tóm sáp nhập ngoạn mục như tập đoàn Vingroup thâu tóm thành công chuỗi siêu thị Occean Mart, Vinatextmart.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng – TGĐ công ty Cổ phần Dịch vụ đi siêu thị: Thực tế, làn sóng M&A tại Việt Nam không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp bán lẻ offline mà còn ở cả những doanh nghiệp bán lẻ online, ví dụ Central Group mua Zalora Việt Nam thông qua Nguyễn Kim, Alibaba mua Lazada VN.

“Trên thực tế, làn sóng M&A diễn ra từ trước khi Luật Cạnh tranh ra đời và tạo ra xu hướng cho việc hoạt động mở rộng bình thường của các doanh nghiệp. Tuy vậy, hiện nay mới chỉ có 20 vụ trong lĩnh vực bán lẻ”- Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) nhấn mạnh.

Đánh giá về tác động của M&A trong lĩnh vực bán lẻ đến thị trường trong nước, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Nếu chúng ta chủ động tìm hiểu, tham gia vào các đối tác mạnh thì chúng ta sẽ mạnh hơn, có kinh nghiệm để phát triển hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp M&A xong, doanh nghiệp Việt Nam bị độc quyền kinh doanh, độc quyền tăng giá thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất thị trường. Nếu Chính phủ, Hiệp hội, doanh nghiệp liên kết tốt để chủ động đón nhận thì M&A sẽ tiếp thêm sinh lực phát triển, và ngược lại, chúng ta có thể sẽ mất đi cơ hội, mất đi thị phần.

Thành bại tại… doanh nghiệp

Thừa nhận M&A là một xu hướng tất yếu và đang gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong nước vì vậy ông Võ Hoàng Anh – Giám đốc Maketing Co.op Mart chia sẻ: với làn sóng mạnh như hiện nay đã tạo cho chúng tôi sự chủ động, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược để thích ứng.

Theo đó, chúng tôi đẩy mạnh mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, theo bà Loan: Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng phía các nhà bán lẻ cũng đang gặp khó khăn. Chia sẻ với Hiệp hội, các nhà bán lẻ luôn khẳng định ưu tiên nhà cung ứng, sản xuất Việt nhưng hàng Việt phải đảm bảo chất lượng.

Thay vì trông chờ vào các chính sách, đối mặt với khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực sáng tạo tìm ra các giải pháp mới trong hoạt động. Việc Tập đoàn Vingroup đã có động thái liên kết với 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân để cung ứng nông sản sạch và an toàn cho thị trường và ký hợp tác đợt 1 với gần 250 doanh nghiệp Việt tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa” là một hướng đi chủ động.

Ông Võ Hoàng Anh còn cho biết: Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung phát huy điểm mạnh đang có: Sự am hiểu thị trường, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam; Phát huy mối quan hệ giữa Saigon Co.op với đơn vị cung cấp, các đơn vị đối tác cung ứng để có thể phát triển vững chắc; Tập trung xây dựng chiến lược, phát huy yếu tố sáng tạo, chủ động hơn nữa.

Thứ nhất, chúng tôi sẽ phát triển các mô hình đang có và nghiên cứu cho ra các mô hình bán lẻ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam và của công ty đồng thời hướng tới mô hình bán đa kênh – mô hình đang phát triển trên thế giới. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ chú trọng vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực, những con người có chuyên môn, có đam mê và đào tạo họ thành những nhân viên tận tâm, tận lực.

Thứ hai, chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào những công nghệ mới giúp chúng tôi có thể phát triển vững chắc.

Thứ ba, Saigon Co.op sẽ sắp xếp lại mạng lưới cho phù hợp và hiệu quả hơn để phục vụ khách hàng tốt hơn và thuận lợi cho sự phát triển của Saigon Co.op.

Bà Trần Phương Lan – Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng: Nếu có hiện tượng các nhà bán lẻ nước ngoài đưa ra chiết khấu cao, lạm dụng vị trí thống lĩnh thì có thể xem xét dưới góc độ cạnh tranh nhưng chúng tôi cần những thông tin đầy đủ, chính xác về việc áp đặt chiết khấu cụ thể, thời gian nào, bao nhiêu, tăng như thế nào…

Chúng tôi sẽ có những biện pháp để giúp đỡ hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp nội trong bối cảnh cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại… Bên cạnh đó sẽ tăng cường giám sát hoạt động dưới góc độ chính sách để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách có liên quan trên thị trường bán lẻ.

Từ đó, chúng tôi sẽ có được những đề xuất để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc cạnh tranh bán lẻ với doanh nghiệp nước ngoài.